Chức danh nghề nghiệp giáo viên: Phía sau bằng đại học là "cả bầu trời lo lắng"

Hà Minh Thứ hai, ngày 22/03/2021 19:03 PM (GMT+7)
Khi cái nóng của chứng chỉ ngoại ngữ, tin học dần bị nguội lạnh theo thời gian thì bỗng chốc chứng chỉ chức danh nghề nghiệp lại nổi lên. Người người cầm bút, nhà nhà mua sách và lên đường đi học.
Bình luận 0

Khi cánh én bay về cũng là lúc mùa xuân gõ cửa mỗi nhà, trăm bông hoa đua nở. Niềm vui mong manh ấy dường như chẳng thể lấp kín tâm tư của mỗi người giáo viên nhỏ bé như chúng tôi. Thông tư mới, chuẩn nghề nghiệp mới, chuẩn chức danh, nâng hạng, thăng hạng…. và có thể nói "n" điều mới cứ day dứt từng ngày. Để rồi "hoa có hồng trước sân nhà ai", "chim có hót bên vườn nhà ai" thì giọt nắng vẫn bâng khuâng, nỗi niềm vẫn chưa ai tỏ.

Có thể nói sau khi cầm tấm bằng đại học chính quy ra trường, những sinh viên sư phạm như chúng tôi chỉ nghĩ: Chắc đã đủ để đứng trên bục giảng mang tri thức, tình yêu trẻ, yêu nghề đến với các em. Nhưng phía sau tấm bằng ấy là cả một bầu trời lo lắng vẫn vẹn nguyên trong góc khuất mỗi người.

Một người làm trong ngành giáo dục ai cũng cần phải có 2 loại chứng chỉ: chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học. Hai loại chứng chỉ này rầm rộ chí ít cũng suốt 10 năm ròng rã. Và khi tất cả mọi người ai ai cũng có 2 loại chứng chỉ đó rồi thì bỗng dưng chứng chỉ đó không còn cần thiết nữa. 

Thiết nghĩ một suy nghĩ mong manh chứng chỉ ngoại ngữ để làm gì nhỉ? Chứng chỉ tin học để làm gì nhỉ? Ấy chẳng biết chứng chỉ để làm gì nhưng không có nó là bị tụt hậu so với đồng nghiệp và tụt mức thu nhập so với người cùng ngạch bậc. Vì nhiều lý do khác nhau lại tự an ủi thôi thì chả sao miễn dạy tốt được học trò tin yêu là đủ. Nếu vì chứng chỉ đó mà lương thấp hơn 1 chút chẳng sao vì ta đã có nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý trong tay rồi.

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên: Phía sau tấm bằng đại học là cả một bầu trời lo lắng  - Ảnh 1.

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đang gây xôn xao cho giáo viên cả nước. (Ảnh minh họa)

Khi cái nóng của chứng chỉ ngoại ngữ, tin học dần bị nguội lạnh theo thời gian thì bỗng chốc chứng chỉ chức danh nghề nghiệp lại nổi lên và nổi lên một cách mạnh mẽ. Người người cầm bút, nhà nhà mua sách và lên đường. Lên đường để đi đâu? – Đi học chứ đi đâu bây giờ".

Ấy vậy là sau một thời gian không lâu cũng ngót nghét 80 – 100% cán bộ giáo viên, nhân viên trong trường phổ thông có chứng chỉ. Có người xúc động đến rơi lệ vì nhận được chứng chỉ giỏi, cũng có người mặt buồn thiu vì thấy mình chăm chỉ nhường vậy, cố gắng nhường vậy mà thua đứa cùng trường 1 nét chữ (Giỏi – khá). Học xong giữ hạng chưa lâu lại học nâng hạng. Cầm chứng chỉ trên tay mơ hồ "chắc mình sẽ được nâng hạng trong đợt này".

Có vậy đâu đã đủ, một tiếng sét bỗng nổ đoàng bên tai. Bậc lương được nâng lên nhưng sẽ bỏ hết thâm niên nghề, bỏ các loại phụ cấp hiện hưởng. Thông tư mới này lại một lần nữa làm nóng lên không khí mới ảm đạm của các chứng chỉ. Đâu đó những cuộc bàn tán, lo lắng, trăn trở đã bắt đầu len sâu vào góc khuất của tâm hồn và chờ đợi. 

Cái chờ đợi sao lúc nào nó cũng mỏng manh, dễ vỡ đến nhường vậy cơ chứ. Người cảm giác buồn, người mơ màng hạnh phúc. Bỗng dưng không ai bảo ai họ đều vội vàng sử dụng chứng chỉ công nghệ thông tin dường như lỗi thời kia để tìm anh Google để tra, rồi hỏi công văn của Hà Nội có rồi, tỉnh Phú Thọ có rồi, và … tỉnh cũng đã có công văn chỉ đạo xuống. 

Vụ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên: Phía sau tấm bằng đại học là cả một bầu trời lo lắng  - Ảnh 2.

Giáo viên chờ đợi thông tư mới sẽ được thực hiện ra sao? (Ảnh minh họa)

Người tìm thấy trước chuyển tiếp nhóm trên Facebook, chuyển tiếp trên zalo nội dung chủ yếu "Triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục…" và rồi các cuộc bàn tán lại tiếp diễn.

Cái lo lắng nhiều nhất, trăn trở nhiều nhất có chăng không phải thông tư mới đã có mà là lương có thực sự tăng hay không? 

Có người nói: Ở hạng II dù bạn đi dạy 9 năm hay 12 năm bạn vẫn chỉ được xếp ở bậc 1 là 4.0 như người vừa tốt nghiệp ra trường. Nói như vậy chẳng thiệt thòi lắm sao? Vì công văn chính thức về xếp bậc lương chưa về đến cơ sở nên lo lắng và cảm thấy thiệt thòi cứ bủa vây. Nhịp tim lúc nhanh lúc chậm cứ thập thình trong lồng ngực. Vì chẳng ai biết mình sẽ được xếp hạng nào? Chuyển bậc ra sao? 

Người thì nói thiệt thòi cho đối tượng này, người thì nói quá lợi cho đối tượng kia. Tất cả tạm chờ, tạm đợi công văn mới hy vọng ngày mới trời nắng lên, hoa lại nở và chim không ngừng hót.

Tâm sự của một giáo viên...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem