Tự nguyện ... gượng ép
Khi nói về ý tưởng xây dựng bể bơi tại Trường Tiểu học Bạch Đằng, ông Cao Danh Tuyên – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm 2010, UBND tỉnh Hải Dương có đề án xây dựng bể bơi nhằm xóa “mù bơi” cho học sinh toàn tỉnh giai đoạn 2010 – 2015. Từ đề án trên, nhà trường đã họp bàn tìm hướng triển khai. Đây cũng là tiêu chí để trường phấn đấu đạt chuẩn giai đoạn 2 vào năm 2014. “Tiêu chí về hạ tầng của trường chuẩn là có bể bơi và nhà đa năng, ở trường đã có sân tập khá rộng dành cho các cháu nên chúng tôi thấy việc cần thiết phải tập trung vào kế hoạch xây bể bơi” - ông Tuyên nói.
|
Trường Tiểu học Bạch Đằng. |
Sau khi nhà trường họp thống nhất ý kiến, đề án đã được trình sang UBND xã Bạch Đằng, xã là chủ đầu tư của dự án. Tháng 5.2012, Trường Tiểu học Bạch Đằng thông báo cho toàn bộ phụ huynh học sinh về dự án xây dựng bể bơi trên cơ sở xã hội hóa. Theo dự kiến, ngoài kinh phí của địa phương thì mức đóng góp từ người dân sẽ vào khoảng hơn 300 triệu đồng, kéo dài trong nhiều năm. Ông Tuyên cho biết, ngoài kinh phí do cha mẹ học sinh đóng góp, nhà trường còn vận động, kêu gọi sự ủng hộ từ phía các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác trên địa bàn huyện. Theo vị lãnh đạo này, khoản tiền đóng góp là trên tinh thần tự nguyện, không bắt ép, trường hợp gia đình học sinh nào khó khăn không đóng cũng không sao.
Một vị phụ huynh (xin giấu tên) bức xúc cho biết: Đúng là nhà trường nói không ép buộc, nhưng khi con mình về nhà cứ kêu với bố mẹ phải đóng khoản tiền xã hội hóa nếu không thì cô giáo lại nhắc. Sợ con còn học ở đó chẳng may bị trù dập, phụ huynh đành phải cắn răng nộp cho xong. Có vị phụ huynh còn tố, khoản tiền xã hội hóa nhà trường lại “mập mờ” cho vào danh sách chung cùng các khoản đóng góp khác nên nhiều phụ huynh không biết đó là khoản dùng để xây bể bơi.
Dự án còn bỏ ngỏ
“Từ khi vận động đến nay, trường đã thu được hơn 100 triệu đồng và nộp về ngân sách của xã, có xác nhận của Hội Phụ huynh học sinh” – ông Tuyên cho biết. Khi phóng viên đặt câu hỏi, đóng góp tự nguyện sao vẫn có mức thu đề ra cho học sinh lớp 1 là 600.000 đồng/em, cứ mỗi lớp cao hơn sẽ giảm dần 50.000 đồng, ông Tuyên lý giải, mức nộp đó là do Hội Phụ huynh bàn thảo tính toán rồi đưa ra con số. Còn với các em học sinh lớp 5 sắp ra trường vẫn phải đóng góp, trong khi dự án chưa triển khai liệu có thiệt thòi? “Các em ra trường nếu muốn quay lại để thụ hưởng, nhà trường sẵn sàng đón nhận, có cam kết” - ông Tuyên nói.
Trao đổi với NTNN, ông Lê Văn Tần - Phó phòng GDĐT huyện Kinh Môn cho biết, việc xây bể bơi xóa mù bơi cho học sinh tiểu học là chủ trương của tỉnh. Đây là việc làm cần thiết, tuy nhiên khó khăn là không có kinh phí để thực hiện. Toàn huyện có 27 trường tiểu học nhưng chưa có đơn vị nào thực hiện được vì thiếu kinh phí. Chính vì thế Phòng GDĐT khuyến khích các đơn vị tự xã hội hóa giáo dục.
Khi được hỏi bao giờ dự án bể bơi được triển khai để học sinh nhanh chóng được thụ hưởng, ông Tuyên cho biết: “UBND xã mới là chủ đầu tư, còn việc này phía chúng tôi chỉ là đơn vị tham mưu và vận động quyên góp. Chúng tôi cũng chưa biết khi nào triển khai, đang chờ UBND xã”. Đến UBND xã Bạch Đằng, phóng viên được ông Trần Văn Tặng – Phó Chủ tịch xã cho biết: Việc xây bể bơi mới chỉ là chủ trương, xã chưa xây dựng dự toán cụ thể.
Ông Tặng cho biết, để thực hiện trước hết phải có nghị quyết của Đảng ủy, HĐND xã, sau đó UBND mới xây dựng đề án. “Hiện nay kinh tế khó khăn, đang thực hành tiết kiệm nên việc làm bể bơi vẫn đang dừng lại ở chủ trương”- ông Tặng nói.
Nhóm P.V
Vui lòng nhập nội dung bình luận.