Đến thăm mô hình trồng nghệ hữu cơ của gia đình ông Nguyễn Văn Luyến (xã Đôn Phong, Bạch Thông, Bắc Kạn), đúng lúc ông Luyến đang chuẩn bị đi thu hoạch nghệ của nhà mình. Theo ông Luyến, đây đang thời điểm vào chính vụ, giá nghệ tươi đang ở mức cao, nên nhà nào nhà nấy đều hồ hởi, hối hả lên núi đào loại cây cho “củ vàng” này.
Ông Luyến cho biết “cây nghệ rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương nên củ to, nhiều nhánh hơn nữa sản phẩm còn được bao tiêu nên bà con khá yên tâm”.
Chia sẻ với phóng viên, ông Luyến cho biết "Hiện tại, với diện tích trên 3ha, mỗi năm gia đình tôi thu hoạch khoảng 60 tấn nghệ tươi. Với giá nghệ hiện tại Công ty cổ phần Nông sản Bắc Kạn thu mua cho các hộ nông dân là 5.000 - 5.500đ/kg, trừ các chi phí mỗi năm tôi thu về gần 200 triệu đồng.
Tương tự như gia đình ông Luyến, hộ gia đình bà Lý Thị Phấn cũng trồng nghệ theo hướng hữu cơ. Hiện với 0,7ha trồng nghệ, trừ chi phí mỗi năm bà Phấn cũng "bỏ túi" trên 50 triệu đồng.
“Ngày trước gia đình tôi chỉ trồng ngô và rau màu nên hiệu quả kinh tế không cao, tuy nhiên từ khi chuyển sang trồng nghệ hữu cơ đã cho thu nhập cao hơn hẳn. Hiện nay chúng tôi đã không phải lo đầu ra cho củ nghệ, bởi vì đã có các Công ty ký hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm, nên người nông dân chúng tôi cũng đã yên tâm để sản xuất”, bà Phấn hồ hởi nói.
Từ năm 2018, bà con nông dân trồng nghệ trên địa bàn huyện Bạch Thông, Na Rì, Pác Nặm, Ba Bể đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty cổ phần Nông sản Bắc Kạn. Chính vì vậy, người trồng nghệ hữu cơ ở Bắc Kạn đã yên tâm hơn về đâu ra. Như vậy, mỗi ha nghệ trừ chi phí người nông dân cũng có nguồn thu hàng chục đến cả trăm triệu đồng.
Với những thuận lợi về thiên nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giống nghệ nếp được bà con trồng là chủ yếu. Với giống nghệ nếp đem lại chất lượng cao, hàm lượng Curcumin lên tới 6%, hiệu quả hơn nghệ lai và nghệ tẻ.
Theo ông Hà Văn Cường – Giám đốc Công ty cổ phần Nông sản Bắc Kạn cho biết "Công ty đang tổ chức sản xuất nghệ organic tại 18 xã trên bốn huyện của tỉnh Bắc Kạn thu hút tổng 1.089 hộ gia đình tham gia, với diện tích 118ha. Để quản lý tốt vùng nguyên liệu, Công ty thành lập các nhóm tổ hợp tác.
"Thông qua tổ hợp tác người dân sẽ tự giám sát và học hỏi lẫn nhau về quy trình, kỹ thuật bảo đảm sản phẩm của cả tổ sẽ được công ty thu mua với giá trị cao nhất. Hiện nay, các sản phẩm từ nghệ thu mua của bà con được công ty chiết xuất, làm thành phẩm 13 mặt hàng khác nhau cung cấp đến 63 tỉnh trên cả nước, ngoài ra còn được xuất khẩu ra nước ngoài...", ông Hà Văn Cường. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.