Chút duyên phai Kupang

Thứ ba, ngày 06/06/2017 09:00 AM (GMT+7)
Thị thành vẫn tấp nập chốn Kupang, miền đất cùng sẻ chia hòn đảo với quốc gia non trẻ nhất nhì thế giới Timor Leste. Nhưng vẫn nhận ra nét phai phôi ở những duyên xưa của phố đang khó nhọc giữ gìn.
Bình luận 0

Tôi ngang Kupang trên cung đường bộ và thuỷ đằng đẵng từ Bali, Indonesia hướng đến quốc gia non trẻ Đông Timor. Rồi chia tay Đông Timor quay về, lại chờ mấy ngày để leo lên con tàu KM Sirimau cho hải trình hai đêm hai ngày đến đảo Celebes nên mấy nhân viên nhà hàng Pantai Laut ven biển nhẵn mặt khách cứ vác máy ra ngồi một mình với Bintang, gõ, nghe, ngắm biển, gõ… Và tôi cũng quen lắm Kupang, phố biển hiền không khó lắm để thấy duyên xưa tàn phai.

img

Chiều tím rịm ở Kupang.

Một thủa huy hoàng

Nằm trên góc tây đảo Timor, sát với Đông Timor – đã tách ra thành quốc gia năm 2002, Kupang là thủ phủ của tỉnh East Nusa Tenggara rải miên man vắt qua 500 đảo lớn nhỏ. Đầu thế kỷ 15, thương cảng phồn thịnh Kupang đã rơi vào tay người Bồ Đào Nha trên hành trình về phương Đông tìm gia vị đắt đỏ như vàng hồi đó. Bị đại công ty Đông Ấn, Hà Lan giành mất năm 1613, chẳng bao lâu sau người Bồ quay lại. Rồi Pháp, Anh chen chân, trong khi Hà Lan quyết không rời miền thịnh vượng. Người Nhật cũng ghé đến trong Thế chiến 2. Hà Lan tiếp tục dằng dứ trong thời kỳ Cách mạng dân tộc Indonesia 1945 – 1949… mãi đến ngày toàn xứ Nam Dương được công nhận độc lập. Những năm trước thềm thiên niên kỷ mới, Kupang lại trở thành miền tiền đồn trước cuộc chiến giành độc lập của Đông Timor… Bao nhiêu lịch sử, chiến cuộc đổ xuống miền biển đảo này.

img

Chiếc xe bakso thần thánh của Kupang, cũng của cả toàn xứ Nam Dương.

Đảo Timor từ xưa nổi tiếng là “xứ sở đàn hương”, nên cửa ngõ Kupang cũng được biết từ rất lâu trong ghi chép, sổ sách thương nhân Ấn, Hoa… Thời những con chim sắt mới tung hoành, Kupang là điểm dừng cung cấp nhiên liệu bắt buộc cho những đường bay Âu – Úc.

Còn ai mê nghệ thuật thứ 7 không thể không biết đến xuất phẩm kinh điển Holywood từng làm mưa gió màn bạc với chàng tài tử có nụ cười kiêu bạc Clark Gable – Cuộc nổi dậy trên tàu Bounty, đích đến hải trình là Kupang đã đoạt Oscar Phim hay nhất năm 1935. Các phiên bản sau với siêu sao Marlon Brando (1962), Meb Gibson (1984)… tiếp tục nhắc nhớ thế giới về miền xa ngái mà giờ đây dường như rơi vào quên lãng, dù chẳng kém cạnh nhiều miền đẹp khác là mấy.

img

Góc thân quen ở nhà hàng Pantai Laut cưu mang tôi những ngày lóc cóc Kupang.

Duyên của tàn phai

Biển đảo cỏ cây Kupang vẫn ngồn ngộn sức sống nhiệt đới, thêm cái chợ đêm ẩm thực tấp nập, với nguyên hàng bắp nướng ven bãi bờ đông đúc người ngó sóng, ngắm hoàng hôn… càng nhộn nhịp. Nếu chỉ thoáng lướt Kupang, sẽ dễ chóng mặt với cái bến xe đông đúc, bến tàu thuỷ hơi chao chát, chợ chồm hổm lấn ra giữa đường… Nhưng ở hơi lâu, hay lê lết, tôi lại gặp những góc khác Kupang.

img

Những phiên chợ lề đường nhìn ra bến xe dù với dải phân cách làm bằng đá cục... sao quá thân thương.

Đến miền lạ, tôi thường ghé bảo tàng. Nhất là với Kupang ngổn ngang lịch sử, lại rất đa dạng các nhóm dân tộc ít người, mà hệ thống đẳng cấp của các vị tiểu vương, chúa đất vẫn tồn tại đến những năm 1950… càng khó bỏ qua. Rất bõ công, dù phải lặn lội ra bến xe hỏi tới hỏi lui, leo lên bemo chen chúc đứng, lội bộ cả quãng đón xe khi về… Còn rất thích là khác khi gặp nhiều nét quen như các món thủ công mây tre lá, rổ qué, ấm tích, nón lá, cày cuốc… y chang bà con miền cao mình nhưng giờ đồ nhựa hoe hoét đã thay nhiều. Rồi đến cái kẻng từ vỏ bom có khác gì trường cũ mấy năm vừa sau 1975 giờ đã vô vựa ve chai từ lâu lắm, càng gợi nhớ...

Nhưng cũng chính ở cái bảo tàng lang thang cả buổi trời chỉ thui thủi một thằng, ra bên ngoài thấy vôi lở tường long, nhìn góc kia thấy mái tróc tôn lủng, nhiều góc phòng giăng giăng tơ nhện… mới bùi ngùi. Có lẽ từ những binh lửa khói đạn không xa mấy ở thời Đông Timor ly tách nên khách du ít ghé chăng? Hay những Bali, Lombok, đảo rồng đất Komodo, biển lộng lẫy Togean, Tana Toraja… quá nổi tiếng cũng gần quanh quanh Kupang làm khách nhác ghé? Hỏi anh quản lý lữ điếm giang hồ Lavalon cũng chẳng biết, chỉ nói mấy năm nay ít khách hẳn.

Phố vắng vương chút nhạt phai có buồn tý nhưng nhiều khi có nét hay, nhất là khi cộng thêm những chân tình mộc mạc ở miền đất “những người hay cười” – hương danh khác của Kupang. Khi chia tay, nhớ Kupang nhiều thứ, nhưng nhớ nhất món bakso – hủ tíu bò viên, cứu đói mọi lúc, mọi nơi, mà ai gặp tôi lê la hàng rong cũng hãnh diện khoe “món bakso ngài Obama rất thích và hết lòng ca tụng khi về thăm đất cũ”. Ngày đó bún chả xứ Việt chưa lên đời nên không có chuyện để tám lại với bạn. Mà giờ lên hương rồi cũng chẳng dám khoe. Lý do thì chắc ai cũng biết!

Bài, ảnh: Thái Hoãn (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem