Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
A Néo đi trước tôi một quãng ngắn. Con dao sắc như nước thỉnh thoảng lại lóe lên dứt phăng nhánh cây ngáng đường. Chiếc gùi trên vai anh toòng teng cây rìu nhỏ, gói đựng túi nilon và nắm muối hạt. Hành trang “đi làm mật” của “chúa ong” chỉ giản đơn có thế…
Sản phẩm mật ong rừng chính hiệu Ngọc Yêu. Ảnh: N.T
Chúng tôi nhằm hướng núi Đăk Trum tiến tới. Với độ cao trung bình 1.000m so với mực nước biển, vùng đất Tu Mơ Rông dễ đến hai phần ba tiết trời trong năm cứ sáng thu chiều đông như vậy. A Néo bảo đấy chính là lý do xứ này không bao giờ có những tổ ong lủng lẳng trên cành cây như nơi khác. Chúng phải làm tổ trong hốc để tránh cái lạnh. Sự se sắt của hoa cỏ xứ sâm khiến mật ong Ngọc Yêu được coi là tinh chất đầu bảng của đại ngàn…
Kỳ thú chuyện nghề
Trước mắt tôi là cây trám lực lưỡng đứng bên bờ suối rộng. A Néo lấy rìu gõ nhẹ vào thân cây, tức khắc hàng chục con ong túa ra từ một lỗ nhỏ trên miếng ván cách mặt đất chừng 2m. Néo giải thích: Cây trám này vốn có bọng sẵn, mình chỉ bổ ra cho rộng; sau đó dùng miếng ván trám lại vừa đủ cho con ong ra vào. Khi nào thăm ong hoặc lấy mật thì cạy cửa ra… Rồi A Néo kể: Trước Tết Nguyên đán, dân làm mật lũ lượt vào rừng sửa sang, cải tạo các bọng cây, gọi là “đục lỗ đón ong”. Rừng thì vô vàn cây nhưng không phải giống nào cũng có bọng; lại phải tìm cho được thứ cây chúng thích. Lũ ong rừng rất khó tính. Chúng không bao giờ làm tổ trong loại cây có nhựa, ẩm ướt. Đặc biệt vị trí phải gần suối, miệng tổ phải ở hướng ngược dòng nước chảy. Hốc tổ không được quá cao nhưng cũng không được quá thấp. Cao quá thì nhiều nắng gió; thấp quá thì ẩm ướt… Nói ai cũng biết nhưng cùng làm đúng như vậy mà có hốc hàng bao năm trời chẳng chú ong nào mon men; ngược lại có hốc năm nào chúng cũng ở. Thế nên đục cả trăm mà được hai, ba chục hốc có ong là mừng rồi. Như mình, đục tới 300 nhưng chỉ hơn 100 hốc có ong là nhất đấy. Người ta bảo A Néo “hợp vía” con ong, mình thì nghĩ nhờ đoán chính xác sở thích của chúng mà được đó thôi… Sau hơn tháng đi đục lỗ, qua tháng 2, tháng 3 người ta quay lại xem hốc nào có ong tới thì đánh dấu, gọi là “thăm ong”. Tháng tư, tháng năm khi tiết trời tạnh ráo, hoa cỏ mãn khai là mùa đi thu mật. Vào nhà ai cũng nghe thoang thoảng hương vị mật ong…
Một tổ ong của A Néo ở rừng Đăk Trăm, năm ngoái thu được 5 lít mật. Ảnh: N.T
Tôi cứ đinh ninh nghề nuôi ong là bảo bối truyền đời của một nghề có tự xa xưa, hóa ra chỉ mới từ năm 1980 trở lại đây – và A Néo chính là người đầu tiên nghĩ ra cách nuôi ong kỳ thú ấy, đúc kết thành kinh nghiệm rồi truyền cho dân làng…- “Cũng là tình cờ thôi mà - A Néo cười. Ngày trước mật ong đầy rừng ai ăn cho hết. Mỗi lít mật chỉ đổi được…một chiếc quần đùi. Nhưng rồi đường sá mở ra, người buôn vào tận nhà thu gom mua khiến mật ngày càng có giá. Trong một lần đi săn ong mình chợt nghĩ: sao không cải tạo các hốc cây có sẵn để dụ chúng về ? Vậy là làm.
Thấy mình kiếm được khá tiền, bà con học theo. Lúc đầu chỉ làng Long Láy, giờ thì cả 8 làng với khoảng 180 hộ cùng làm…
Cuộc chiến giành đặc sản giữa người và… gấu
Người nhiều kẻ ít nhưng xem ra “làm mật ong” cũng là nghề làm chơi ăn thật? Nghe tôi nhận xét, A Néo cười: Nhìn thì vậy nhưng có làm mới biết. Tìm được hốc cây để lũ ong rừng chịu đến như kể với anh đã khó rồi, lại phải không được đụng chạm đến ai. Người Xê Đăng có luật bất thành văn: thứ gì trong rừng đã có chủ, ai đến sau không được đụng chạm. Bởi vậy, người đi làm mật phải tới tận Măng Bút giáp giới Quảng Nam, ở lại trong rừng cả tháng. Sên vắt, ruồi vàng cắn da thịt cũng chẳng là gì so với nỗi sợ gặp gấu. Rừng nhiều mật nên nhiều gấu mà chủ yếu là lũ gấu ngựa. Mình chạm trán chúng như cơm bữa…Một lần đi thăm ong thấy tổ đầy mật, hôm sau hăm hở mang gùi đến thì đã thấy một chú gấu vắt vẻo trên chạng cây.
Vừa nhấm nháp mật nó vừa bình thản nhìn mình như chế nhạo “ông là kẻ đến sau rồi”… Lần khác mình vừa leo tới tổ thì bỗng đâu một chú gấu cũng lừ lừ tới trèo lên. Hoảng quá nhưng chẳng còn đường nào chạy, mình đành trèo tít lên ngọn cây.
Mới 4 giờ chiều đỉnh Đăk Trum đã nhòa dần, vương vít trong làn sương chợt đến chợt đi như khói thoảng. Thập thững từng bước chân xuống núi sau gần một ngày được thấy, được nghe những điều kỳ thú, tôi chợt nhận ra lối kiếm sống dựa vào tự nhiên, nâng đỡ tự nhiên để cùng sinh tồn tự ngàn xưa ở xứ này hãy còn rất bền chặt.
A Năng nói rằng những khu rừng mà người dân làm tổ ong được chính họ bảo vệ rất nghiêm ngặt. Lẽ giản đơn là nếu để cây rừng bị chặt phá thì ong sẽ không về. Và như vậy xem ra cái nghề mang màu sắc cổ sơ này sẽ còn tồn tại lâu dài... |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.