“Gần gũi” là sợ hãi
Nhìn bề ngoài ai cũng thầm ghen tị với cuộc sống gia đình của N.T.H (29 tuổi, Đống Đa, Hà Nội). Chồng chị đẹp trai, khéo ăn nói, lãng mạn lại là giám đốc một công ty xây dựng lớn, chị nhỏ nhắn, xinh đẹp và trưởng phòng một công ty làm dịch vụ truyền thông. Anh chị có một cô con gái ngoan, đẹp như thiên thần. Ai cũng nghĩ anh chị rất hạnh phúc, nhưng càng ngày thấy chị buồn phiền, ít nói, cơ thể lúc nào cũng trong trạng thái mệt mỏi.
Tìm đến một trung tâm tư vấn sức khỏe và tư vấn tâm lý, chị nức nở chia sẻ rằng, ai nhìn vào cũng thấy chị thật may mắn, hạnh phúc. “Nhưng “Có ở trong chăn mới biết chăn có giận”, mấy năm nay em phải chịu đựng nhiều thứ, bạo hành tâm lý, đến bạo hành trên giường ngủ. Càng ngày em càng thấy chán nản, đau đớn mỗi khi chồng đòi hỏi...”, chị H nói.
Hỏi chuyện mới biết, chồng chị vốn có tính hay ghen và đa nghi đến mức đáng sợ. Công việc của chị hay phải tiếp xúc với nhiều đối tượng khách hàng và thời gian đi về thường thất thường. Chỉ cần chị đi đâu, với ai, làm gì đều phải nhắn tin, gọi điện báo cáo cho chồng biết. Nhiều lần chị xấu hổ và cảm thấy bị tổn thương khi chồng gọi điện cho vợ không được thì liền kiểm tra bằng cách gọi điện cho sếp, bạn bè, khách hàng của chị để kiểm tra.
Thậm chí, chồng chị còn cài đặt phần mềm theo dõi điện thoại của vợ. Bất kỳ một cuộc gọi, tin nhắn từ số máy lạ nào anh đều truy hỏi cho bằng được đó là ai. Chị bị kiểm soát và có cảm giác như mình ở trong địa ngục. Nhiều lần chị đã nhỏ nhẹ giải thích với chồng, nhưng càng ngày anh càng làm quá. Đã đôi lần chị phải viết đơn ly dị, thì anh lại năn nỉ, xin lỗi.
Cuộc sống của chị cứ thế càng ngày càng căng thẳng hơn (Ảnh minh họa)
Mỗi lần chiến tranh, anh lại chán nản đi nhậu nhẹt cùng bạn bè, rồi công việc của anh cũng thường xuyên phải tiếp khách hàng, nhiều hôm đi nhậu về muộn. Anh lại hùng hục bắt vợ chiều, cộng với mọi kiểu, mọi tư thế lạ mà chị không thích.
Vốn ức chế khi chồng không tôn trọng, đa nghi, lại thêm việc mùi bia rượu, thuốc lá nồng nặc khiến chị thấy sợ hãi. Thời gian đầu chị cắn răng chịu đựng cho xong chuyện. Nhưng sau này, không chỉ “khô khan” mà chị còn thấy đau đớn, ghê sợ mỗi khi chồng động vào người.
Mỗi lần chồng gợi ý chuyện đó, chị lại co rúm người, rùng mình và không cho chồng “gần gũi”. Chồng chị thấy thế, tính đa nghi lại càng tăng thêm. Lại cho rằng: “Chắc cô có thằng nào bên ngoài nên chán chồng rồi”. Cuộc sống cứ thế càng ngày càng căng thẳng hơn.
“Anh ấy hứa sẽ sửa tính đa nghi. Thời gian gần đây em cũng thấy có sự thay đổi. Em vẫn còn yêu anh ấy và muốn hàn gắn lại, nhưng không hiểu sao, em vẫn rất đau đớn, thậm chí kinh hãi mỗi khi gần chồng”, chị H nói.
Mới 30 tuổi đã “không còn cảm xúc”
Theo Giáo sư Đỗ Trọng Hiếu, Viện phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng, hiện nay rất nhiều chị em phụ nữ bị lãnh cảm tình dục. Có những trường hợp mặc dù còn rất trẻ mới chỉ hơn 30 tuổi, kết hôn được khoảng 4 năm đã không còn cảm xúc mỗi khi gần gũi chồng, thậm chí có phụ nữ còn cảm thấy sợ hãi, đau đớn như câu chuyện của chị H nói trên.
Theo GS Hiếu, có rất nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ rơi vào tình trạng không ham muốn hoặc mất hoàn toàn khoái cảm trong tình dục. Nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do tâm lý.
“Lãnh cảm hay còn gọi rối loạn ham muốn, sợ tình dục ở nữ giới thường có nguyên nhân từ tâm lý. Nhiều ông chồng cứ quá chén, say sưa là về hùng hục bắt vợ phục vụ. Hay có người thì ghen tuông mù quáng, đày đọa tâm lý, ngày thì mắng mỏ, đánh chửi, đêm về lại đòi “yêu” say đắm...Hoặc có ông chồng không tinh tế, chửi thề, chửi bậy trong khi “hành xử”, thô bạo trong lần đầu thường gây ra ám ảnh rất lâu trong tâm trí chị em. Từ đó dẫn đến những ức chế về tâm lý, theo đó chứng sợ gần gũi lại càng tăng”. GS Hiếu nói.
Một nguyên nhân khá quan trọng được các bác sĩ chuyên khoa chỉ ra, đó là từ chính “đối tác” của phụ nữ. Có thể người chồng quá vội vàng, thờ ơ trong mỗi lần “gặp gỡ”, sau khi “hành xự” thì lại lăn ra ngủ không quan tâm đến bạn tình. Hoặc có thể do người chồng chưa biết điểm G ở đâu để thức tỉnh cảm giác, kích thích bôi trơn nên mỗi lần quan hệ, người vợ sẽ có cảm giác đau đớn. Ngoài ra, có thể do người chồng “ngã ngựa”, “chưa đến chợ đã hết tiền” khiến vợ chưa một lần được lên “cõi Thiên thai” nên người phụ cảm thấy thất vọng, chán nản, lâu dần dẫn đến lãnh cảm.
Ngoài ra, có thể sau khi sinh con rất nhiều phụ nữ cảm thấy không hứng thú với chuyện chăn gối như trước. Cũng bởi họ phải thức khuya dậy sớm chăm con, mệt mỏi, lo lắng, thậm chí có người bị trầm cảm sau sinh, điều này dẫn đến nguy cơ lãnh cảm rất lớn. Hoặc do cơ thể có nhiều thay đổi sau sinh như bụng to, ngực chảy sệ, vùng kín không như trước khiến nhiều chị em cảm thấy tự ti. Ngoài ra, cũng có thể do chứng rối loạn hormone, thiếu hụt nội tiết tố nữ (estrogen), bệnh ở vùng kín... sẽ làm giảm ham muốn cũng như chứng “khô hạn”, khiến chị em có tâm lý ngại gần gũi với chồng.
Cũng với quan điểm trên, nhìn dưới góc độ đông y, lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y TP Hà Nội) cho biết, nguyên nhân lãnh cảm ở phụ nữ có thể do thiếu hụt estrogen, nhất là ở tuổi tiền mãn kinh, hoặc do suy giảm testosterone ở nam giới, người chồng rơi vào tình trạng xuất tinh quá sớm khiến người vợ không đạt được khoái cảm.
Phụ nữ bị viêm nhiễm phụ khoa, viêm tiết niệu, bệnh tiểu đường và các dị tật bẩm sinh đều có thể dẫn đến tình trạng lãnh cảm. “Ngoài ra, nguyên nhân quan trọng không kém dẫn đến căn bệnh này, đó là yếu tố tâm lý, có thể bị ức chế, chán nản từ người chồng, từ công việc, sinh hoạt hàng ngày”, lương y Vũ Quốc Trung nói.
Theo lương y Vũ Quốc Trung, dù nguyên nhân do bệnh lý hay tâm lý thì vai trò, trách nhiệm của đàn ông cũng rất lớn trong quá trình điều trị. Để làm tốt vài trò này, người chồng phải tìm hiểu chức năng sinh lý của cơ quan sinh dục phụ nữ, chuẩn bị kiến thức trong sinh hoạt tình dục.
“Người chồng không nên trách móc, ghen tuông, tránh tạo áp lực trong tình dục. Nên thẳng thắn chia sẻ với nhau cảm xúc thật của mình để có những phương pháp phù hợp để hai bên cùng hài lòng...”, lương y Vũ Quốc Trung nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.