Chùa Diên Hựu (hay còn gọi là chùa Một Cột) được Vua Lý Thái Tông cho khởi công xây dựng vào năm 1049, là biểu tượng văn hóa, tâm linh thiêng liêng, niềm tự hào của người dân thủ đô. Tuy nhiên dù đã nhiều lần “kêu cứu”, đến nay chùa vẫn đang trong tình trạng bị xuống cấp nghiêm trọng, mỗi khi mưa về trong chùa ngoài sân vừa dột vừa ngập úng.
Trao đổi với Dân Việt, Đại đức Thích Tâm Kiên - trụ trì chùa Một Cột cho biết, chùa bắt đầu dột từ năm 2002 và đến nay tình trạng càng trở nên nghiêm trọng. Nhà thờ tổ do dột quá nhiều, tường thì loang lổ, các kèo gỗ ngấm nước lâu nên chỉ cần chạm nhẹ vào đã vụn ra như cám, rơi lả tả.
Phía bên trong bàn thờ các sư tổ, hễ trời mưa là nước rơi trực tiếp xuống các pho tượng, khiến nhà chùa phải đội nón lá và mặc áo mưa để tránh tượng bị tróc. Còn trên nhà thờ Tam Bảo, ngày mưa thì mang chậu ra hứng, ngày ráo thì nắng rọi từ trên mái ngói xuống thẳng nền nhà.
|
Đại đức Thích Tâm Kiên- trụ trì chùa Một Cột đang chỉ cho phóng viên biết những chỗ dột của chùa. |
Ngoài ra chùa còn nằm ở vị trí lòng chảo, nên mỗi khi mưa to, khuôn viên chùa trở thành một hồ chứa nước và là nơi hứng chịu bùn, rác dồn xuống. Chính vì vậy, hồ Linh Chiểu vốn nhỏ bé và nông, thường xuyên rơi vào tình trạng phải chứa thêm bùn, đất.
Theo sư thầy Thích Tâm Kiên, hai năm vừa rồi nhà chùa đã phải thuê công ty cấp thoát nước nạo vét tại hồ với 164m3 bùn. Lần gần đây nhất là ngày 8.8.2011, trận mưa to đã làm ngập hết cả tường bao quanh chùa, tràn vào nhà thờ tổ lên đến 20cm.
Nhà chùa đã có rất nhiều đơn thư kêu cứu từ tháng 4.2009 lên các cấp về việc cần trùng tu lại chùa. Năm 2009, chùa đã được chỉnh trang lại một số hạng mục nhỏ để đón Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Tuy nhiên, từ đó đến nay chùa đã không được tu bổ thêm.
Cũng theo sư thầy Thích Tâm Kiên, nhà chùa vừa nhận được văn bản quyết định của UBND quận Ba Đình về việc tu bổ, tôn tạo di tích do ông Đỗ Viết Bình - Phó Chủ tịch UBND quận ký ngày 23.11.2009. Văn bản ghi rõ “… chùa Diên Hựu – Một Cột đủ điều kiện trình UBND quận phê duyệt chủ trương đầu tư trong quý I năm 2010”. Tuy nhiên, sư thầy Thích Tâm Kiên cho biết, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thấy gì, nhà chùa cứ phải “chờ và chờ”.
Theo sư thầy Thích Tâm Kiên, nhà chùa có nguyện vọng được đảo ngói và nâng nền cốt của chùa lên cao bằng mặt đường và nếu có thể nhà chùa sẽ cùng huy động các nguồn công đức thập phương để cùng tu sửa cho chùa được khang trang, xứng tầm là di tích lịch sử cấp quốc gia. Tuy nhiên, việc trùng tu và nâng cấp toàn bộ khu vực chùa phải được Viện Quy hoạch và Cục Di sản, Bộ VHTTDL thẩm định, phê duyệt và ước tính chi phí trùng tu lên tới hơn 30 tỷ đồng.
Thanh Hà
Vui lòng nhập nội dung bình luận.