“Chúng ta đang sử dụng bài thuốc đắng”

Thứ sáu, ngày 22/07/2011 06:31 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Trong bối cảnh hiện nay, không có cách nào khác chúng ta phải sử dụng biện pháp thắt chặt tiền tệ, chính sách tài khóa chặt chẽ, cho dù “bài thuốc đắng” này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế trong dài hạn”.
Bình luận 0
img
Ông Cao Sĩ Kiêm

Ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ĐBQH tỉnh Thái Bình nói như vậy bên hành lang QH chiều 21.7.

Ông đánh giá như thế nào về những giải pháp điều hành kinh tế 6 tháng cuối năm của Chính phủ được Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trình bày trước QH sáng 21.7?

- Chính phủ thiết kế các giải pháp như vậy là hợp lý. Tuy nhiên, vấn đề là các giải pháp, chủ trương đó phải được cụ thể hóa thật nhanh. Các biện pháp đưa ra phải thật cụ thể và nhất quán. Chúng ta đã từng chứng kiến những chủ trương được đưa ra nhưng chờ mãi không có giải pháp cụ thể. Khi có giải pháp rồi cũng thực hiện không nghiêm, người làm người không. Điều này sẽ dẫn đến mâu thuẫn, mất lòng tin trong người dân và doanh nghiệp, ảnh hưởng lâu dài đến tính khả thi của các chính sách sau này.

Vấn đề các doanh nghiệp nhỏ và vừa lo ngại nhất hiện nay là lãi suất ngân hàng quá cao nên không dám vay vốn để duy trì sản xuất. Theo ông, lúc này có nên triển khai việc cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp này, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, như đã triển khai trong năm 2009?

- Những doanh nghiệp thấy vay vốn để sản xuất mà không có lãi thì tất nhiên họ sẽ không vay; số vốn vay sẽ rất hạn chế. Việc cấp bù lãi suất kể cả cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ở nông thôn là rất hữu ích. Nhưng nó sẽ mâu thuẫn với việc phát triển kinh tế thị trường và việc thắt chặt tiền tệ như hiện nay. Vì thế, việc này nếu được đặt ra sẽ rất khó thực hiện.

Một giải pháp cụ thể mà Chính phủ đang trình Quốc hội là miễn, giảm và giãn (cho phép nộp thuế chậm) để giúp các doanh nghiệp và người dân. Ông đánh giá thế nào về đề xuất này?

- Chính phủ đề xuất giãn 6.200 tỷ tiền thuế cho doanh nghiệp, không phải nộp trong năm nay. Nhưng những doanh nghiệp được giãn thuế là những doanh nghiệp khó khăn, nếu giãn thuế năm nay, sang năm họ phải nộp cùng lúc hai lần thuế thì họ càng khó khăn. Vì thế, theo tôi nên giảm cả 6.200 tỷ tiền thuế đó cho doanh nghiệp.

Ông dự đoán thế nào về “kịch bản” lạm phát đến cuối năm nay và sang năm sau?

- Lạm phát của thế giới đang rất phức tạp, các nước đều có những chính sách đối phó rất quyết liệt. Hiện nay, tình hình vỡ nợ công ở châu Âu đang lan tỏa và đã xuất hiện ở cả Mỹ; kinh tế Nhật Bản đang tăng trưởng âm... Những yếu tố đó sẽ tác động đến nước ta. Hiện nay, tăng trưởng chúng ta đang giảm so với cùng kỳ, lạm phát thì đang tăng. Hai cái này làm cho “độ trượt” của lạm phát đến cuối năm sẽ rất khó khăn. Cộng với tính thời vụ, lạm phát đến cuối năm sẽ rất căng thẳng. Chúng ta quyết liệt mới có thể giữ được lạm phát ở mức 15%-17% như Chính phủ đề ra.

Theo ông Kiêm, chủ trương cắt giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp là rất hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, việc cắt giảm quan trọng hơn việc giãn thuế...

Nhiều chuyên gia kinh tế gần đây rất lo ngại rằng nếu tiếp tục áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế các năm sau. Ông đánh giá thế nào về nguy cơ này?

- Tất nhiên là sẽ có ảnh hưởng. Tuy nhiên, đây là lúc chúng ta phải dùng bài thuốc đắng nhất để chữa trị. Việc thắt chặt tiền tệ, chính sách tài khóa chặt chẽ là điều bắt buộc. Tuy nhiên, giải pháp này không nên kéo dài mà phải làm rất nhanh. Phải tạo ra yếu tố khôi phục sản xuất tốt nhất có thể. Nếu kéo dài lê thê sẽ làm cho doanh nghiệp phá sản, đời sống người dân càng khó khăn.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem