Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu với đời sống xã hội nên mỗi lần tăng giá, người tiêu dùng lại lo lắng giá cả hàng hóa tăng lên và khi giá xăng dầu giảm, người dân cũng trông chờ giá hàng hóa sẽ giảm theo. Song, thực tế vận hành giá cả hiện nay cho thấy “tăng lên thì dễ mà giảm xuống thì khó” bởi giá cả các mặt hàng trên thị trường chủ yếu do tư thương quyết định và dường như chưa được sự quan tâm đúng mức của cơ quan chức năng. Các công cụ quản lý giá cả hàng hóa của chúng ta đang chưa hữu hiệu để có thể ngăn khi giá cả lên bất hợp lý và buộc nó phải phải giảm xuống một cách phù hợp. Cứ nhìn các mặt hàng còn đang thực hiện quản lý giá như sữa, gas, thuốc chữa bệnh, thậm chí cả điện, nước, xăng dầu nữa sẽ thấy việc tăng giảm giá đã phù hợp với quy luật của thị trường chưa?! Do vậy, chúng ta đừng nói tới mớ rau, con cá ngoài chợ buộc phải tăng thế nọ giảm thế kia khi mà ai buôn bán cũng đều muốn có được lợi càng nhiều càng tốt.
Với cơ chế quản lý giá cả hàng hóa như hiện nay thì chỉ có người tiêu dùng ở giữa là chịu thiệt. Tôi rất không tán thành với lập luận của cơ quan chức năng rằng, do giá xăng chỉ chiếm 0,17% trong việc tính toán chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nên việc tăng giảm giá của xăng dầu không ảnh hưởng nhiều đến giá cả hàng hoá, dịch vụ. Xăng dầu tăng giảm là do điều hành của Nhà nước, còn hàng hoá trên thị trường vận hành theo quy luật thị trường vì vậy việc tăng giảm là do cung cầu của thị trường chứ không liên quan nhiều đến giá xăng.
Giá xăng dầu mà lại không liên quan gì đến giá cả hàng hóa thì đúng là rất khó hiểu, bởi nếu hiểu thì chỉ thấy sự thiếu trách nhiệm mà thôi. Điều này vô hình trung đã cho thấy một sự “bất lực”, không quản nổi của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc theo dõi, giám sát thị trường giá cả mà tất cả phó mặc cho người tiêu dùng tự đi mà tính toán chi tiêu?!
Tôi đồng ý chúng ta không thể áp dụng một mệnh lệnh hành chính nào để buộc kéo giá cả xuống, song cơ quan quản lý nhà nước phải có biện pháp rà soát việc niêm yết giá, bán đúng giá, phải quản lý các khâu trung gian bán lẻ. Lực lượng quản lý thị trường, quản lý giá phải phối hợp với nhau để kiểm tra, kiểm soát giá cả hàng hóa. Bởi trong chuỗi giá trị hàng hóa hiện nay, bất cứ khâu nào tăng giá bất hợp lý dù ít cũng sẽ khiến giá cả hàng hóa bị đội lên, nếu không có sự kiểm tra kiểm soát tốt thì việc giá hàng hóa chỉ tăng không giảm ở ta sẽ còn diễn ra dài dài…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.