"Chúng tôi đau lòng khi nhiều hộ nuôi lợn đã bị phá sản"

Minh Huệ Thứ sáu, ngày 21/04/2017 19:03 PM (GMT+7)
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai khi trao đổi với phóng viên Dân Việt về tình hình giá lợn hơi tại địa phương, cũng như về các giải pháp cứu đàn lợn mà Bộ NNPTNT vừa trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Bình luận 0

img

Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai

Trao đổi với phóng viên Dân Việt về việc Bộ NNPTNT gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ vào cuộc giải cứu ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Kim Đoán cho rằng đó là trách nhiệm của Bộ cần phải lên tiếng để bảo vệ người nuôi lợn cũng như ngành chăn nuôi của nước ta.

Ông Đoán nói: "Trước khi Bộ NNPTNT gửi kiến nghị lên Thủ tướng, ngay từ đầu năm 2017, người dân và Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã có kiến nghị lên Bộ NNPTNT và các bộ ngành liên quan đề nghị phải sớm có các giải pháp cụ thể nhằm chặn đà giảm giá sâu của ngành nuôi lợn. Nhưng chờ mãi không thấy phía Bộ NNPTNT cũng như Bộ Công Thương có động thái cụ thể nhằm tác động đến thị trường".

"Chúng tôi rất đau lòng khi phải chứng khiến không ít hộ chăn nuôi đã bị phá sản. Vì vậy, bây giờ Bộ NNPTNT mới lên tiếng là hơi chậm, khi đã để người chăn nuôi chịu cảnh thua lỗ quá lâu. Với những giải pháp mà Bộ NNPTNT vừa đề xuất, những hộ mới chăn nuôi, ít vốn gần như không còn cơ hội. Còn với những người nuôi lớn, nhiều vốn thì theo nhận định của tôi cũng như các chuyên gia, họ đã có thể cầm cự suốt 5 tháng nay cũng như thêm vài tháng nữa" - ông Đoán cho hay.

img

Chăm sóc đàn lợn sinh sản ở phường An Phú, TP.Tam Kỳ (Quảng Nam). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

Cũng theo ông Đoán, đáng lý ra, việc kêu gọi các doanh nghiệp thu mua lợn, giết mổ rồi trữ đông phải thực hiện từ lâu rồi mới đúng. Câu hỏi đặt ra bây giờ, ai sẽ là người bỏ tiền ra mua lợn trữ đông? Mua với giá nào? Ai sẽ đủ tiền, đủ kho lạnh dự trữ để đủ sức làm biến đổi thị trường, khi dự báo giá lợn hơi sẽ còn tiếp tục giảm nữa trong thời gian tới. Nếu có mua dự trữ, các doanh nghiệp phải thu mua ít nhất 100.000 tấn và dự trữ trong 6 tháng thì mới có thể cứu được ngành chăn nuôi.

Việc ngành công thương cho nhập hơn 7.000 tấn thịt trong quý 1 so với mức tiêu thụ của thị trường không lớn, nhưng người dân đánh giá đó là giọt nước làm tràn ly. Bởi khi 10 triệu người chăn nuôi lợn trong nước đang chịu cảnh khổ sở vì giá giảm sâu mà vẫn cho nhập, chứng tỏ ngành chức năng chưa thực sự sát cánh cùng người chăn nuôi.

Ông Đoán cho biết, thực tế giá lợn hơi ở Đồng Nai đang ở mức 25.000 – 26.000 đồng/kg, dự đoán giá lợn hơi sẽ còn tiếp tục giảm nữa và mức giảm sẽ kéo dài trong vài tháng.

"Chúng tôi đã làm việc với một số ngân hàng để đề nghị có giải pháp giãn nợ, khoanh nợ cho người nuôi lợn, nhưng phía ngân hàng từ chối với lý do đây không phải là mất mát, thiệt hại do thiên tai. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, tình cảnh bi đát của người nuôi lợn hiện nay có thể xem là trận “thiên tai” lớn nhất của ngành chăn nuôi, nếu không có sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan thì sẽ không thể kìm được đà giảm của thị trường, khiến ngành chăn nuôi đổ vỡ" - ông Đoán nhấn mạnh. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem