Chưa đánh giá chi phí để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế

Thứ sáu, ngày 20/04/2012 15:38 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đề án Tái cơ cấu tổng thể do Bộ Kế hoạch - Đầu tư soạn thảo lần đầu tiên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trong phiên làm việc sáng 19.4.
Bình luận 0

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã báo cáo một số ý kiến của Ủy ban Kinh tế về đề án này. Ông Giàu cho biết, đề án chưa đánh giá chi phí cần thiết để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bao gồm cả chi phí kinh tế, xã hội, thời gian…

“Việc tính toán chi phí để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là hết sức cần thiết, nhất là trong điều kiện của Việt Nam nguồn lực bị hạn chế, cả về tài chính và nhân lực. Việc tính toán chi phí này sẽ góp phần xác định những nội dung cần ưu tiên thực hiện, tránh dàn trải, lãng phí. Ngoài ra, những tính toán về chi phí xã hội như sắp xếp lại việc làm cho lao động dôi dư do tái cơ cấu là cần thiết để có giải pháp phù hợp như bồi dưỡng, đào tạo lại” - ông Nguyễn Văn Giàu nói.

Chiều 19.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013. Theo Tờ trình của Chính phủ, chương trình này có tổng số 59 dự án, với 56 dự án luật, 3 dự án pháp lệnh. Trong số 12 dự án luật mà Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến, có Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được điều chỉnh thời hạn trình lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 4 sang kỳ họp thứ 5.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Tái cơ cấu không phải là cứ phá rừng làm thuỷ điện, làm điện hạt nhân, hay làm đường trên ruộng. “Điểm mấu chốt là phải làm sao nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả” -Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý: Việc tái cơ cấu nền kinh tế, chúng ta cũng đã làm lâu rồi, không phải là mới. Nhưng mô hình mỗi thời kỳ có khác nhau, do đó, chúng ta phải làm sao hướng đến một mô hình hiệu quả hơn, nâng cao hơn chất lượng cạnh tranh của nền kinh tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển góp ý: Nên coi trọng cả hai mục tiêu, tái cơ cấu đáp ứng yêu cầu nền kinh tế phải ổn định, phát triển bền vững, tạo ra cơ cấu kinh tế hợp lý, đồng thời phải đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tự do hoá thương mại.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem