Chương trình GDPT 2018: Giáo viên lúng túng khi dạy môn tích hợp

Mỹ Quỳnh Thứ năm, ngày 16/03/2023 16:49 PM (GMT+7)
Dù đã được tập huấn nhưng nhiều giáo viên tại Trường THCS Trần Quang Khải (quận 12, TP.HCM) vẫn lúng túng, khó khăn khi giảng dạy các môn tích hợp.
Bình luận 0

Ngày 16/3, Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại Trường THCS Trần Quang Khải (quận 12, TP.HCM).

5 năm không tuyển được giáo viên

Tại buổi làm việc này, ông Đinh Văn Trịnh, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quang Khải cho biết, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chương trình GDPT 2018: Được tập huấn, giáo viên vẫn lúng túng khi dạy môn tích hợp - Ảnh 1.

Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội tại Trường THCS Trần Quang Khải (quận 12, TP.HCM). Ảnh: MQ

Trong đó, khó khăn chung là hiện sĩ số học sinh quá đông, trường bị thiếu phòng học đa năng. Trường cũng không có phòng học nghệ thuật và một số phòng để giảng dạy bộ môn khoa học tự nhiên, tiếng Anh... Điều này đã có ảnh hưởng đến việc dạy và học theo chương trình mới.

Đối với việc mua sắm thiết bị dạy học, ông Trịnh cho biết, trường rất chú trọng và tổ chức đấu thầu. Hiện tại, khối 6 đã trang bị theo danh mục thiết bị tối thiểu và rà soát bổ sung, đề xuất. Khối lớp 7 sẽ tận dụng các thiết bị có sẵn và đề xuất thiết bị mới, nhưng đến nay chưa nhận được thiết bị. Do đó, để đảm bảo việc dạy và học, nhà trường phải sử dụng lại những thiết bị dạy học từ chương trình 2006.

Ông Trịnh nhận định, đây chỉ là giải pháp tình thế vì nếu lâu dài sẽ không đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chương trình GDPT 2018: Được tập huấn, giáo viên vẫn lúng túng khi dạy môn tích hợp - Ảnh 2.

Đoàn giám sát tham quan lớp học Tin học tại trường THCS Trần Quang Khải. Ảnh: MQ

Về vấn đề thiếu giáo viên, Trường THCS Trần Quang Khải đang thiếu cục bộ các môn công nghệ, thể dục, kỹ thuật nông nghiệp... Ông Trịnh cho biết, suốt 5 năm qua trường không tuyển được giáo viên bộ môn này, buộc phải phân công giáo viên môn sinh dạy choàng. Bên cạnh đó, nhà trường cũng khắc phục bằng nhiều giải pháp như mời giáo viên thỉnh giảng, yêu cầu giáo viên bộ môn tăng tiết (hưởng phụ cấp).

Giáo viên còn thiếu tự tin dù được tập huấn

Một khó khăn khác mà lãnh đạo Trường THCS Trần Quang Khải nhận định là việc giáo viên vẫn còn lúng túng, thiếu tự tin khi dạy chương trình mới ở các môn tích hợp. Mặc dù 100% giáo viên dạy môn lịch sử và địa lí, khoa học tự nhiên của trường đã được bồi dưỡng, có chứng chỉ nhưng vẫn mất nhiều thời gian để chuẩn bị, đầu tư cho môn học.

Để đảm bảo chất lượng giảng dạy, ngoài việc giáo viên phải tự học hỏi, trau dồi và nghiên cứu để hoàn thiện thêm kiến thức thì nhà trường cũng phải vào cuộc. Theo ông Trịnh, cứ một tháng các tổ sẽ tổ chức họp chuyên môn 2 lần để thảo luận, tìm ra phương pháp hay nhất cho môn học. Nếu chủ đề của tuần là môn vật lí, giáo viên môn này sẽ hỗ trợ các giáo viên môn hoá, sinh về kiến thức, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá và ngược lại...

Chương trình GDPT 2018: Được tập huấn, giáo viên vẫn lúng túng khi dạy môn tích hợp - Ảnh 3.

Hiện còn rất nhiều khó khăn khi triển khai chương trình GDPT 2018. Ảnh: MQ

Bên cạnh đó, mỗi tháng các tổ chuyên môn cũng tổ chức thao giảng, chuyên đề ưu tiên chương trình mới.

Tại buổi làm việc, cô Trương Thị Cẩm Nhung, giáo viên dạy môn khoa học tự nhiên Trường THCS Trần Quang Khải chia sẻ, bản thân cô gặp nhiều khó khăn khi bắt đầu chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sau đó, nhờ sự hỗ trợ từ các tổ chuyên môn; việc họp rút kinh nghiệm mỗi tháng 2 lần... đã giúp giáo viên dần thích nghi và hoàn thiện hơn trong công tác giảng dạy.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa nhận định, công cuộc đổi mới không bao giờ là dễ dàng và luôn có những lực cản không nhỏ. Đoàn công tác rất chia sẻ những thách thức đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường. Tuy nhiên, vì mục tiêu lớn, kỳ vọng cao, nhưng tiến độ thực hiện và triển khai chương trình là khá gấp rút nên buộc phải thực hiện các công việc cuốn chiếu trong 5 năm để sớm tiệm cận với sự hoàn thiện.

"Những mô hình điển hình, cách làm từ nhà trường, thầy cô giáo với nhau để nhân rộng hơn những giải pháp hữu hiệu trong việc thực hiện giảng dạy, triển khai chương trình GDPT mới là cách làm hiệu quả, có sức lan tỏa lớn", bà Hoa chia sẻ.

Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ đi khảo sát 8 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại TP.HCM, đoàn khảo sát tại Trường tiểu học Hà Huy Giáp, Trường THCS Trần Quang Khải (quận 12); Trường tiểu học Bình Phước, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Cần Giờ (huyện Cần Giờ); Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, Trường tiểu học, THCS và THPT Hermann Gmeiner (quận gò Vấp); Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5) và Trường Tiểu học - THCS - THPT Hoàng Gia (quận 7). Ngoài ra, đoàn còn làm việc với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường Trường Trung học Thực hành - Đại học Sư phạm TP.HCM và Trường Quốc tế TP.HCM (ISHCMC).

Thông qua các buổi khảo sát, đoàn giám sát sẽ nhìn nhận những khó khăn từ cơ sở giáo dục trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, SGK mới. Đặc biệt, qua công tác giám sát sẽ nhìn nhận những kinh nghiệm, cách làm sáng tạo của giáo viên để nhân rộng, hoàn thiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem