“Không bắt nạt trẻ con”
Trường Nguyễn Văn Huyên (phố Pháo Đài Láng, Hà Nội) là một trong những ngôi trường hào hứng đưa bộ sách vào giảng dạy và đích thân những tác giả viết sách đứng lớp.
|
Thầy Nam tại lớp học thực nghiệm lồng ghép kỹ năng sống “Chào lớp 1” tại Trường Nguyễn Văn Huyên. |
Chúng tôi được dự giờ một tiết dạy Khoa học của TS Nguyễn Thành Nam, đồng tác giả bộ sách. Với tiêu chí “không bắt nạt trẻ con” và khuyến khích các em coi thầy giáo là bạn, tiết học của lớp 1 Trường Nguyễn Văn Huyên hôm đó thực sự cởi mở, hoà nhập đến… ồn ã.
Tiết Khoa học đó thực nghiệm để kiểm tra xem hơi nước có đặc điểm gì? Theo hướng dẫn của thầy Nam, lớp được chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm được nhận 1 cốc thuỷ tinh, 1 chiếc đĩa đậy và mỗi em một chiếc thìa.
Thầy giáo đổ nước lọc, nước đường và nước muối nóng vào cốc và cho học sinh nhận xét. Kết quả, hầu hết học sinh đều đưa ra được nhận định: Nước trong 3 cốc có 3 vị khác nhau nhưng hơi nước bốc lên đĩa của cả 3 cốc đều giống nhau. Thầy giáo kết luận: Hơi nước là nước tinh khiết và nước tinh khiết không có vị.
Chỉ trong một thời gian ngắn, học sinh đã được tham gia vào công việc thí nghiệm và hào hứng đưa ra nhận xét. Không phủ nhận những nhận xét dù đúng, dù sai, dù ngây ngô của học trò, giáo viên giải thích cho các em về sự đúng sai của nhận xét.
Tiết học Lối sống của cô giáo Đỗ Thị Thanh Hải đã khơi gợi cho học sinh mạnh dạn kể về “thời khoá biểu” hàng ngày của mình và dẫn dắt các em vào bài học: Xem tivi đúng cách. Cô Hải cho biết: “Các em phản ứng rất mạnh nếu thói quen của bạn không giống mình. Tôn trọng ý kiến của các em và điều chỉnh là điều quan trọng nhất không chỉ ở học sinh lớp 1”.
Chưa thể có nhiều “lớp học ồn ào và tự do”
PGS- TS Nguyễn Thị Bích Hà - Hiệu trưởng Trường Nguyễn Văn Huyên cho biết: “Hiện môn học mới được đưa vào học vào buổi thứ 2 trong ngày của học sinh (tức buổi học phụ - chiều).
Tuy nhiên, đây không phải là môn học “lấp chỗ trống” mà nằm trong chương trình làm giàu kỹ năng giá trị sống của trường. Hơn nữa với phương pháp học như chơi này học sinh không thể bị quá tải”.
Theo TS Nam: “Tất cả những gì học sinh được học trong các tiết học đều là những trải nghiệm trong cuộc sống thực mà các em sẽ gặp phải”. Độc lập, tự làm, tự đánh giá, nhận xét và kết luận là yêu cầu mà nhóm Những Cánh Buồm đặt ra cho học sinh.
Từ những ý kiến riêng đó giáo viên sẽ hướng các em vào “sự đồng thuận” trong một kết luận chung mà tất cả đều đồng tình với nó. Học sinh luôn thoải mái thực hiện các trải nghiệm của mình. Chính điều đó khiến cho lớp học luôn “ồn ào và tự do”.
Tuy nhiên, chính bản thân TS Nam cũng lúng túng khi nói về khả năng áp dụng bộ sách ở một quy mô lớn hơn bởi thực tế, việc dạy học mang tính khơi gợi, hướng dẫn, đòi hỏi giáo viên phải có phương pháp, có kiến thức và phải tập trung để “điều khiển” lớp học, lắng nghe ý kiến học sinh.
Một thực tế nữa, khi giảng dạy bằng thực nghiệm, có lồng ghép kỹ năng sống- dù khoa học hay đời sống- thì các trường cũng phải đầu tư khá nhiều cho dụng cụ thí nghiệm, đi dã ngoại... Vì vậy, cách này khó có thể áp dụng cho miền núi, hải đảo, nơi mà một lớp học kiên cố, đầy đủ bàn ghế đã là niềm mơ ước của thầy trò.
TS Nam cũng thừa nhận: “Mới chỉ có một vài trường ở TP. Hà Nội mời giảng dạy theo bộ sách, chưa từng có trường nào ở ngoại thành hoặc khu vực nông thôn hỏi tới”.
Huyền Thanh- Thiên Hà
Vui lòng nhập nội dung bình luận.