Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020: Hạn chế cào bằng nguồn vốn

Lê San Thứ sáu, ngày 04/12/2015 14:10 PM (GMT+7)
Đưa ra bộ tiêu chí để phân bổ nguồn vốn, hạn chế cào bằng trong phân bổ, tăng cường vai trò của cộng đồng trong thực hiện các công trình… là những đề xuất được đưa ra trong hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Chương trình 135 (CT135) các tỉnh phía Bắc, do Uỷ ban Dân tộc (UBDT) tổ chức ngày 3.12, tại Hà Nội.
Bình luận 0

Phân bổ vốn theo tiêu chí 

Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Sơn Phước Hoan, CT135 thực hiện trong năm 2014 và 2015 phân bổ vốn từ ngân sách T.Ư cho các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), xã an toàn khu, xã biên giới các thôn bản ĐBKK mang tính cào bằng, dẫn tới sự bất cập, không công bằng giữa các vùng miền có điều kiện, kinh tế xã hội khác nhau. Nguồn vốn từ T.Ư chưa thực sự tập trung vào nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn nhất. Để khắc phục những hạn chế này, trong giai đoạn 2016 – 2020, việc xây dựng tiêu chí phân bổ vốn là cần thiết.

img

 Trường Phổ thông dân tộc nội trú cụm xã Xín Mần, huyện Xín Mần (Hà Giang) được đầu tư nhờ CT 135.  Ảnh: L.S

“Trong điều kiện hiện nay, nguồn lực và mục tiêu đặt ra đối với các xã 135 là đạt được 30% số xã ra khỏi CT135 (năm 2030) nhằm không để giãn khoảng cách quá xa với các chương trình giảm nghèo khác. Mục tiêu giảm nghèo 4%/năm cũng là vấn đề khá nan giải. Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư đã có ý kiến đề nghị hạn chế trường hợp phân bổ bình quân, trong đó có CT135. Hiện nay các địa phương cũng đã rất năng động, chủ động xây dựng tiêu chí phân bổ vốn cho tỉnh, đưa ra tỷ lệ phân chia cho hợp lý, không phải chờ các tiêu chí của T.Ư. Việc đề ra các tiêu chí để phân bổ nguồn vốn có mức độ khác nhau nhưng sẽ không quá chêch lệch” – Thứ trưởng Sơn Phước Hoan chia sẻ.

Tăng cường vai trò cộng đồng

   Giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến có 7 tiêu chí để xác định việc phân bổ vốn là: Tiêu chí đối với các xã ĐBKK, xã biên giới, xã an toàn khu; tiêu chí về thôn ĐBKK; tiêu chí về dân số (số nhân khẩu); tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo, số hộ nghèo của tỉnh; tiêu chí về số xã thôn hoàn thành mục tiêu; tiêu chí về tỷ lệ giải ngân; tiêu chí về chấp hành chế độ báo cáo. 

Theo ông Võ Văn Bảy - Chánh Văn phòng Điều phối CT135 (UBDT), trong thời gian qua các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ một số dự án nhỏ trực tiếp cho cộng đồng. Tuy nguồn lực không lớn, nhưng kết quả thực hiện dự án đã thể hiện được vai trò của cộng đồng, vai trò của người dân tương đối tốt. Tuy nhiên đây mới chỉ là nội dung triển khai thí điểm ở một số dự án của tổ chức quốc tế, CT135 cũng đang hướng tới mục tiêu đó là: Từ đặc thù của CT135, nếu Chính phủ cho phép giao một khoản kinh phí trực tiếp cho cộng đồng thì sẽ tạo được sự chủ động trong việc triển khai theo nhu cầu thiết thực của người dân.

Anh Giàng A Thào – Bí thư Chi bộ thôn Pá Liềng, xã Phiêng Phằn, huyện Mai Sơn (Sơn La) phản ánh: “Là thôn ĐBKK nên Pá Liềng cũng được hưởng lợi nhiều từ CT135 như được hỗ trợ bò giống, làm nhà văn hoá thôn, làm cầu cống. Tuy nhiên, theo tôi nên để cho dân được tham gia nhiều hơn. Chẳng hạn như công trình đơn giản như cầu cống, người dân chúng tôi đều có thể tự làm được. Người dân làm cho mình sử dụng nên chất lượng còn tốt hơn nhiều. Để cho nhà thầu làm, họ chỉ làm xong, đến khi hết thời gian bảo trì, hỏng cũng chẳng có ai sửa. Dân làm dân sẽ có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng”. Tương tự, về công tác đào tạo năng lực cho cán bộ, anh Thào cho rằng nên đào tạo cho 1 người phụ trách về CT135, không tập trung vào trưởng thôn và bí thư chi bộ, vì cứ thay đổi liên tục dẫn đến người mới lại không biết làm. 

Ông Vi Đức Bình - Phó ban Dân tộc Lạng Sơn: Bỏ khống chế hỗ trợ sản xuất

Mục tiêu của CT 135 là giảm nghèo một cách nhanh và bền vững nhất. Theo tôi, trong giai đoạn mới nên bỏ khống chế hợp phần hỗ trợ sản xuất. Như địa phương tôi, nhiều năm trước đã hỗ trợ cho bà con giống cây lâm nghiệp và hiệu quả rất cao. Nhưng đến lúc thanh quyết toán lại gặp khó khăn vì hỗ trợ không đúng mục tiêu. Do vậy, tôi đề xuất hợp phần này nên để tuỳ thuộc vào các địa phương, theo nhu cầu hỗ trợ của người dân.

Ông Hoàng Đăng Khoa - Chủ tịch UBND huyện Bát Xát (Lào Cai): Cần lồng ghép các nguồn lực

Hiện nay chỉ còn 2 chương trình mục tiêu quốc gia là nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo. CT 135 có hợp phần hỗ trợ sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, chương trình xây dựng NTM và 30a cũng có hợp phần này. Để tránh lãng phí, có thể lồng ghép nguồn vốn CT 135 với các chương trình NTM, 30a để khi xã kết thúc CT 135 cũng có thể đạt xã NTM.

Ông Lữ Văn Đức - Chủ tịch UBND xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu (Nghệ An): Cho các xã làm chủ đầu tư

Theo tôi các hạng mục đầu tư nên mạnh dạn phân cấp cho cấp xã làm chủ đầu tư. Trước đây xã tôi cũng có nhiều dự án của các tổ chức nước ngoài và phân cấp cho xã làm chủ đầu tư. Theo đó cán bộ xã được tập huấn, nâng cao năng lực để thực hiện. Những dự án đó hiện nay đều phát huy hiệu quả cao và phù hợp với khung CT 135.

San Nguyễn (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem