Chữ tín

Thứ hai, ngày 22/11/2010 07:19 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tại kỳ họp thứ 4 QH khóa XII, tháng 11-2008, lần đầu tiên QH đã thông qua nghị quyết về hoạt động chất vấn mà cử tri vẫn gọi là "Nghị quyết ràng buộc lời hứa của bộ trưởng". Đây được đánh giá là văn bản mang tính pháp lý để ràng buộc trách nhiệm thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ.
Bình luận 0

Như vậy sau khi hoạt động chất vấn được truyền hình trực tiếp thì "Nghị quyết ràng buộc lời hứa bộ trưởng" được coi là một tiến bộ lớn. Nói như Phó Chủ tịch QH, cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu: "Nghị quyết này sẽ có sức nặng hơn, có giá trị pháp lý cao hơn việc chỉ tổng kết chất vấn một cách đơn thuần".

Tại kỳ họp lần này, ngay trước phiên chất vấn, Văn phòng QH lần đầu tiên cũng đã báo cáo việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng. Và, Bộ trưởng đầu tiên được nói đến trong báo cáo chính là Bộ trưởng Bộ GT-VT Hồ Nghĩa Dũng với một liệt kê thẳng thắn về 3-4 vấn đề mà ông đã hứa, nhưng chưa làm được.

Bộ trưởng GT-VT Hồ Nghĩa Dũng bấy giờ tâm sự: "Là bộ trưởng, ai cũng muốn làm được việc mình đã nói, chứ không phải thích gì nói nấy, nói rồi cứ để đó. Nếu được toàn quyền, bộ trưởng không tiếc... hứa. Nhưng công việc còn bị chi phối bởi các yếu tố khác".

Tất nhiên, có những lời hứa có thể thực hiện được ngay trong khoảng thời gian nhất định từ kỳ họp lần trước đến kỳ họp lần sau, cũng có loại lời hứa phải có thời gian rất dài để thực hiện. Và tất nhiên, bộ trưởng sẽ lại giải thích vì sao, lại trình bày những khó khăn, và rất có thể ông sẽ lại tiếp tục hứa.

Có những lời hứa nhân dân, cử tri có thể biết được, ví như chuyện Bộ Tài chính hứa sẽ kiểm tra kiểm soát giá cả, Bộ VH - TT &DL hứa chấn chỉnh vấn đề tổ chức lễ hội, Chính phủ hứa đảm bảo thu mua nông sản cho nông dân, giảm nợ công, kiềm chế nhập siêu, lạm phát...

Tuy nhiên, cũng có những việc, những lời hứa, những cam kết hoặc trên diễn đàn QH, hoặc tại các cuộc họp nhân dân không thể biết được các vị có giữ chữ tín hay không, vì còn cần thời gian, vì phụ thuộc nhiều vào lương tâm và trách nhiệm của các vị bộ trưởng.

Mỗi một lời hứa, một cam kết của các thành viên của Chính phủ luôn được nhân dân chú ý theo dõi và chắc chắn họ sẽ không quên.

Ngày 2-6-2010, Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama đã từ chức. Trả lời trên truyền hình phát trực tiếp đến cả trăm quốc gia trên thế giới, ông đã xin lỗi nhân dân Nhật vì đã không thực hiện lời hứa di chuyển căn cứ Futenma của Mỹ rời khỏi Okinawa. Rõ ràng, chữ tín còn cần kèm theo trách nhiệm và sự tự trọng nữa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem