Thuốc kém chất lượng tung hoành
Mới đây, Cục Quản lý dược (QLD) đề nghị Sở Y tế TP.HCM thu hồi hàng loạt thuốc đang lưu hành trên thị trường vì thuốc giả, chưa được cấp phép, thuốc không đạt chất lượng… Theo đó, Cục QLD khẳng định, thuốc Mirapex (pramipexole dihydrochloride) 0,75mg bán trên thị trường TP.HCM là thuốc giả vì đến thời điểm này, loại thuốc trên chưa được VN cấp số đăng ký lưu hành hoặc cho phép nhập khẩu theo đơn hàng.
|
Rất nhiều cửa hàng thuốc vẫn bán thuốc bị đình chỉ lưu hành (ảnh minh họa). |
Ngoài ra, Cục QLD còn đề nghị thu hồi thuốc viên nén bao phim Cefilife-10, lô số A-55, hạn sử dụng 19.7.2012 do Eurolife Healthcare Pvt.Ltd, Ấn Độ sản xuất vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng và chỉ tiêu định lượng; đề nghị thu hồi thuốc viên nén Seachfol, lô sản xuất: OT0410001, hạn sử dụng 13.4.2013 do Công ty Overseas Laboratories Pvt, Ltd, Ấn Độ sản xuất vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng và chỉ tiêu độ hòa tan.
Đề nghị của Cục QLD là thế, nhưng qua tìm hiểu của Dân Việt, nhiều loại thuốc bị đề nghị thu hồi nhưng sau gần 30 ngày vẫn chưa thu được phân nửa...
Khó thu hồi
Một thực tế cần phải nhìn nhận, lượng thuốc kém chất lượng tung ra thị trường được Cục QLD yêu cầu thu hồi tiêu hủy ngày càng tăng. Các nhà quản lý dược tại các địa phương cho rằng, việc cấp phép nhập khẩu thuốc cần phải cân nhắc như: Thuốc sản xuất ở nước nào, thuốc đặc trị, độc quyền hay không? Nếu cứ thả cửa cho nhập ồ ạt các loại thuốc mà trong nước sản xuất được và thuốc có xuất xứ từ các nước có ngành công nghiệp dược… tệ hơn VN thì chắc chắn việc thu hồi thuốc là lẽ đương nhiên.
Theo Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc tại TP.HCM, thông thường, từ khi lấy mẫu đến lúc có kết quả kiểm nghiệm thuốc mất 3-7 ngày; từ khi trình kết quả lên Sở Y tế cho đến khi Sở có quyết định đình chỉ lưu hành thuốc khoảng 15 ngày. Sau đó, mẫu kiểm nghiệm và công văn được gửi ra Cục QLD, mất chừng 15 ngày nữa. Và có khi phải mất 1 tháng nữa cơ quan chức năng mới có thông báo đình chỉ lưu hành thuốc.
Từ năm 2008 - 2009 có gần 200 lô thuốc; năm 2010 có hơn 900 loại thuốc bị thu hồi. Nhưng trên thực tế việc thu hồi với số lượng bao nhiêu thì không thấy ai công bố cụ thể và ai dám đảm bảo thuốc đề nghị thu hồi hoàn toàn vắng bóng trên thị trường.
Một chủ nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng, quận 3, TPHCM cho biết, tháng nào nhà thuốc cũng nhận được thông tin thuốc thu hồi và đề nghị thu hồi, tuy nhiên, thông tin trên cũng chỉ để tham khảo chứ thuốc đã bán cho người dân rồi thì biết tìm họ ở đâu để thu hồi? Hơn nữa, việc thu hồi thuốc phải do công ty phân phối thuốc thực hiện chứ nhà thuốc thì lấy quyền hành gì mà thu hồi... Lâu nay, các loại thuốc bị đề nghị thu hồi nếu nhà thuốc nào tiếp tục bán cũng chẳng sao vì chẳng thấy bóng dáng cơ quan nào đến kiểm tra về vấn đề này.
Còn các công ty dược "lỡ" nhập khẩu thuốc không đạt chất lượng thì chỉ thấy thông báo thu hồi chứ không có chế tài gì răn đe nên cứ tà tà thu hồi. Thậm chí việc thu hồi kéo dài trong nhiều tháng nên đến lúc báo cáo thì đã không còn một viên.
"Nhiều công ty vi phạm tranh thủ tẩu tán thuốc để khỏi mất công thu hồi và tốn kinh phí tiêu hủy"- một trình dược viên tiết lộ.
Mỗi tháng, sở y tế các tỉnh, thành thường nhận được ít nhất từ 10-30 công văn từ cơ quan chức năng đề nghị đình chỉ và thu hồi thuốc. Vì thế, nếu không có sự sàng lọc và kiểm tra gắt gao việc thu hồi thì chắc chắn, thuốc kém chất lượng vẫn đổ vào VN và lúc này chỉ có người bệnh là lĩnh đủ.
Tùng Lâm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.