Quýt trồng trên các thung lũng, sườn đồi của huyện Bắc Sơn từ lâu đã nổi tiếng khắp nơi bởi hương vị ngọt, thơm ngon, đậm chất núi rừng.
Từ hàng chục năm nay, giống quýt vàng Bắc Sơn đã nổi tiếng bởi màu vàng của nắng, vị ngọt của núi, hương thơm của gió rừng, dường như bao tinh tuý của núi rừng Bắc Sơn đã dồn vào, tạo cho quả quýt có một hương vị đặc biệt thơm ngon mà không một nơi nào có thể sánh được.
Quýt vàng Bắc Sơn được coi là cây xóa đói giảm nghèo cho các hộ đồng bào dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao ở đây. Mùa quýt chín vào khoảng cuối tháng 11 dương lịch đến tháng 1 năm sau, cũng là thời điểm giáp Tết Âm lịch.
Ngay từ sáng sớm quýt được bà con mang ra bày bán thành hàng dài. Những quả quýt to nhất, đẹp nhất được mang ra chợ bày bán.
Quýt Bắc Sơn ưa ánh sáng tán xạ, độ ẩm vừa phải, thích hợp với thời tiết lạnh và khô nên sinh trưởng tốt nhất trong các khe núi, thung lũng thuộc vùng núi đá, độ cao 500 - 700 m so với mực nước biển.
Vùng núi Bắc Sơn sở hữu đất đai tương đối màu mỡ, chủ yếu là đất feralit nâu đỏ hoặc màu vàng nên là nơi hội tụ đầy đủ yếu tố cần thiết để tạo ra thứ quýt ngon với hương vị thanh mát hiếm có.
Sản phẩm quýt Bắc Sơn chủ yếu bán cho các thương lái đi tiêu thụ khắp nơi trong tỉnh, các vùng lân cận và chợ.
Do được trồng trên một vùng rộng lớn ở huyện miền núi Bắc Sơn, quýt ở đây có hai loại là quả tròn và quả dẹt, phù hợp với thổ nhưỡng mỗi nơi. Quýt quả tròn khi chín có màu vàng ươm, vỏ mỏng, dóc vỏ, ít sơ, vị ngọt đậm, thơm.
Quýt quả dẹt có hai đầu lõm, hình hơi dẹt, khi chín có màu vàng ươm, vỏ dày hơn, khó bóc, vị chua và cũng ít sơ. Trọng lượng quả trung bình 100–150g.
Trao đổi với Dân Việt, ông Vũ Văn Hoạch, phó Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn cho biết: Bắc Sơn là vùng nổi tiếng với đặc sản quýt vàng Bắc Sơn với hương vị rất đặc trưng mà không vùng nào có được. Hiện tại đặc sản quýt vàng Bắc Sơn đang được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, và xây dựng thương hiệu. Hiện nay toàn huyện có gần 500 ha diện tích trồng quýt với tổng sản lượng 1.500 tấn/năm.
Quýt Bắc Sơn được thị trường ưa chuộng và đem lại lợi ích kinh tế cao nên thời gian gần đây người dân đã học tập nhau trồng quýt, mở rộng diện tích trồng mỗi năm. Hiện cây quýt đang là cây chủ lực xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.