Chưa có cách tiêu thụ cá tra quá lứa

Thứ bảy, ngày 23/07/2011 07:12 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Giá cá tra đang sụt giảm nghiêm trọng làm nhiều người nuôi phá sản. Doanh nghiệp khi ký hợp đồng tiêu thụ cá tra liên tục “bẻ kèo” không thu mua nên người dân lâm vào cảnh khó khăn, dẫn đến cá quá lứa.
Bình luận 0

Ngày 22.7, tại TP.Cần Thơ, Bộ NNPTNT đã tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL 6 tháng đầu năm. Nhưng điều mà nông dân chờ đợi là làm sao tiêu thụ hết hàng nghìn tấn cá tra quá lứa đang tồn đọng thì vẫn không được nhắc đến.

Sản xuất, xuất khẩu tăng cao

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra 6 tháng đầu năm vẫn tiếp tục tăng cả về khối lượng lẫn giá trị. Sản lượng xuất khẩu đạt 319.359 tấn, trị giá 828,6 triệu USD (tăng 4,9% về khối lượng và 27% về giá trị so với cùng kỳ năm 2010). Riêng tháng 6, cả nước đã xuất khẩu 56.189 tấn cá tra, trị giá 156,588 triệu USD. Giá cá tra xuất khẩu trung bình trong tháng 6 là 2,79USD/kg, tăng đáng kể so với mức 2,15USD/kg của tháng 6.2010.

img
Sản lượng nuôi và xuất khẩu cá tra tăng mạnh nhưng người nuôi cá thì đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra ĐBSCL tính đến hết tháng 6, tổng diện tích nuôi cá tra đạt 3.980ha (tăng 385ha so với cùng kỳ năm 2010). Trong đó diện tích đã thu hoạch là 1.933ha, sản lượng cá lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 597.324 tấn, năng suất bình quân 309 tấn/ha. Mặc dù giá bán cá tra nguyên liệu trong 6 tháng đầu năm luôn ở mức cao nhưng do người nuôi thiếu vốn, lãi suất ngân hàng cao, cùng với sự dè dặt về sự ổn định của giá mua cá tra nguyên liệu nên diện tích nuôi cá tra không tăng đột biến như năm 2008.

Người nuôi vẫn khó khăn

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, ngoài việc phải mua thức ăn với giá cao, người nuôi cá phải chịu thiệt do chất lượng thức ăn ngày càng giảm (độ đạm tiêu hóa thấp) dẫn đến kéo dài thời gian nuôi, môi trường ô nhiễm, chất lượng cá nuôi giảm. Giá thức ăn hiện nay tăng 10% so với đầu năm 2011 và tăng 30 – 40% so với cùng kỳ năm 2010.

Ông Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Việt Nam cho rằng: “Người nuôi cá đang bị chi phối rất lớn bởi giá thức ăn. Trong khi giá nguyên liệu sản xuất giảm nhưng giá thức ăn lại tăng. Trong khi đó giá thức ăn ảnh hưởng rất lớn đến giá thành”.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên - người nuôi cá tra ở xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, An Giang cho biết: “Giá cá tra đang sụt giảm nghiêm trọng làm nhiều người nuôi phá sản. Doanh nghiệp khi ký hợp đồng tiêu thụ cá tra liên tục “bẻ kèo” không thu mua nên người dân lâm vào cảnh khó khăn, dẫn đến cá quá lứa”.

Tồn đọng 5.000 tấn cá quá lứa

Tại thời điểm này cá tra quá lứa ở ĐBSCL còn tồn khoảng 5.000 tấn, chủ yếu là ở vùng sâu, vùng xa phương tiện vận chuyển đi lại khó khăn và cá nuôi bằng thức ăn tự chế nên đạt chất lượng kém. Ông Dương Ngọc Minh – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương cho rằng: Trong tháng 6 và tháng 7, doanh nghiệp đã thu mua trong dân gần 20.000 tấn cá nên lượng cá quá lứa còn tồn đọng không nhiều. Còn ông Trần Văn Hùng – Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp) khẳng định: Nếu còn tồn cá tra quá lứa thì doanh nghiệp Hùng Cá sẵn sàng đăng ký mua 3.000 tấn cá size từ 1 đến 1,2 kg/con.

Còn ông Nguyễn Văn Kịch – Tổng Giám đốc Công ty CP CAFATEX (Hậu Giang) đặt câu hỏi: Giá cá tra đang đi xuống phải chăng có sự thao túng của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra? Khi cá trong dân nhiều, doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ cá size nhỏ (dưới 850gram), trong khi người nuôi chưa có thông tin gì về cá size nhỏ, chỉ nuôi đúng theo chuẩn trước đó là 1 kg/con. Thiệt thòi quá lớn cho người nuôi cá!”.

Để vực dậy nghề nuôi cá tra, ông Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ NNPTNT đề xuất: Phải kiểm tra nhu cầu vay vốn của người nuôi, để nghị các ngân hàng tăng cường cho nông dân vay vốn. Trong tháng 8 phải kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, nhất là đối với độ đạm tiêu hóa.

Về giải pháp giúp người nuôi cá tiêu thụ hết số cá quá lứa đang tồn đọng, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, Bộ Tài chính cần xem lại giá thức ăn, thành lập đoàn kiểm tra và xử lý nghiệp đối với các doanh nghiệp đã ký hợp đồng tiêu thụ cá tra của dân mà không thực hiện. Đồng thời VASEP cần công bố công khai về size cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngoài ra, Bộ Tài chính cần nghiên cứu để xác lập giá sàn cá tra nguyên liệu!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem