Đọc những câu chuyện về sinh con gái - con trai trên Dân Việt, tôi nhận ra không phải mỗi mình mình khổ. 24 năm trôi qua, tôi luôn thiếu thốn tình yêu của bố chỉ vì tôi không phải "thằng con nối dõi tông đường".
Ông bà nội tôi đẻ được 4 người con, 3 gái, 1 trai. Bố tôi là con trai út nên khá được yêu chiều, đồng thời cũng gánh trách nhiệm nối dõi tông đường. Vì thế lúc nào ông cũng đau đáu việc phải sinh cho bằng được một thằng ku. Trớ trêu thay, sau khi sinh tôi, mẹ tôi bị u nang buồng trứng, không thể có con được nữa. Tôi trở thành đứa con gái duy nhất.
Từ khi bắt đầu hiểu chuyện, tôi lờ mờ nhận ra nỗi u buồn của mẹ và sự lạnh nhạt của bố. Giữa hai bố con tôi như có một bức tường ngăn cách rất rất cao, dù tôi có cố gắng vượt qua cũng không được.
Bố ít khi tỏ ra gần gũi với tôi. Mọi sinh hoạt của tôi đều do mẹ một tay lo liệu. Mẹ là người chăm cho tôi từng bữa ăn, giấc ngủ, đến chuyện học hành. Trong kí ức của tôi, bố chưa từng có lấy một lần đi họp phụ huynh.
Hồi bé tôi rất sợ bố, sợ cái vẻ nghiêm nghị, xa cách của bố, dù trong thâm tâm cũng muốn quấn quít, cũng muốn được làm nũng với bố như những đứa bạn của tôi. Lúc đó tôi luôn băn khoăn tại sao với tôi thì bố lại lạnh lùng, còn với những đứa con trai khác, bố lại tỏ ra quý mến, nô đùa vui vẻ. Thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp mẹ ngồi khóc thầm một mình. Lớn lên, khi đã rõ sự tình, tôi thực sự thấy đau lòng và tủi thân. Chỉ vì tôi không phải là con trai, chỉ vì tôi là con gái sao?!!
Tôi cũng muốn được quấn quít, được làm nũng với bố như những đứa con gái khác (Ảnh minh họa)
Vì muốn có được tình yêu của bố, tôi luôn cố tỏ ra mình giống con trai. Tôi cắt tóc ngắn thay vì để tóc dài thướt tha như con bạn nhà bên; mặc những bộ quần áo rộng thùng thình của ông anh họ thải cho thay vì những bộ váy yểu điệu, diêm dúa; chơi robot, siêu nhân thay vì những con búp bê xinh xắn dễ thương; lăn xả đá bóng đá banh với bọn con trai trong xóm thay vì đi học múa học đàn… Tất cả chỉ để lấy lòng bố, làm bố vui, rồi bố sẽ yêu thương tôi nhưng đều vô ích. Vẫn sự xa cách ấy, vẫn sự lạnh nhạt ấy theo tôi suốt quãng đời ấu thơ, cho đến cả bây giờ khi tôi đi lấy chồng.
“Cha đưa mẹ đón” vốn là phong tục trong đám cưới của người Việt ta. Vậy mà tôi phải về nhà chồng một mình trong sự cô đơn, tủi thân vô cùng. Đúng vào ngày rước dâu, vì bất cẩn mà anh con út nhà bác ba tôi bị trượt chân ngã cầu thang, may không nặng, chỉ bị gãy chân, gãy tay gì đấy. Cả nhà hốt hoảng vội đưa vào viện. Bố tôi sốt sắng chạy đôn chạy đáo trong bệnh viện để lo cho thằng cháu, bỏ mặc đứa con gái duy nhất của ông đang sắp sửa đi lấy chồng, dù lúc đó không thiếu người lo cho anh tôi. Tôi cũng lo cho anh họ, nhưng hôm đó là ngày trọng đại nhất trong cuộc đời tôi, tôi hi vọng được chính bố đưa về nhà chồng.
Niềm hi vọng đó của tôi đã bị dập tắt khi nhà trai đã đến rước dâu mà bố tôi thì vẫn chưa về, dù mọi người ở nhà đã gọi điện rối rít. Tôi bước lên xe dâu với hai dòng nước mắt chảy tràn trên má. Không phải nước mắt của niềm vui, niềm hạnh phúc mà là nước mắt của sự tủi phận.
Chả nhẽ đối với bố tôi, tôi – đứa con gái duy nhất của ông cũng không quan trọng bằng con trai nhà khác sao? Chả nhẽ có con trai quan trọng đến thế sao? Dù gái hay trai thì cũng đều là con, tại sao lại phân biệt đối xử như vậy? Những người đàn ông lúc nào cũng đau đáu chuyện có con trai như bố tôi không biết rằng cái tư tưởng phong kiến trọng nam khinh nữ này đã vô tình làm khổ, làm tổn thương đến vợ con họ như thế nào sao???! Thật đáng buồn!!!
Quyết đẻ con trai và những bi hài kịch thời hiện đại
Câu chuyện sinh con trai, con gái không còn mới mẻ nhưng vẫn ám ảnh không ít gia đình trong cuộc sống hiện đại. Với lý do “cần người nối dõi tông đường”, “con gái là con người ta”, nhiều đức ông chồng đã công khai đánh đập vợ, thản nhiên ra ngoài tìm vợ bé, nhiều phụ nữ cay đắng ly hôn, hay lặng lẽ khóc thầm trong chính tổ ấm mà mình đã dành cả tuổi thanh xuân tạo dựng.
Những người đàn ông hiện đại quan niệm thế nào về câu chuyện “trọng nam khinh nữ”?. Các bà mẹ nghĩ gì khi chính con gái mình bị phân biệt, đối xử?. Có bao nhiêu người phụ nữ gặp phải bất hạnh chỉ vì "không biết đẻ con trai?"
Hãy cùng chia sẻ câu chuyện của bạn về chủ đề này tại địa chỉ mail songkhoedanviet@gmail.com hoặc bình luận ngay dưới bài viết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.