Tại sao có chứng chỉ chức danh và xếp hạng đạo đức giáo viên: Bộ GD-ĐT lần đầu nói hết

Minh Châu (tổng hợp) Chủ nhật, ngày 21/03/2021 20:19 PM (GMT+7)
Đại diện Bộ GD-ĐT đã nói rõ hơn về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên và xếp hạng đạo đức giáo viên - hai vấn đề nổi cộm đang gây tranh cãi thời gian qua.
Bình luận 0

Quy định hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên sẽ không cứng nhắc

Chùm thông tư mới trong năm 2021 của Bộ GD-ĐT khiến nhiều giáo viên băn khoăn về các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp và bất ngờ hơn khi ở từng hạng giáo viên lại có riêng tiêu chí về đạo đức nghề nghiệp.

Bộ GD-ĐT lần đầu nói rõ về chứng chỉ chức danh giáo viên và xếp hạng đạo đức giáo viên  - Ảnh 1.

Ngoài các tiêu chuẩn với giáo viên thì các thầy cô phải luôn gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo. Ảnh minh họa: IT

Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) đã có những chia sẻ với báo chí về hai vấn đề này.

Ông Bình cho biết, quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm xếp lương theo các hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên không phải là quy định mới mà đã được thực hiện từ năm 2015, đối với cả giáo viên mầm non, phổ thông và đại học.

Sau khi Luật Viên chức năm 2010 có hiệu lực thi hành và triển khai các quy định liên quan đến Luật Viên chức thì Chính phủ ban hành các nghị định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Theo thẩm quyền Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch 20, 21, 22, 23 quy định mã số, chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non, phổ thông.

Ông Bình khẳng định, đây là các quy định giáo viên vẫn đang thực hiện đến thời điểm này khi chùm thông tư mới chưa có hiệu lực thi hành.

"Việc ban hành chùm thông tư mới này theo quy định của Luật Ban hành Văn bản đáng lý chúng tôi chỉ sửa đổi, bổ sung những quy định mới nhằm khắc phục những điều còn bất cập trong quá trình thực hiện tuy nhiên theo Luật Ban hành Văn bản thì trước khi Thông tư liên tịch giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ cho nên chúng tôi phải sửa đổi bằng cách ban hành thông tư mới để thay thế cho thông tư liên tịch đã ban hành.

Về điểm mới, khi thông tư này xa ra một mặt nó phải khắc phục được những bất cập trong quá trình thực hiện của chùm thông tư liên tịch 20,21, 22, 23; đồng thời nó phải đáp ứng được bổ sung những điểm mới của Luật Giáo dục và Luật Viên chức sửa đổi có hiệu lực từ năm 2020 cũng như một số quy định mới về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông cho phù hợp", ông Bình cho hay.

Dưới đây là 4 lý giải của đại diện Bộ GD-ĐT về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp:

"Thứ nhất, những quy định mới gồm đối với giáo viên mầm non và tiểu học trước đây cũng quy định 3 hạng nhưng là hạng 4, hạng 3, hạng 2 (mà không có hạng 1, do chuẩn đào tạo của giáo viên mầm non phổ thông là trung cấp cho nên áp dụng chức danh), thì ở thông tư mới sẽ xếp giáo viên mầm non ở 3 hạng (hạng 1, hạng 2, hạng 3) như giáo viên THCS.

Việc chuyển các quy định từ chùm thông tư cũ sang chùm thông tư mới sẽ được chuyển tương ứng. Cũng như vậy các quyền lợi của giáo viên, các yêu cầu để thực hiện nhiệm vụ và tiêu chuẩn năng lực sẽ được giữ nguyên hoặc theo chiều hướng có lợi cho giáo viên chứ không có chuyện giáo viên bị giảm đi quyền lợi của mình.

