Trong một văn bản ban hành hôm qua (30.12), Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) khẳng định đã phát hiện xăng pha chất dễ cháy với hàm lượng cao tại Hà Nội. Dù vậy, cơ quan này vẫn chưa dám khẳng định, đây có phải là thủ phạm gây nên những vụ cháy, nổ xe liên tiếp thời gian qua hay không.
|
Cửa hàng xăng dầu này bị phát hiện có mẫu xăng pha methanol với hàm lượng cao mà chưa được sự chấp nhận của Bộ KHCN. |
Hàm lượng oxy cao bất thường
Theo Văn bản 314 gửi các cơ quan báo chí hôm qua, Tổng cục Tiêu chuẩn -Đo lường - Chất lượng cho biết, mẫu xăng trên được lấy từ cửa hàng xăng dầu Mai Dịch thuộc Công ty cổ phần Sản xuất dịch vụ xuất nhập khẩu Từ Liêm tại địa chỉ km9 đường Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy (Hà Nội). Mẫu xăng có nồng độ oxy cao gấp 3 lần mức quy định.
Việc lấy mẫu xăng tại cửa hàng này được tiến hành đột xuất bởi sự phối hợp giữa Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội.
Theo kết quả kiểm nghiệm ngày 28.12 của Trung tâm Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng I thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo - Chất lượng thì chất lượng xăng không chì RON92 tại cửa hàng xăng dầu Mai Dịch không đạt quy chuẩn Việt Nam (QCVN 1: 2009/BKHCN).
Theo đó, hàm lượng oxy trong mẫu xăng chiếm tới 8,8% khối lượng, vượt mức quy định cho phép tới 3 lần (quy chuẩn là 2,7%). Ngoài ra, hàm lượng methanol tại mẫu xăng còn chiếm tới 15,3% thể tích (chính hàm lượng methanol cao là nguyên nhân khiến hàm lượng oxy cao); hàm lượng nước 366 ppm.
Văn bản 314 nêu rõ: Các hàm lượng oxy, methanol và nước tại mẫu xăng của cửa hàng xăng Mai Dịch chưa được đăng ký và chấp thuận của Bộ KHCN. Theo quy định, các cơ sở có quyền cải tiến chất lượng xăng nhưng phải được phép của Bộ KHCN.
Liệu loại xăng nói trên có là thủ phạm gây cháy nổ?
Ông Phạm Văn Vinh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng cho rằng cần có kết quả kiểm tra giám định cụ thể hơn mới có thể đưa ra nguyên nhân cháy xe máy, ô tô.
Methanol là một hợp chất hữu cơ có tính cồn (công thức hoá học là CH3OH) không màu, dễ bay hơi, dễ cháy và khả năng cháy cao, được sử dụng như một dung môi trong các ngành công nghiệp như pha chế sơn, chất làm sạch kính và sử dụng làm nhiên liệu cho động cơ đốt trong. Có thể sử dụng trực tiếp hoặc pha vào xăng. Việc dùng methanol làm nhiên liệu ngày càng giảm.
Tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ cấm pha metanol vào xăng, một số quốc gia, vùng lãnh thổ lại cho phép hàm lượng methanol ở một mức độ hạn chế và chịu sự giám sát rất nghiêm ngặt bởi tính chất ăn mòn kim loại (nhất là nhôm) và ảnh hưởng tới chất đàn hồi trong bộ cấp nhiên liệu của động cơ...
Oan cho xăng ethanol, acetone?
Ngoài xăng metanol được nghi vấn là thủ phạm gây ra các vụ cháy, nổ thời gian qua, loại xăng có pha ethanol, acetone cũng là những nghi phạm mà dư luận nghi là tác nhân gây “thảm hoạ”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã bác bỏ điều này.
TS Phan Ngọc Trung-Viện trưởng Viện Dầu khí Quốc gia nói: Không thể đổ lỗi cho xăng ethanol là nguyên nhân gây cháy xe. Bởi chúng ta đang sản xuất xăng ethanol với tỷ lệ pha trộn 3-5%, nếu pha đúng theo tiêu chuẩn này thì không thể xảy ra cháy nổ. Thế giới họ đã dùng quá nhiều xăng ethanol và họ cũng không có sự khuyến cáo nào thì chắc chắn xăng ethanol không thể làm cháy xe máy được.
“Chúng tôi chỉ là nhà khoa học, nên chỉ đưa ra các giả định dựa trên khoa học. Tôi cho rằng, việc xe máy bị cháy có thể là do các cơ sở bán lẻ xăng dầu pha thêm vào xăng một loại hóa chất nào đó, hoặc có thể là pha thêm acetone và đây là nguyên nhân gây cháy xe. Các nhà máy thì họ không thể pha acetone vào xăng vì acetone bay hơi rất nhanh.
Đối với vi phạm của cửa hàng xăng dầu Mai Dịch, Văn bản 314 chỉ rõ, Sở KHCN Hà Nội phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Để tìm hiểu thêm về hướng xử lý của cơ quan chức năng đối với cửa hàng xăng dầu Mai Dịch, PV NTNN đã cố gắng liên lạc với ông Ngô Xuân Rao - Giám đốc Sở KHCN Hà Nội. Ông Rao cho biết, việc xử lý cửa hàng xăng dầu Mai Dịch đã giao cho ông Vũ Như Hạnh - Phó Giám đốc Sở KHCN Hà Nội. Khi PV liên lạc với ông Hạnh thì ông cho biết “cần phải thanh tra, xử lý thêm một vài điểm” và “anh em vẫn đang làm việc”, có gì sang tuần sau mới có thông tin.
Acetone "tệ" ở chỗ nó là chất dung môi ăn mòn nhanh (chị em vẫn thường dùng để tẩy móng tay chân) nên dùng một lần có thể không sao nhưng dùng 4-5 lần sau khi đổ xăng có pha acetone thì mới xảy ra sự ăn mòn vì nó là chất dễ cháy, làm tan nhựa, chảy ra và dễ bắt lửa”- ông Trung nói.
Về “nghi phạm” acetone, trao đổi với phóng viên NTNN, ông Phùng Hà - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho rằng: Acetone là hóa chất hữu cơ có công thức hóa học (CH3)2CO, không màu, mùi đặc trưng, chất lỏng dễ cháy. Acetone dễ dàng trộn hợp với nước và là dung môi quan trọng sử dụng trong sơn, mực in...
Acetone là dung môi rất tốt cho nhiều loại nhựa, nên nếu có mặt trong xăng, acetone sẽ rất dễ làm hỏng các chi tiết bằng nhựa hay bằng cao su, thí dụ ống cao su hay gioăng cao su. Năm 2006, đã có 2 doanh nghiệp nhập khẩu xăng có pha acetone và đã phải tái xuất.
Theo giải thích của các nhà chuyên môn thì acetone khi pha vào trong xăng sẽ làm tăng chỉ số octan của xăng lên. Để tăng chỉ số octan của xăng, có thể sử dụng các chất khác như methyl tert-butyl ether (MTBE), ethyl tert-butyl ether EBTE, bio-ethanol... nhưng chúng đều có thể làm hỏng các chi tiết bằng cao su trong động cơ, nếu hàm lượng các chất này được pha vào xăng ở mức cao. Acetone là một trong 31 loại hóa chất là tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp được Bộ Công Thương quản lý theo Quy chế quản lý tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp.
Trong năm 2011, khi tiến hành làm thủ tục cấp giấy khai báo hóa chất và giấy phép nhập khẩu tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp, chúng tôi có số liệu như sau: Có gần 4.200 tấn acetone do 32 công ty sản xuất và kinh doanh nhập khẩu vào VN từ các quốc gia khác nhau, mục đích sử dụng chủ yếu cho sơn, mực in. Về vấn đề cháy xe máy, trong đó đa phần nghiêng về giả thiết xăng bị pha acetone. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một cơ quan nào lên tiếng hay chính thức điều tra về nghi vấn này.
Nguyễn Công- Mai Hương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.