Chùa Một Cột “rung chuông” kêu cứu!

Thứ tư, ngày 08/05/2013 06:51 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Lần đầu tiên trong công tác trùng tu di sản văn hóa có chuyện lạ đời: trụ trì một ngôi chùa nổi tiếng, linh thiêng phải gửi “tâm thư” kêu cứu UBND TP.Hà Nội: 30 ngày nữa mà không có biện pháp thì sẽ tự “ra tay” chống dột...
Bình luận 0

Tượng... mặc áo mưa

Trong “ tâm thư” của Đại đức Thích Tâm Kiên - trụ trì chùa Diên Hựu (Một Cột) gửi đến UBND TP.Hà Nội và một số cơ quan báo chí về việc cần thiết trùng tu tôn tạo chùa có đoạn viết: “Kể từ hôm nay (tức 2.5.2013), sau 30 ngày nữa mà không có ý kiến của các cấp chính quyền, nhà chùa đành phải dỡ ngói và hạ giải để đảo ngói toàn bộ chùa và nhà mẫu để tạm thời tránh dột nát khi mùa mưa bão sắp tới”.

 img
Đại đức Thích Tâm Kiên chỉ những vị trí mục nát và bị mưa dột vào chùa.

Đại đức Thích Tâm Kiên - trụ trì chùa Một Cột cho biết, chùa bắt đầu dột từ năm 2002 và cho đến nay, sau 11 năm, tình trạng dột này càng trở nên nghiêm trọng. Bắt đầu từ nhà thờ Tổ đến các kèo gỗ và phía bên trong bàn thờ các sư tổ, hễ cứ trời mưa là nước rơi trực tiếp xuống các pho tượng và ngấm vào tường khiến nhà chùa phải đội nón lá và mặc áo mưa cho tượng để tránh tượng bị bong tróc. Các kèo gỗ do nước mưa ngấm lâu đã bị mục nát, chỉ cần chạm nhẹ là gỗ nát thành vụn cám rơi lả tả.

Còn trên nhà thờ Tam Bảo, ngày mưa thì các vị tu hành mang chậu ra hứng, ngày nắng được ngắm tia nắng dọi từ trên mái ngói xuống thẳng nền nhà. Ngoài ra, chùa còn nằm ở vị trí lòng chảo, nên mỗi khi mưa to, khuôn viên chùa trở thành một hồ chứa nước và là nơi hứng chịu bùn, rác dồn xuống.

Chính vì vậy, hồ Linh Chiểu vốn nhỏ bé và nông lại thường xuyên rơi vào tình trạng phải chứa thêm bùn, đất. Theo Đại đức Thích Tâm Kiên, trong 2 năm, nhà chùa phải thuê công ty cấp thoát nước nạo vét 164m3 bùn từ hồ. Vào ngày 8.8.2011, một trận mưa to đã làm ngập tường bao quanh chùa, nước tràn vào nhà thờ Tổ gây ngập đến 20cm.

Ngày 6.5, Bộ VHTTDL có văn bản gửi Sở VHTTDL Hà Nội cho biết: Cục Di sản đã nhận được đơn thư phản ánh của Đại đức Thích Tâm Kiên- trụ trì chùa Một Cột. Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở VHTTDL Hà Nội hướng dẫn các cơ quan chức năng của Quận Ba Đình và Đại đức Thích Tâm Kiên khẩn trương hoàn thiện dự án tu bổ chùa Một Cột đã được quận Ba Đình chuẩn bị, sau đó báo cáo UBND TP. Hà Nội và Bộ VHTTDL xem xét, quyết định.

Ngày 23.11.2009, UBND quận Ba Đình đã có quyết định số 2692/QĐ-UBND về việc tu bổ, tôn tạo Từ Tam quan đến Tam bảo, nhà thờ Mẫu, sân chùa, xây mới nhà tăng, phục chế nhà tổ tất cả các hạng mục của chùa Diên Hựu và giao cho Ban quản lý Dự án quận Ba Đình thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư với kinh phí hơn 31 tỷ đồng.

Sau đó gần nửa năm, ngày 15.4.2010, UBND TP. Hà Nội có Thông báo số 110/TB-UBND đề nghị quận Ba Đình phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai dự án chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, sân vườn, hệ thống thoát nước của khu di tích… Việc chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đã được thực hiện trước thềm kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.

Buộc phải “rung chuông”

Chiều 7.5, trao đổi với phóng viên Báo NTNN, Đại đức Thích Tâm Kiên cho biết, suốt từ năm 2011 đến nay, UBND TP.Hà Nội vẫn không có động thái gì để bắt tay vào trùng tu tôn tạo nên bắt buộc nhà chùa phải có hành động “rung chuông” bằng một văn bản bức xúc để gây sự quan tâm của UBND TP.Hà Nội cũng như các cơ quan liên quan.

“Là người trụ trì chùa, hàng ngày ra vào chứng kiến cảnh tượng Phật ngày nắng thì bị soi, ngày mưa thì dột khiến tôi rất sốt ruột và bức xúc nên mới gửi đơn thư lên UBND TP.Hà Nội, với mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc nhanh hơn khi mùa mưa bão đang bắt đầu.

Chúng tôi hoàn toàn không có ý thách thức các cơ quan, các cấp, các ngành hay là có ý ra “tối hậu thư” gì gì đó”- Đại đức Thích Tâm Kiên chia sẻ. Đại đức Thích Tâm Kiên cũng cho hay, đầu năm 2013, nhà chùa đã gặp gỡ với lãnh đạo của phường Đội Cấn, quận Ba Đình và đã nhận được sự ủng hộ từ lãnh đạo phường. Phường Đội Cấn yêu cầu nhà chùa làm văn bản gửi lên UBND thành phố để phường có cơ sở có ý kiến lên quận, thành phố.

Theo vị trụ trì, việc trùng tu, tôn tạo chùa đang bị vướng mắc là do thủ tục tiến hành dự án. Nếu Nhà nước cho phép “xã hội hóa” thì rất nhiều phật tử hảo tâm sẽ cùng với nhà chùa lo một nửa kinh phí , thậm chí là toàn bộ kinh phí.

Nguyện ước của Đại đức trụ trì là đã có đề cương của Ban quản lý dự án thì nên làm trùng tu, tôn tạo chùa luôn chứ không chỉ đảo ngói chùa. Vì vào năm 2009, Ban quản lý đã làm được bước 1 là đảo ngói chùa Một Cột, làm đường dạo và nâng cấp hệ thống thoát nước. Theo kế hoạch là 6 tháng sau sẽ tiếp tục làm bước 2, nhưng đợi mãi vẫn không thấy tiến hành.

UBND quận Ba Đình đã tổ chức 3 hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học, nhằm thống nhất phương án bảo tồn tối ưu cho ngôi chùa cổ. Tuy nhiên, có lẽ quá trình làm thủ tục, tổ chức hội thảo, xin ý kiến các bên liên quan đã được tiến hành quá lâu nên mới gây nên lá “tâm thư” bức xúc này. “Chiều 8.5, UBND quận sẽ tiến hành khảo sát thực trạng xuống cấp di tích chùa Diên Hựu. Và giữa tháng 5.2013 sẽ tổ chức hội thảo về trùng tu chùa”- ông Đỗ Viết Bình - Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem