Các kiểu thu tiền
Trong Thông tư 67/2011/TT của Bộ GDĐT về quy định tiêu chuẩn đánh giá trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, ngoài các tiêu chí về: Khuôn viên, cổng trường, sân chơi bãi tập, trang thiết bị phục vụ học tập, chất lượng phòng học, khu vệ sinh, nhà xe, thư viện đạt chuẩn… thì không có tiêu chí nào liên quan đến việc bắt buộc phải có bể bơi và nhà tập đa năng.
Trong khi đó, lãnh đạo Trường Tiểu học Bạch Đằng (Kinh Môn, Hải Dương) lại khẳng định “Đây là tiêu chuẩn trường phải đạt được nếu muốn đạt chuẩn giai đoạn 2010 - 2014”. Để hoàn thành tiêu chí này, trường này đã “xã hội hoá” giáo dục bằng cách thu tiền của học sinh, mặc dù chưa nhận được sự đồng thuận.
|
Học sinh Trường Tiểu học Bạch Đằng (Kinh Môn, Hải Dương). |
Khi hỏi lãnh đạo Sở GDĐT Hải Dương về tiêu chí đạt chuẩn tiểu học của tỉnh này, ông Hoàng Văn Đoạt – Phó Giám đốc Sở khẳng định: “Sở không lấy việc xây dựng bể bơi và phòng tập đa năng làm tiêu chí đạt chuẩn”. Nhưng khi được hỏi về việc “dưới nói có, trên bảo không” thì ông Đoạt từ chối trả lời với lý do: “Để kiểm tra lại” (?!)
Trong khi đó, trao đổi với NTNN, ông Lê Văn Tần – Phó phòng GDĐT huyện Kinh Môn nhấn mạnh, việc xây bể bơi xóa mù bơi cho học sinh tiểu học là chủ trương của tỉnh. “Đây là việc làm cần thiết, tuy nhiên khó khăn là không có kinh phí để thực hiện. Toàn huyện Kinh Môn có 27 trường tiểu học thì chưa có đơn vị nào thực hiện được vì thiếu kinh phí. Chính vì thế Phòng GDĐT khuyến khích các đơn vị tự xã hội hóa giáo dục”- ông Tần nói.
Không chỉ Hải Dương vận động “xã hội hóa” xây bể bơi mà hiện nhiều tỉnh, thành, các khoản “xã hội hóa” ngày càng nhiều. Chẳng hạn, tại Hà Nội, Sở GDĐT có văn bản nêu rõ phụ huynh không phải đóng tiền xây dựng trường (vì đây là khoản chi đã được đảm bảo từ tiền ngân sách). Tuy nhiên, các trường đều thu khoản tiền “cơ sở vật chất” hoặc tiền “tu bổ, bảo dưỡng” trường.
Như ở Trường Tiểu học Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội), khoản tiền xây dựng cơ sở vật chất lên tới hơn 1 triệu đồng/em… Ngoài ra, một số trường tiểu học ở trung tâm thành phố còn thu tiền phụ huynh để mua màn hình LCD, máy chiếu projector, bàn ghế mới, cửa lớp mới... Tính bình quân, mỗi học sinh phải đóng tới 2 triệu đồng "tự nguyện" cho việc nâng cấp này.
Tại Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (TP.Nam Định), phụ huynh còn “choáng” với khoản thu cực kỳ vô lý là: “Đóng góp xây dựng thành phố” với mức tiền 270.000 đồng. Chị M.N - một phụ huynh học sinh cho biết: “Nhà trường đưa sẵn giấy ghi các khoản tiền tự nguyện và yêu cầu phụ huynh ký. Khi phát hiện khoản tiền xây dựng thành phố, chúng tôi phản ứng nhưng rồi ngại cô giáo nên thôi".
Xã hội hóa giáo dục đang bị hiểu nhầm
Nói về vấn đề này, GS-TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: “Việc xã hội hoá giáo dục đang bị hiểu nhầm một cách nghiêm trọng. Các trường học coi xã hội hoá giáo dục là thu tiền của dân”.
Ông Dong cũng cho rằng việc đặt ra tiêu chí đạt chuẩn quá cao, “không giống ai” của Trường Tiểu học Bạch Đằng khi xây dựng bể bơi theo chủ trương của tỉnh chẳng khác nào hình thức lạm thu.
Ông Phạm Tất Dong cho rằng: “Ngành giáo dục cần yêu cầu các trường học công khai các khoản thu chi một cách rõ ràng hơn. Ví dụ, năm nay trường được rót bao nhiêu tiền, khoản xây dựng là bao nhiêu? Các khoản còn thiếu như thế nào? Sau đó báo cáo với UBND địa phương xem có thể hỗ trợ được không hay trường phải làm công tác xã hội hóa”.
“Bộ GDĐT đề ra tiêu chí chuẩn là để các trường, kể cả nông thôn và thành thị đều có thể hướng tới để đạt được. Hiện rất nhiều trường trên thành phố đạt chuẩn quốc gia cũng đâu đã có bể bơi, huống gì đòi hỏi các trường ở nông thôn cần đạt tiêu chí này”- GS Dong nói.
Ông Dong cũng khẳng định việc “mị” khoản thu chưa hợp lý đó dưới tên xã hội hoá giáo dục thực chất là lạm thu: “Hôm nay họ bảo thiếu cái chổi, họ kêu gọi phụ huynh mua chổi, mai bảo học sinh nóng quá thì hô hào phụ huynh đóng tiền mua điều hòa, ngày kia bảo rét quá thì lại đóng tiền làm cửa kính cho tốt. Lẽ ra phải mừng vì công cuộc giáo dục ngày càng được dân chủ, nhưng dân bây giờ nghe đến xã hội hoá là… sợ lắm”.
Ông Đặng Như Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội thì cho rằng: “Việc đề ra các tiêu chí chuẩn không phù hợp với tình hình kinh tế địa phương là một sự lãng phí rất lớn tiền của và công sức của xã hội, mà ở đây trực tiếp là phụ huynh học sinh. Giả sử trong trường hợp có thể xã hội hoá và dân có thể đóng góp được thì việc chi như thế nào, hiệu quả ra sao? Có đúng chế độ quy định? Có đánh giá được giữa nguồn chi và công việc đáp ứng thế nào? Đã ai làm được? Lỗi trước tiên phải là lỗi của cơ quan quản lý các cấp và chính quyền cấp uỷ, địa phương. Đây là câu chuyện thi hành pháp luật chứ không phải chỉ là chuyện của ngành giáo dục”.
Nguyễn Thiêm - Minh Thu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.