Chương trình bình ổn thị trường tại TP.HCM: Một mình TP không thể tạo nên sức mạnh
Chương trình bình ổn thị trường tại TP.HCM: Chỉ riêng TP không thể tạo nên sức mạnh
Hồng Phúc
Thứ năm, ngày 29/12/2022 13:56 PM (GMT+7)
Chương trình bình ổn thị trường tại TP.HCM sau 20 năm đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là giá cả luôn ổn định. Tuy nhiên, chương trình vẫn cần tăng cường liên kết hơn nữa với các địa phương để tạo nên sức mạnh.
Bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công Thương, đưa ra nhiều giải pháp cho Chương trình bình ổn thị trường tại TP.HCM giai đoạn 10 năm tới tại Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện chương trình này giai đoạn 2002 - 2022, định hướng triển khai giai đoạn 2022 - 2032, diễn ra tại TP.HCM ngày 29/12.
Chương trình bình ổn thị trường tại TP.HCM: Cần chuỗi liên kết từ dọc đến ngang
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá Chương trình bình ổn thị trường tại TP.HCM đã góp phần ổn định giá cả hàng hoá nhờ triển khai hiệu quả, đồng bộ các nhóm giải pháp, đảm bảo cân đối cung cầu, xử lý, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng khan hàng, sốt giá như dịch cúm gia cầm năm 2003, sốt giá gạo năm 2008, sốt giá trứng gia cầm năm 2013, sốt giá đường năm 2014… Qua đó góp phần ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát, chỉ số CPI của Thành phố thường xuyên ở mức thấp hơn bình quân cả nước.
Về định hướng Chương trình bình ổn thị trường tại TP.HCM giai đoạn 10 năm tới, trong ngắn hạn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đề nghị TP.HCM tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường.
Đánh giá cao hệ thống phân phối của TP.HCM, dù vậy, theo bà, một số khu vực chưa đáp ứng yêu cầu mua sắm của người dân, đặc biệt tại các quận ven, huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu lưu trú công nhân. Sở Công Thương cần phối hợp với các sở, ngành, hiệp hội tổ chức phiên chợ hàng Việt, đưa hàng Việt về nông thôn, kết nối hàng hóa vào chợ truyền thống…
Các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong vận hành chuỗi cung ứng sản phẩm bình ổn thị trường, hỗ trợ lẫn nhau nhằm tạo mối liên kết chặt chẽ, phát huy khai thác thế mạnh và tiềm năng của từng doanh nghiệp.
Về dài hạn, Thứ trưởng đề nghị hình thành các chuỗi liên kết dọc (liên kết thành một chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của một hoặc một nhóm sản phẩm, hàng hóa) và liên kết ngang (giữa những doanh nghiệp cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh về một hoặc một nhóm hàng hóa) giữa các nhà sản xuất, nhà phân phối và nhà cung ứng dịch vụ hỗ trợ.
Đồng thời, TP.HCM cần khuyến khích phát triển đa dạng phương thức và hình thức tổ chức kinh doanh thương mại, tổ chức và vận hành hiệu quả các hệ thống cung ứng, phân phối các nhóm hàng hóa chủ yếu trên thị trường; tiếp tục phát triển các doanh nghiệp đầu đàn trong nước có khả năng dẫn dắt thị trường, tạo sức lan tỏa đối với các doanh nghiệp vệ tinh và hạn chế sự phụ thuộc, chi phối của các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia…
Cần sự hợp tác với các địa phương để bình ổn thị trường
Chủ tịch UBND TP.HCM - ông Phan Văn Mãi, đánh giá năm 2022, TP.HCM đã chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cuộc sống của người dân đã quay trở lại bình thường. Đây là kết quả nỗ lực của các ban ngành, sự nỗ lực sáng tạo của các doanh nghiệp bình ổn trước những khó khăn, biến động của thị trường.
Đánh giá chương trình đạt được nhiều thành quả quan trọng, trong đó có hình thành mạng lưới liên kết giữa TP.HCM với các tỉnh, thành trên cả nước, tạo vùng nguyên liệu ổn định từ sản xuất đến lưu thông hàng hóa, hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa bền vững, tuy nhiên, theo ông Mãi, vùng chuyên canh gắn kết với quá trình tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh, thành địa phương vẫn còn là điểm hạn chế.
Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu Sở Công Thương và các đơn vị của TP.HCM tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành địa phương trong quá trình liên kết phát triển, hình thành các vùng chuyên canh đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện về an toàn thực phẩm gắn với sản xuất, lưu thông hàng hóa.
Đồng thời, tham mưu các giải pháp hình thành cộng đồng liên kết bền vững trong xây dựng các tiêu chuẩn cho sản phẩm bình ổn.
“Tự mình thì không thể tạo nên sự phát triển mạnh mẽ, do đó, cần sự phối hợp với đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực khác. TP.HCM mong muốn hợp tác với các địa phương, không chỉ riêng chương trình bình ổn mà cả các chương trình khác để cùng phát triển”, ông Mãi bày tỏ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.