Những giáo viên không tuổi hưu

Thứ bảy, ngày 25/05/2024 13:32 PM (GMT+7)
Cà Mau là tỉnh vùng sâu, xa, đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, không có điều kiện cho con em cắp sách đến trường.
Bình luận 0

Để giúp trẻ biết chữ, nhiều lớp học tình thương được mở ra, người đứng lớp là những giáo viên nghỉ hưu. Nhiều thầy cô lặng lẽ gieo chữ tình thương hàng chục năm, góp phần giúp hàng ngàn em nhỏ tìm đến bến bờ tri thức.

Hơn 20 năm gieo chữ tình thương

Đến khóm 6 (phường 6, TP Cà Mau) hỏi lớp học tình thương của cô Lê Thị Thu Thiết (63 tuổi) hầu như ai cũng biết, bởi lớp học này đã tồn tại hơn 20 năm qua. Hằng ngày, trong căn phòng rộng khoảng 40m2, bàn ghế cũ kỹ, tiếng trẻ bi bô tập đánh vần, đọc chữ phát ra đã trở thành âm thanh quen thuộc với người dân xung quanh.

Ở đây có 2 lớp học, mỗi lớp có hơn 20 em. Lớp buổi sáng dành cho các em chưa biết chữ (lớp 1) thời gian học từ 7 giờ 30 phút đến 9 giờ 30 phút. Buổi chiều là lớp ghép học sinh lớp 2, 3 và lớp 4, thời gian học từ 14 giờ đến 16 giờ.

Dù bận rộn với công việc gia đình, chăm lo mẹ già nhưng ngày 2 buổi, cô Thiết vẫn đều đặn đến lớp.

Cô chia sẻ: Nghề dạy học dường như đã ăn sâu trong máu, thịt mình rồi, nghỉ dạy buồn dữ lắm, nhớ các em, nên mưa gió cũng phải lội đi. Chỉ mong có sức khỏe tốt để tiếp tục công việc không lương này.

Chừng nào sức khỏe không cho phép, không đi nổi, đầu óc không còn minh mẫn mình mới ngưng dạy học.

Cô Lê Thị Thu Thiết cho biết, lớp học tình thương này do họ đạo thành lập. Khởi nguồn hình thành là do trong một lần đi tặng quà cho các gia đình khó khăn (cách đây hơn 20 năm), cha xứ thấy có nhiều em không được đến trường, không biết chữ, hằng ngày phải theo cha, mẹ mưu sinh nên rất thương.

Khi về, cha mới quyết định mở lớp học tình thương và nhờ cô Thiết (người trong họ đạo), khi đó đang là giáo viên tại một trường tiểu học trên địa bàn TP Cà Mau đứng lớp.

“Lúc đầu nhận dạy lớp tình thương chỉ là vâng lời cha, tuy nhiên, càng dạy tôi càng thấy thương hoàn cảnh khó khăn của các em, muốn gắn bó với lớp. Nhiều bạn trẻ thấy tôi dạy học một mình cũng muốn giúp đỡ, nhưng thường chỉ được vài tháng là nghỉ do không quen với môi trường học tập ở đây và một số lí do cá nhân khác”, cô Thiết chia sẻ.

Hơn 20 năm gắn bó, cô Thiết có rất nhiều kỷ niệm với lớp học này. Cô cho biết, trước đây khi phòng học chưa được nâng nền, do lớp nằm gần con sông nên vào mùa mưa hoặc khi có triều cường thường bị ngập, cả cô và trò phải dạy và học trong nước. Nhìn những học trò nhỏ của mình phải lội nước đến lớp, không dám để chân xuống dưới ghế trong giờ học mà cô thấy đau lòng.

“Vào ngày 8/3, 20/10 hay 20/11, nhiều em ở đây cũng biết tặng quà cho cô giáo. Đó đơn giản chỉ là một bông hoa, một cây viết, nhưng cũng khiến mình cảm thấy ấm lòng. Có em còn viết thơ gửi tặng cô. Đọc thơ các em tôi cứ rưng rưng xúc động, vui mừng vì học trò của mình đã thành thạo con chữ”, cô Thiết bùi ngùi kể.

Lê Tấn Lực năm nay đã 20 tuổi nhưng chỉ mới bắt đầu lớp 1 chia sẻ, đến lớp có cô, bạn rất vui. “Em rất biết ơn cô giáo vì đã cho con chữ. Bây giờ, em đã có thể viết được tên mình”, Lực nói. Em Nguyễn Hữu Hậu 13 tuổi cho biết, gia đình thuộc diện khó khăn, cha mẹ ở trọ lao động, rất sợ gia đình chuyển đi nơi khác không được tiếp tục học ở đây nữa, vì em rất quý cô, không muốn xa cô.

Chị Trần Ngọc Liên cho biết, mình có 2 đứa con học lớp học tình thương của cô Thiết, một đứa khi biết chữ đã được tạo điều kiện cho vào học chính thức ở trường, một đứa còn đang học.

“Vợ chồng mình không biết chữ, cũng muốn cho con đi học đàng hoàng nhưng không đủ điều kiện. Thấy con học lớp học tình thương về khoe biết đọc, viết, mình rất mừng. Mình rất biết ơn cô Thiết đã nhiệt tình dạy chữ cho các con”, chị Liên nói.

Cô Thiết cho biết thêm, để trò học tốt, cô thường xuyên cập nhật kiến thức từ sách vở và học hỏi từ những người đang dạy về cách xây dựng nền nếp trong lớp, phương pháp dạy học sao cho gần với chương trình mới để các em khi có điều kiện đến trường học chính thức sẽ bắt kịp.

20 năm gieo chữ tình thương, cô Thiết cũng không nhớ mình đã giúp bao nhiêu học trò biết con chữ, bao nhiêu em được đến trường chính thức. Mỗi khi nghe tin có học trò của mình học ở trường được khen chăm ngoan, học giỏi là cô thấy phấn khởi, vui mừng.

Những giáo viên không tuổi hưu- Ảnh 1.

Cô Lê Thị Bích Thủy hướng dẫn các em nhận biết các quốc gia qua tranh ảnh.

Những giáo viên không tuổi hưu- Ảnh 2.

Lớp học tình thương của cô Lê Thị Thu Thiết.

Cô Ba “khuyến học”

Cô Lê Thị Bích Thủy (67 tuổi) trước đây là giáo viên, sau đó làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, về hưu nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội Khuyến học xã Thạnh Phú (huyện Cái Nước) đến nay. Trong gia đình, cô Thủy là con thứ ba nên nhiều người vẫn quen gọi là cô Ba “khuyến học”.

Ngoài vai trò Chủ tịch Hội Khuyến học xã, cô Ba Thủy còn là chủ nhiệm kiêm giáo viên duy nhất tại lớp học tình thương duy trì được hơn 10 năm qua, từ thời cô còn làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã.

Nói về lý do thành lập lớp, cô Thủy cho biết: Trước đây trong xóm, ấp có nhiều em gia đình khó khăn phải theo cha, mẹ lượm ve chai, bán vé số kiếm sống, không biết chữ. Vốn là nhà giáo nên cô thấy thương, thường kêu các em về nhà dạy chữ.

Học sinh theo học ngày càng đông nên cô quyết tâm mở lớp để các em có chỗ học thuận tiện. Lúc đầu địa điểm mở lớp học là ở căn nhà của một người hảo tâm trong xã cho mượn, về sau cô Thủy mới xin UBND xã Thạnh Phú cho mượn một căn phòng trong Trung tâm Văn hóa thể thao xã để tổ chức lớp và duy trì đến nay.

Lớp học tình thương của cô Thủy hiện có 24 em, học ghép từ lớp 1 đến lớp 3. Do phòng nhỏ, học sinh đông nên phải kê thêm bàn ra ngoài cửa lớp. Phần lớn các em học ở đây đều là trẻ mồ côi, trẻ em khuyết tật, hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn. Mỗi em một hoàn cảnh, em nào mồ côi, em nào bệnh tật hay gia cảnh khó khăn, cô Thủy đều thuộc lòng để có phương án hỗ trợ, giúp đỡ ngoài việc dạy chữ.

Những giáo viên không tuổi hưu- Ảnh 3.

Giây phút vui tươi của cô Lê Thị Bích Thủy cùng học trò.

Những giáo viên không tuổi hưu- Ảnh 4.

Cô Lê Thị Thu Thiết luyện chữ cho học trò.

Những giáo viên không tuổi hưu- Ảnh 5.

Học sinh chăm chú nghe cô giảng bài.

“Dạy các em ở đây khó khăn lớn nhất là có nhiều nhóm học ghép lớp, trình độ khác nhau, có em vô trước, em vô sau. Mặt khác, một số gia đình hoàn cảnh khó khăn cũng không muốn cho con đi học mà bắt ở nhà lao động kiếm tiền. Tôi phải ra sức vận động nhiều lần mới chịu cho con đi học, học được một thời gian có khi chuyển đi làm chỗ khác lại cho con nghỉ, khi về lại cho học tiếp”, cô Thủy chia sẻ.

Dù khó khăn vất vả nhưng cô Ba Thủy không bao giờ bỏ cuộc. Trong lớp thấy em nào vắng học vài ngày là cô lại lặn lội tìm đến nhà thăm hỏi, vận động đi học, vì thế luôn duy trì sĩ số lớp ổn định.

Ngoài dạy chữ cô Thủy còn giáo dục cho các em về đạo đức làm người, bởi các em đa phần có hoàn cảnh khó khăn, từ nhỏ phải bươn chải ngoài xã hội, thường xuyên tiếp xúc môi trường thiếu lành mạnh, dễ tiếp thu thói hư tật xấu.

“Lớp học tình thương này nếu không có cô Ba Thủy thì sẽ không duy trì được đến hôm nay. Phải là người thật sự có tâm, có nghề thì mới làm được công việc thiện nguyện bền bỉ này”, ông Lâm Việt Triều - Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú chia sẻ.

Chị Nguyễn Cẩm Linh (hơn 30 tuổi) là học sinh lớn tuổi nhất trong lớp cô Thủy, được phân công làm lớp trưởng cho biết, nhờ cô Thủy vận động nên cả 3 mẹ con chị đều vào đây học. Mẹ con chị đều rất quý cô Thủy, bởi cô dạy rất tận tâm, dễ tiếp thu, đến nay cả 3 mẹ con đều đã biết chữ.

Trong những ngày nắng nóng này, mỗi lần đi dạy cô Thủy không quên mang theo vài chai nước với ít đá lạnh để học trò giải khát. Cô cũng cho các em ra chơi giữa giờ vài phút để thư giãn.

Sân chơi của học trò là khoảng sân trước lớp học, chỉ với dụng cụ bập bênh được tài trợ lắp đặt, các em phải chờ tới lượt mới được chơi. Để trò có điều kiện đến lớp vui học, cô Thủy thường xuyên vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn.

Những năm gần đây, công tác xóa mù chữ của Cà Mau đạt được nhiều kết quả tích cực, tỉnh được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 vào năm 2022.

Có được kết quả trên, một phần là nhờ lớp học tình thương của những cô giáo không tuổi hưu, tâm huyết với nghề; không ngại khó khăn trong hành trình gieo chữ thiện nguyện như cô Thiết, cô Thủy...

Các cô không chỉ đã và đang giúp cho nhiều em tìm đến bến bờ tri thức, mà còn góp phần hiệu quả trong xóa đói, giảm nghèo; xây dựng xã hội học tập, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Theo Quách Mến (giaoducthoidai.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem