"Chúng tôi thao thức cả đêm, mong chờ hôm nay được nhìn thấy Tổng Bí thư kính yêu lần cuối"
"Chúng tôi thao thức cả đêm, mong chờ hôm nay được nhìn thấy Tổng Bí thư kính yêu lần cuối"
Trịnh Trọng - Gia Khiêm
Thứ sáu, ngày 26/07/2024 11:15 AM (GMT+7)
Mặc dù Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội) tới 15h chiều nay (26/7) mới được cử hành, nhưng từ sáng sớm đã có rất đông người dân xúc động ngồi chờ đợi tiễn biệt bác lần cuối.
Thuê trọ ở Hà Nội chờ tiễn anh linh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Gần 8h sáng ngày 26/7, dù còn nhiều giờ nữa linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới được đưa về Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội) an táng nhưng rất nhiều người đã đứng chờ tại đây. Quanh khu vực nghĩa trang, an ninh thắt chặt, đường phố sạch sẽ chờ đón linh cữu Tổng Bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng.
Người dân xúc động, chờ đợi đón linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Thời tiết sáng nay tại Hà Nội có nắng, khu vực quanh nghĩa trang được lập hàng rào barie. Nhiều người dân đã đến đây chờ từ rất sớm. Mọi người còn chủ động mang theo nước, đồ ăn nhẹ để "giữ chỗ" với mong muốn được tận mắt tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đợi tiễn biệt Tổng Bí thư, bà Nguyễn Thị Chỉnh cùng 8 người khác quê Vĩnh Phúc lặn lội xuống Hà Nội từ 5h sáng ngày 25/7 và thuê trọ ở lại.
"Chúng tôi có mặt ở Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông từ 7h sáng hôm qua. Đợi đến tận 18h chiều mới được đăng ký vào viếng. Tuy chỉ chốc lát nhưng tôi và những người trong đoàn cảm thấy mãn nguyện", bà Chỉnh chia sẻ.
Bà Chỉnh cho biết thêm, ngay trong đêm qua, cả đoàn đã di chuyển về khu vực Đình Thôn (Mỹ Đình) thuê nhà nghỉ tạm, đợi sáng nay có mặt sớm ở Nghĩa trang Mai Dịch đợi tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối.
"Chúng tôi thao thức cả đêm qua không ngủ được, chỉ mong sáng nay đến sớm để có thể vào bên trong Nghĩa trang Mai Dịch, nơi an nghỉ của nhiều vị lãnh tụ Việt Nam cũng như của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, công tác an ninh đã được thắt chặt trước giờ diễn ra lễ an táng nên cả đoàn không vào được", bà Chỉnh nuối tiếc.
Với tình cảm thiêng liêng dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Đinh Thị Thân (Kim Sơn, Ninh Bình) một mình lặn lội bắt xe từ quê nhà lên Hà Nội sáng sớm hôm qua với mong muốn được vào viếng Tổng Bí thư.
"Tôi chỉ mang theo chứng minh thư nhân dân cũ nên không thể vào viếng bác được. Tôi lại bắt xe ra bến xe Giáp Bát rồi về nhà lấy căn cước công dân sau đó lại bắt xe ngược lên. May cho tôi vẫn kịp vào viếng bác lúc 23h đêm", bà Thân kể lại.
Chờ hơn 10 tiếng để được viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Có mặt trước cổng Nghĩa trang Mai Dịch từ rất sớm, Võ Trần Thị Kim Chi (24 tuổi) quê ở Nghệ An cho biết, cô cùng một người chị gái bắt xe từ Nghệ An ra đến Hà Nội cũng vào 5h sáng hôm qua. Hai người tới Lăng Bác xem Lễ thượng cờ sau đó quay về Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông để đợi viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
"Tôi rất thương bác, cả cuộc đời cống hiến cho dân tộc tới khi mất. Chính vì vậy, tôi đã quyết tâm phải ra Hà Nội tiễn đưa bác về nơi an nghỉ. Từ trước tới nay, tôi chưa một lần được nhìn thấy Tổng Bí thư ngoài đời, chỉ thấy bác thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, chúng tôi cảm nhận được tình cảm thiêng liêng mà Tổng Bí thư đã dành cho đất nước, cho nhân dân tới phút cuối đời", Kim Chi xúc động bật khóc.
Cũng như nhiều người dân khác có mặt từ rất sớm trước cổng Nghĩa trang Mai Dịch, chị Kim Chi dự định sẽ đứng trước cổng nghĩa trang đến hết giờ làm Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xong mới bắt xe về quê nhà Nghệ An.
Trong số dòng người chờ đợi, bà Đỗ Thị Nụ (57 tuổi, xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, Hà Nội) lặng lẽ cầm chiếc ô liên tục hướng ánh mắt vào phía cổng Nghĩa trang Mai Dịch.
Bà Nụ chia sẻ, hôm qua (25/7), gia đình và hàng xóm gồm hơn 10 người đã bắt xe buýt từ quê lên khu vực Nhà tang lễ Quốc gia chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sau nhiều giờ chờ đợi, đến 22h đêm cùng ngày, mọi người được vào tận nơi bày tỏ lòng thành kính trước anh linh Tổng Bí thư.
Ra về, cảm xúc của bà Nụ và mọi người trong đoàn đều trực trào, xúc động. Mọi người quyết định sẽ nán lại nội thành để chờ đợi đưa tiễn Tổng Bí thư lần cuối.
"Đêm qua, chúng tôi quyết định thuê nhà trọ ở gần khu vực Nghĩa trang Mai Dịch nơi bác yên nghỉ. Sáng nay, chúng tôi ra đây chờ từ 4h sáng để lấy chỗ ngồi vì sợ tới trưa sẽ đông không còn chỗ", bà Nụ nói rồi cho biết, mọi người trong đoàn còn mang theo nước, bánh mì để sẵn sàng ngồi chờ nhiều giờ.
Theo bà Nụ, cuộc đời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành hết tâm sức, trí tuệ vì nước, vì dân. Là một người con Việt Nam, bà cảm nhận thấy người đứng đầu Đảng, Nhà nước luôn gần gũi với nhân dân cho tới phút cuối cuộc đời.
"Theo dõi những hình ảnh những ngày cuối đời, dù sức khoẻ yếu, Tổng Bí thư vẫn miệt mài làm việc, tôi thực sự rất xúc động. Tổng Bí thư luôn đơn giản, mộc mạc. Tôi vẫn nhớ như in câu nói của Tổng Bí thư: 'Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ. Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất'. Cuộc đời bác vì dân vì nước nên tôi muốn đưa tiễn bác lần cuối", bà Nụ tâm sự.
Từng là giáo viên đã về hưu, bà Nụ luôn dăn dạy con cháu sống và học tập theo tấm gương đạo đức, tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những bậc tiền nhân vì dân, vì nước.
Dù đang bị gãy tay nhưng sáng nay, bà Vương Thị Dung (71 tuổi, phường Tân Giang, TP Cao Bằng) đã tới Nghĩa trang Mai Dịch chờ đưa tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối.
Hơn 10 ngày trước, bà Dung không may bị tai nạn gãy tay được đưa về Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức điều trị. Ngày 19/7, bà Dung được xuất viện về nhà điều trị. Tuy nhiên, khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất, bà đã quyết định nán lại Hà Nội, thuê nhà trọ chờ đưa tiễn ông lần cuối.
"Tôi bồi hồi xúc động vì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có công lao rất lớn trong việc xây dựng phát triển đất nước. Tổng Bí thư luôn sống rất mộc mạc. Hôm qua, tôi cũng theo dõi tang lễ trực tiếp trên tivi. Nhìn hình ảnh phu nhân Tổng Bí thư cùng con cháu vô cùng mộc mạc.
Phu nhân Tổng Bí thư cả đời đã hy sinh, luôn là hậu phương vững chãi để Tổng Bí thư lo công việc cho nước, cho dân. Không được gặp trực tiếp nhưng nay là ngày đưa Tổng Bí thư về nơi an nghỉ nên tôi mong được chờ đợi, nhìn đoàn xe đưa tiễn bác lần cuối", bà Dung bày tỏ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.