Thứ hai, việc xếp lương giáo viên trước đây tất cả đều được xếp vào hạng lương cán sự (hệ số 1,86), đến thời điểm này đối với mầm non (xếp vào hệ 2,10), giáo viên tiểu học (xếp vào hệ 2,34) bởi lương được xếp theo trình độ đào tạo.

Đây cũng là một cái thuận lợi và cũng là giải quyết được một vấn đề băn khoăn, bức xúc phổ biến của nhiều giáo viên trong thời gian qua về việc lương phải được xếp theo trình độ đào tạo.

Thứ ba, chùm thông tư mới được ban hành quyết định không quy định giáo viên phải có trình độ ngoại ngữ, tin học mà tương đương với nó là các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Tuy các chùm thông tư mới không quy định nhưng không có nghĩa là hạ thấp yêu cầu, các yêu cầu này đã được Bộ GD-ĐT tính toán đưa vào các quy định chuẩn đầu ra của đào tạo giáo viên và đưa vào các chuyên đề bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp.

Yêu cầu này cũng được quy định trong các thông tư về yêu cầu chuẩn năng lực thực hiện nghề nghiệp của giáo viên. Có nghĩa là giáo viên nào cũng phải có năng lực công nghệ thông tin, ngoại ngữ trong hoạt động nghề nghiệp và một số nhiệm vụ cụ thể mà việc làm yêu cầu.

Bộ GD-ĐT lần đầu nói rõ về chứng chỉ chức danh giáo viên và xếp hạng đạo đức giáo viên  - Ảnh 2.

Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT). Ảnh: IT

Thứ tư, việc quy định hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên sẽ không cứng nhắc. Có nghĩa giáo viên, công chức cả một đời chỉ ở ngạch chuyên viên thì cứ mãi ở ngạch chuyên viên.

Hoặc cũng giáo viên và suốt cả một đời chỉ ở giáo viên hạng 3 cũng không sao cả và nếu giáo viên đó có nhu cầu thăng tiến trong nghề nghiệp thì  sẽ có sự phấn đấu cả về mặt phẩm chất, nghề nghiệp, trình độ và năng lực để lên hạng 2 rồi hạng 1.

Khi giáo viên đã phấn đấu thăng hạng lên các hạng cao hơn thì dĩ nhiên anh sẽ được hưởng các quyền lợi và chế độ cao hơn".

Tiêu chuẩn đạo đức với từng hạng giáo viên: Hạng cao, giáo viên phải có thêm tiêu chí

Về tiêu chuẩn đạo đức với từng hạng giáo viên, ông Bình cho hay, nhà giáo đã có quy định riêng về đạo đức nhưng nhà giáo ở đây cũng là một viên chức nên Bộ GD-ĐT phải có sự kết hợp cả tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo và đạo đức nghề nghiệp.

"Việc mỗi hạng đều có tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo thì chúng tôi làm rõ rằng, chùm thông tư phải tuân thủ yêu cầu theo quy định của Luật, hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Nội vụ.

Cụ thể mỗi hạng chức danh nghề nghiệp, ngoài tên hạng phải có 4 tiêu chuẩn: tiêu chuẩn nhiệm vụ, tiêu chuẩn về đạo đức, tiêu chuẩn về trình độ nghiệp vụ và chuyên môn nghề nghiệp. Chúng tôi chỉ có một tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo thống nhất cho giáo viên ở các hạng. Nhưng ở hạng cao hơn, chúng tôi có một yêu cầu về mức độ thực hiện khác nhau.

Tất cả giáo viên hạng 2 đều phải thực hiện yêu cầu đạo đức của giáo viên ở hạng 3 nhưng đã phấn đấu lên hạng 2 thì tất cả thầy cô đều phải gương mẫu trong thực hiện các quy định này. Ở hạng 1 cũng phải thực hiện tất cả quy định ở hạng 3 nhưng khi đã phấn đấu lên hạng 1 thì thầy cô còn có nhiệm vụ cùng hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện tốt các quy định này", ông Bình lý giải.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem