Chương trình Đồng hành và Chia sẻ: Thêm sức sống mới.

Trần Đình Thế Thứ sáu, ngày 29/05/2015 08:00 AM (GMT+7)
Công ty CP Phân bón Bình Điền và Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Cần Thơ vừa tổ chức đêm gala kỷ niệm 6 năm phát sóng trực tiếp chương trình Đồng hành và chia sẻ và sơ kết 1 năm tiết mục Từ ruộng vườn đến trường quay. 300 đại biều, là các nhà quản lý, nhà khoa học và bà con nông dân từ 13 tỉnh thành Nam Bộ về dự.
Bình luận 0

PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẳng định: “Phân bón là yếu tố số 1 của sản xuất nông nghiệp. Đồng hành và Chia sẻ là chương trình đặc biệt chuyên bàn về dinh dưỡng cây trồng, cung cấp, chuyển giao cho nông dân những kiến thức kỹ thuật về sử dụng phân bón thiết thực, kịp thời, ứng dụng ngay vào sản xuất theo thời vụ, thời kỳ sinh trưởng của cây trồng, nhất là với cây lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình luôn bám sát chủ trương của Bộ Nông nghiệp và PTNT về sản xuất theo GAP, cánh đồng mẫu lớn, về nâng cao chất lượng nông sản và sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường cho cả người sản xuất và người sử dụng”.

img

Hội thi “Từ ruộng vườn đến trường quay”

 “Lớp học khuyến nông bổ ích”

6 năm chương trình Đồng hành và Chia sẻ đã phát hình trực tiếp 157 kỳ, mặc dù với đội ngũ hùng hậu các nhà khoa học, quản lý tại các cơ quan, viện, trường nhưng vẫn bị quá tải, nhiều lúc các nhà khoa học phải làm việc cả ngày nghỉ chủ nhật, ngày lễ, tết để trả lời bà con nông dân cho kịp thời vụ.

Hai tuần 1 lần  phát hình vào lúc 20 giờ chủ nhật tuần giữa và cuối tháng, chương trình đã thật sự là nơi trông ngóng, chờ đợi của nhà nông, để nghe, để hỏi, để trao đi, đổi lại với các nhà KH nhằm bổ sung, tăng cường kiến thức kỹ thuật cho công việc đang làm hằng ngày của mình trên đồng ruộng. Có người không bỏ sót buổi phát hình nào. Có người vì công việc thì xem lại trên trang web của đài và Công ty Bình Điền. Bởi vậy, khi được hỏi, khán giả đều đồng tình trả lời nên duy trì chương trình này, “Đừng bỏ, uổng lắm, đây là lớp học khuyến nông rất bổ ích và thiết thực cho nông dân tụi tui”- ông Võ Văn Sen, ở thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng, giãi bày.

Làm cho chương trình luôn tươi mới, bổ ích và thiết thực là yêu cầu, trăn trở thường trực của ban tổ chức. Vào vụ Đông xuân 2013- 2014, mục mới “Từ ruộng vường đến trường quay”, được thí điểm tại xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Mô hình là 1 hộ nông dân, canh tác trên ½ ha đất trồng lúa, được đầu tư 100% chi phí đầu vào (giống, phân bón, thuốc BVTV). Cứ 2 tuần/lần chương trình đưa các nhà khoa học xuống, xem sổ nhật ký đồng ruộng, nghe nông dân nói, hỏi về sự phát triển của cây lúa trong mô hình, sau đó lội ruộng, trao đổi trực tiếp với nông dân, hướng dẫn nông dân chăm sóc cây lúa thời gian tiếp theo. Hình ảnh và thông tin chuyển giao kỹ thuật giữa nhà khoa học với nông dân, cũng như phản hồi của nông dân về công tác quản lý nhà nước… được phát hình ngay sau đó để nông dân toàn vùng cùng nắm bắt.

Nhịp cầu nhà khoa học – nhà nông

Thành công của mô hình ngay sau vụ thí điểm, với số lãi thu được trên 50% cho hộ nông dân, và hình ảnh sống động trên truyền hình có sức lan tỏa lớn… đã đưa ban tổ chức tới quyết định nhân rộng mô hình khắp 13 tỉnh thành Nam Bộ vào vụ Đông Xuân 2014 - 2015

PGS.TS Mai Thành Phụng, Nguyên trưởng cơ quan đại diện phía Nam Trung tâm Khuyến nông quốc gia, chuyên gia của chương trình, cho biết: “Lợi ích của chương trình là mang nhà KH tới tận bờ ruộng, để coi, để nghe nông dân, rồi tư vấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân; cũng đồng thời nhận lại những kiến thức thực tiễn sản xuất từ trao đổi, thậm chí tranh luận của nông dân”.

Điều này thể hiện rất rõ trong hội thi mô hình “Từ ruộng vườn đến trường quay” - hoạt động dịp kỷ niệm 6 năm phát sóng chương trình Đồng hành và Chia sẻ. Với yêu cầu kiểm tra lại kiến thức kỹ thuật của nông dân tham gia mô hình  sau 1 năm thực hiện. Nhiều bất ngờ đã xảy ra tại hội thi, như có người làm ruộng rất giỏi nhưng không biết chữ, có thí sinh đang thi hùng biện mà như đang phân công công việc làm ruộng cho các thành viên trong gia đình. Ban giám khảo ra câu hỏi khó, không cho đáp án chuẩn bị trước. Nhiều câu hỏi rất sát sườn với công việc của nông dân, như: Tại sao bón phân cho lúa phải nhìn trời, nhìn đất, nhìn cây? Con đường thất thoát đạm trong canh tác lúa, giải pháp hạn chế thất thoát đạm?... Phần trắc nghiệm nâng cao còn khó hơn, đòi hỏi thí sinh phải hiểu biết và quyết đoán nhanh.  Không bài bản lớp lang nhưng nhìn chung nông dân trả lời cơ bản được đề thi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem