Chùa Bồ Đề nhận nuôi, quản lý trẻ: Chính quyền và chùa đều dễ dãi!

Long Nguyên - Thắng Quang - Thanh Hà Thứ tư, ngày 06/08/2014 06:51 AM (GMT+7)
Quản lý việc nhận nuôi trẻ còn lỏng lẻo. Đó là nhận định của thượng tá Vũ Thái Hưng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC45), Công an TP.Hà Nội ngày 5.8 về vụ mua bán trẻ em xảy ra tại chùa Bồ Đề (Hà Nội). Chính vì sự lỏng lẻo này, nhiều nhà chùa dễ bị lợi dụng, dù có tấm lòng thiện nguyện nuôi trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa...
Bình luận 0

Tiếp nhận trẻ nhưng không có giám sát

Là người trực tiếp điều tra vụ án, thượng tá Vũ Thái Hưng cho biết: Đến thời điểm hiện tại, cơ quan điều tra bước đầu làm rõ vụ người trông trẻ ở chùa Bồ Đề câu kết với đối tượng bên ngoài để bán cháu Cù Nguyên Công (cháu bé bị bỏ rơi) với giá 35 triệu đồng.

Quá trình điều tra nhận thấy, việc tiếp nhận con nuôi của chùa Bồ Đề tương đối lỏng lẻo, không có ghi chép các cháu vào-ra nên tạo điều kiện thuận lợi cho Nguyễn Thị Thanh Trang - người quản lý khu nuôi trẻ tại chùa Bồ Đề đưa cháu Công ra khỏi chùa và bán.

Trả lời báo chí về sư thầy Thích Đàm Lan có phải là đối tượng điều tra hay không, thượng tá Hưng nhấn mạnh: “Đương nhiên sư Thích Đàm Lan là đối tượng điều tra, nếu có trách nhiệm đến đâu sẽ xử lý đến đó”. Xung quanh thắc mắc về giấy tờ mang tính pháp lý để quản lý về công tác tiếp nhận trẻ em ở chùa Bồ Đề, thượng tá Hưng nhấn mạnh:

“Việc này rất lỏng lẻo nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm mua - bán người lợi dụng”. Được hỏi trách nhiệm của UBND quận Long Biên về việc này khi trước đó Công an quận Long Biên khẳng định không có chuyện buôn bán trẻ em, thượng tá Hưng cho biết: “Trách nhiệm của quận thuộc về chính quyền trả lời. Quận không có đủ thông tin nên mới trả lời như vậy”.

Một cán bộ bảo trợ xã hội cho biết, chùa Bồ Đề đã từng được đề nghị nhiều lần làm thủ tục thành lập trung tâm bảo trợ trẻ em theo Nghị định 68 nhưng nhà chùa vẫn chưa thực hiện. Nếu thành lập trung tâm thì tất cả trẻ em, người già khi được nhận vào nhà mở của chùa phải tiến hành lập hồ sơ quản lý với khoảng 10 loại giấy tờ.

Trong đó riêng trẻ em bị bỏ rơi, nhà chùa có thể làm thủ tục đăng ký khai sinh trước khi tiếp nhận vào nhà mở. Do nhà chùa không có hồ sơ quản lý nên trẻ mồ côi được tiếp nhận vào hay cho đi đâu đều chỉ căn cứ vào báo cáo miệng.

Thực tế, trong chiều 5.8, phóng viên NTNN đến chùa Bồ Đề nhưng cửa khu nhà nuôi trẻ đóng im ỉm. Anh Nguyễn Hoàng Quân ở cạnh chùa cho biết, người dân ở đây thỉnh thoảng cũng vào chùa và được biết quản lý trẻ em ở chùa Bồ Đề rất “thoáng”, cứ có trẻ là nhận vào. Ngay cả UBND phường cũng khó rà soát bởi trẻ sơ sinh để ở chùa không có danh tính, có những trẻ có HIV mà chùa không biết…

Chùa nuôi trẻ dựa trên sự từ bi của nhà Phật, tổ chức theo kiểu tự do, không giống quy mô và tổ chức như các Làng trẻ SOS. Trẻ ốm cũng không theo dõi, chữa trị kịp thời vì không có nhân viên y tế. Nhiều khi một đứa bị cúm thì toàn bộ trẻ trong nhà mở bị lây...

Đừng để lòng từ bi vấy bẩn

Đó là ý kiến của nhiều chư tăng, phật tử sau vụ việc chùa Bồ Đề, bởi thực tế hiện nay, việc các chùa nuôi trẻ đang bắt đầu khá phổ biến. Và cũng như chùa Bồ Đề, các chùa hiện nay đều nhận trẻ bị bỏ rơi trước cổng chùa hoặc trẻ có hoàn cảnh khó khăn bị người thân đưa tới “bỏ” vào chùa.

 

Các chùa cũng không được hướng dẫn thủ tục nuôi trẻ đúng pháp luật. Thầy Thích Minh Nghiêm - Ủy viên Ban chấp hành Hội Trẻ em mồ côi và người tàn tật, trụ trì chùa Đại Bi (Bạch Hạc, Phú Thọ) và chùa Giàng (Hà Nội) bày tỏ:

“Việc nhận nuôi trẻ tại chùa Bồ Đề là xuất phát từ cái tâm, tấm lòng. Đó là một công việc tốt, từ thiện đúng với tâm của Phật đã dạy. Tuy nhiên việc sư thầy trụ trì quản lý không đến nơi đến chốn, không sát sao được người ở dưới nên đã để xảy ra sự việc đáng tiếc”.

Theo sư thầy Thích Minh Nghiêm, việc xảy ra tại chùa Bồ Đề do bảo mẫu tại chùa đã làm việc sai trái, phạm luật, nhưng sư thầy Thích Đàm Lan cũng là người bị liên đới. Và không chỉ liên đới tới cá nhân thầy Đàm Lan mà còn liên đới đến cả Giáo hội Phật giáo Hà Nội.

Sư thầy Thích Minh Nghiêm cho biết, ông cũng đang có dự án sẽ mở rộng, xây dựng nhà để nhận nuôi các cháu không có nơi nương tựa. “Để làm được điều này, mình cần có cái tâm, có trình độ kiến thức và có chiến lược, kế hoạch cụ thể.

Ví dụ nếu một chùa mà nhận nuôi từ 50 - 60 cháu là khá đông, trong khi khả năng về chỗ ăn ở của nhà chùa không đảm bảo thì cũng phải tính lại. Nhà chùa khi nhận nuôi các cháu cũng phải tính đến chuyện cho các cháu học văn hóa... Nếu không dạy dỗ tốt, không quản lý tốt đến khi trưởng thành các cháu hư hỏng thì việc làm từ thiện cũng không còn ý nghĩa” - thầy Thích Minh Nghiêm chia sẻ.

Tại chùa Tam Huyền (Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng “bất đắc dĩ” phải nuôi nấng 3 đứa trẻ bị bỏ rơi. Sư trụ trì cho biết, nhà chùa có báo địa phương, thông báo tới Hội Phụ nữ để hỗ trợ các cháu ăn học, chữa bệnh nhưng không ai quan tâm, hướng dẫn về các thủ tục nuôi trẻ và cho trẻ đi học. Nghĩa là việc quản lý từ phía chính quyền cũng rất lỏng lẻo.

Ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH tại một hội thảo về trẻ mồ côi mới đây cho biết, bộ đang khuyến khích chăm sóc thay thế - là hình thức chăm sóc tạm thời cho trẻ mồ côi khi cha mẹ, người chăm sóc, bảo hộ của trẻ không có khả năng hoặc không muốn chăm sóc trẻ.

Các loại hình chăm sóc ưu tiên là tái hòa nhập về quê hương sống với họ hàng (có trợ cấp diện trẻ mồ côi) hoặc các gia đình cha mẹ nuôi. Khi sống trong môi trường gia đình, các em sẽ có cơ hội phát triển đầy đủ hơn cả về thể chất và tinh thần.

   Theo Bộ LĐTBXH, thống kê tới tháng 2.2014 cho thấy, cả nước có khoảng trên 40.000 trẻ mồ côi được nhận trợ cấp xã hội nuôi dưỡng tại cộng đồng, khoảng 170.000 trẻ được nhận chăm sóc bởi các gia đình thay thế, trên 22.000 trẻ được nuôi dưỡng trong các cơ sở tập trung. Mỗi năm, có từ 5.000-6.000 trẻ em được nhận nuôi cả trong nước và quốc tế.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem