4 lần kiểm tra hệ thống PCCC vẫn không đảm bảo
Tòa chung cư CT02 A và B, KĐT Tân Tây Đô được Cty Cổ phần đầu tư Hải Phát bàn giao cho khách hàng và đưa vào sử dụng từ tháng 4/2014. Tuy nhiên, sau đó 3 năm, đến ngày 13/10/2017 tòa nhà CT02 mới được xác nhận nghiệm thu PCCC theo văn bản số 390/NT-PCCC-P3.
Kể từ thời điểm có văn bản nghiệm thu, tòa chung cư CT 02 đã trải qua 4 lần kiểm tra PCCC, tuy nhiên, các tồn tại vẫn chưa được chủ đầu tư khắc phục, cư dân tại tòa CT02 vẫn nơm nớp hiểm họa cháy nổ.
Tòa nhà CT02 A-B, KĐT Tân Tây Đô vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn PCCC
Theo phản ánh của người dân, hiện nay nhiều thiết bị, hạ tầng phục vụ cho công tác PCCC đã xuống cấp nghiêm trọng. Ngoài ra, theo hồ sơ thiết kế được thẩm duyệt, hoàn công được chủ đầu tư bàn giao, hệ thống các thiết bị có sự khác biệt, có dấu hiệu bị “cắt xén” một cách nghiêm trọng.
Cụ thể, đầu báo cháy tại khu vực tầng hầm theo bản vẽ hoàn công 2017 có 290 đầu, nhưng hiện trạng chỉ có 187 đầu, thiếu tới 103 đầu. Đầu Sprinkler (phun nước tự động) thiếu 88 chiếc so với thiết kế, ngoài ra, các modul van bướm tín hiệu không được cài đặt địa chỉ và không gửi tín hiệu về các tủ báo cháy.
Số lượng các modul cũng có dấu hiệu bị “cắt xén”, tại các tầng 17, 23, 24, 25 của block A hiện trạng chỉ có 3 modul trong khi bản vẽ thẩm duyệt là 4. Các modul đã được lắp đặt tại các tầng 1, 3 của block B, tầng 24 của block A… nhiều modul lỗi, hỏng nhưng tín hiệu không được truyền về tủ.
Theo biên bản kiểm tra PCCC ngày 4/6 của CA huyện Đan Phượng, hệ thống báo cháy và hệ thống chữa cháy của tòa nhà CT02 không đảm bảo việc liên động nhau về hoạt động chữa cháy.
Các van khóa điện và công tắc dòng chảy trên đường ống cấp nước từng tầng không đảm bảo tín hiệu về hệ thống báo cháy tự động. Đáng chú ý, hệ thống màn ngăn cháy Drencher tại tầng hầm không hoạt động theo chế độ tự động quy định mà chỉ vận hành khi được kích hoạt bằng tay.
Với việc các thiết bị PCCC tự động không hoạt động, lỗi, hỏng… trong trường hợp tòa nhà có sự cố hỏa hoạn, cư dân tại tòa CT02, KĐT Tân Tây Đô buộc phải tự phát hiện và kích hoạt các thiết bị bằng tay để chữa cháy.
Vì sao cư dân phải sống chung với “bà hỏa”?
Trước thực trạng, hệ thống PCCC không đảm bảo dù đã nhiều lần được cơ quan chức năng kiểm tra, người dân sống tại tòa CT02, KĐT Tân Tây Đô đang phải sống trong mối lo về an toàn tính mạng.
Anh Hồ Sỹ Thắng, thành viên ban quản trị tòa CT02 cho biết: “Thời gian vừa qua, đội PCCC của huyện Đan Phượng có xuống kiểm tra, các hạng mục gần như không có cái nào đạt tiêu chuẩn. Việc hệ thống PCCC như vậy khiến công tác phòng ngừa, cứu hộ khi có sự cố xảy ra không đảm bảo, ảnh hưởng đến đời sống người dân”.
Cũng theo anh Thắng, vấn đề lớn nhất là việc các thiết bị thiếu hụt so với biên bản nghiệm thu hoàn công. Hàng trăm phần cứng bị “cắt xén” khiến người dân nghi ngờ và bức xúc.
Những hình ảnh không khó để bắt gặp tại KĐT Tân Tây Đô.
Ban quản trị tòa CT02 thông tin thêm, trong năm 2019 sẽ có các đợt kiểm tra PCCC lần thứ 5, 6. Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng việc kiểm tra mà không có các chế tài xử lý nghiêm minh khiến tình trạng vẫn sẽ như các lần trước.
Đem những bức xúc, mối nguy tiềm ẩn của người dân tại tòa CT02 trao đổi với ông Nguyễn Hữu Hoàng, chủ tịch UBND huyện Đan Phượng. Ông Hoàng cho biết, huyện đã nhận được thông tin về việc hệ thống PCCC tại tòa CT02 không đảm bảo và đã tổ chức họp để tìm giải pháp.
“Chúng tôi đã nhận được thông tin và từ hôm đó đã tổ chức họp mấy lần, tuy nhiên vấn đề đó thuộc phạm vi quản lý của Sở Xây dựng.” – ông Hoàng nói.
Việc các thiết bị PCCC ngày càng xuống cấp, chủ đầu không có động thái thay đổi, chính quyền các cấp chỉ kiểm tra cho có, đùn đẩy trách nhiệm. Đến bao giờ hàng nghìn người dân tại tòa CT02 mới thoát khỏi cảnh nơm nớp lo lắng “bà hỏa” đến thăm bất cứ lúc nào?
Khu đô thị Tân Tây Đô có diện tích 21 ha, nằm trên địa bàn xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội do Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát làm chủ đầu tư.
Dự án được đưa vào sử dụng từ năm 2014, kể từ dấu mốc ấy, cư dân nơi đây phải đối mặt với muôn vàn bức xúc từ sự bất tín của chủ đầu tư Hải Phát. Từ việc nguồn nước nhiễm asen, cơ sở hạ tầng xuống cấp, “phù phép” diện tích chung, vi phạm các quy định về an toàn PCCC…
UBND huyện Đan Phượng cũng đã nhiều lần lên tiếng “chỉ mặt đặt tên” sai phạm của chủ đầu tư Hải Phát. Cư dân nhiều lần chăng băng rôn, biểu ngữ, làm đơn thư kêu cứu với các cơ quan chức năng, nhưng đến nay các vấn đề tồn tại vẫn chưa được xử lý.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.