Việc ô nhiễm nguồn nước sông đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân sinh sống bên hai bờ sông do nước có mùi khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản và đặc biệt là nguồn nước cấp cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn các xã có sông Bắc Hưng Hải chảy qua… Ông Nguyễn Tiến Thiệp - phó Chủ tịch UBND xã Trưng Trắc (Văn Giang, Hưng Yên) - cho biết, rất nhiều lần kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh, xã và huyện đều có kiến nghị theo phản ánh của người dân nhưng không nhận được phản hồi.
Suốt 10 năm nay người dân dọc hai bên bờ sông Bắc Hưng Hải (Hưng Yên) phải sống trong tình cảnh ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hằng ngày.
Trước đây, nước sông trong lành, cá bơi đầy dưới dòng nước, nhưng nay dọc theo dòng sông dài hàng chục cây số là một màu đen kịt, nổi váng dầu mỡ bốc mùi hôi tanh.
Tình trạng ô nhiễm này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cũng như đến sản xuất nông nghiệp của người dân dọc hai bờ sông.
Theo người dân, các nhà máy tại cụm công nghiệp Tân Quang (huyện Văn Lâm, Hưng Yên), các khu công nghiệp ở địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội xả thải không qua xử lý thẳng ra sông Bắc Hưng Hải chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm nặng nề như vậy.
Một cửa xả nước thải nồng nặc mùi và đen nhánh từ một khu xử lý chất thải công nghiệp ngang nhiên xả thẳng ra sông trên địa bàn xã Tân Quang.
Tại vị trí xả thải này, luôn tồn đọng dòng nước thải đen ngòm, váng dày đặc, mùi chất thải công nghiệp nồng nặc bốc lên chảy thẳng ra sông Bắc Hưng Hải.
Người dân cho hay, dòng nước đen này không kéo dài quanh năm. Chỉ tồn tại trong vòng chục hôm là chuyển sang các màu khác.
Lý giải cho việc này, ông Đỗ Văn Lực (thôn Ngọc Lịch, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) - cho biết, mỗi tháng các công ty này xả thải 2-3 lần, thậm chí 4-5 lần, mỗi lần như vậy là nước sông đổi màu đen kịt, nổi váng dầu, mỡ, trời nắng bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Sau mỗi đợt xả thải, họ lại “ngưng để tích tụ”, lúc này nước từ cống Xuân Quan trên Hà Nội đổ về thì dòng sông không còn đen nữa, lúc này nguồn nước dưới sông lại được bơm lên để phục vụ tưới tiêu cho rau và cấy lúa trên địa bàn.
Người dân hai bên bờ sông, vô cùng lo lắng cho sức khỏe của mình vì sợ rằng nguồn nước ô nhiễm của sông ngấm xuống mạch nước ngầm của người dân xunh quanh, đặc biệt nhiều năm trở lại đây khu vực này có nhiều người tử vong do bị ung thư tại địa phương.
Người dân vô cùng bức xúc bởi nhiều năm nay họ đã phản ánh và gửi rất nhiều đơn “kêu cứu” lên cơ quan chính quyền các cấp của tỉnh Hưng Yên nhưng đến nay họ vẫn bất lực nhìn dòng sông “giãy chết”.
Ông Nguyễn Tiến Thiệp - phó chủ tịch UBND xã Trưng Trắc - cho biết, rất nhiều lần kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh, xã và huyện đều có kiến nghị theo phản ánh của người dân nhưng không nhận được phản hồi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.