Chuyện bây giờ mới tiết lộ về nghệ nhân lưu giữ nghề chạm vàng bạc truyền thống giữa lòng Hà Nội

Mai Dung- Vân Anh Thứ ba, ngày 19/04/2022 06:28 AM (GMT+7)
Ở độ tuổi đáng lẽ nên nghỉ ngơi dưỡng sức, ở nhà chăm cháu chắt, ông Nguyễn Chí Thành (Hà Nội) vẫn miệt mài ngày đêm ngồi bên chiếc bàn cũ quen thuộc, tạo ra các sản phẩm bằng vàng bạc đẹp "không tì vết", làm nức lòng du khách.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Chí Thành sinh sống tại số nhà 83 phố Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội là một trong những nghệ nhân ít ỏi còn lại duy trì được nghề chạm vàng bạc truyền thống. 

Ông cũng là đời thứ 4 của gia đình, tiếp nối nghề truyền thống của cha ông các thế hệ đi trước.

Đam mê với nghề từ khi mới hơn chục tuổi

Ông Thành là người làng Đình Công, làng tổ nghề kim hoàn. Gia đình ông Thành tiếp nối nghề truyền thống "tỉ mỉ từng chi tiết" này từ đầu thế kỉ 20. Đến nay, ông Thành đã truyền dạy cho con trai của mình là đời thứ 5 tiếp nối ông "gìn giữ cơ ngơi của tổ tiên".

Chuyện bây giờ mới tiết lộ về người lưu giữ nghề chạm vàng bạc truyền thống giữa lòng Hà Nội - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Chí Thành sinh sống tại số nhà 83 phố Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội là một trong những nghệ nhân ít ỏi còn lại duy trì được nghề chạm vàng bạc truyền thống.

Dù ở độ tuổi 73, cái tuổi mà đáng lẽ nên nghỉ ngơi dưỡng sức, ở nhà chăm cháu chắt nhưng ông Thành vẫn miệt mài ngày đêm ngồi bên chiếc bàn cũ quen thuộc, tạo ra các sản phẩm bằng vàng bạc đẹp "không tì vết", làm nức lòng người dân, du khách. Nhiều người thán phục trước niềm yêu nghề, đam mê với nghề của ông Thành.

Từ khi mới hơn chục tuổi, ngoài những giờ học trên lớp, ông Thành dành thời gian học hỏi, tập tành đúc bạc giúp gia đình.

"Ban đầu cũng khá khó khăn bởi lúc đó tôi vẫn còn quá nhỏ, tay yếu, chưa khéo léo nên các sản phẩm làm ra vẫn phải qua tay bố mẹ tôi sửa lại vài lần. Thời gian thấm thoát trôi, tay nghề của tôi cũng ngày một đi lên, bây giờ để đúc một sản phẩm đối với tôi là một điều dễ dàng" ông Thành chia sẻ.

Chuyện bây giờ mới tiết lộ về người lưu giữ nghề chạm vàng bạc truyền thống giữa lòng Hà Nội - Ảnh 2.

Chiếc bàn cũ quen thuộc, nơi mà ông Thành làm tất cả các công đoạn để hoàn thành một sản phẩm hoàn mỹ đẹp mắt. Để hoàn thiện một chiếc vòng, nhẫn, hoa tai, ông Thành cần rất nhiều dụng cụ như dao mài, khuôn đựng, đồ đẽo bạc.

Khi cuộc sống người dân ngày càng phát triển, nhu cầu làm đẹp của mọi người càng tăng cao. Cũng vì vậy mà các nhà máy "mỹ nghệ công nghiệp" mọc lên san sát nhằm đáp ứng nhu cầu của mọi người. 

Điều này cũng đồng nghĩa với việc nghề thủ công mỹ nghệ của ông Thành dần bị mai một theo thời gian.

Tuy nhiên, ông Thành vẫn quyết tâm giữ bằng được nghề chạm vàng bạc truyền thống. Bởi ông quan niệm rằng, nghề truyền thống đòi hỏi sự tỉ mỉ và thường cho ra những sản phẩm vô cùng đẹp mắt. 

Đây cũng là điều mà ông Nguyễn Chí Thành đau đáu lâu nay: "Công nghệ phát triển quá sẽ mất đi những người thợ thủ công, đó quả là một điều đáng tiếc".

Người duy nhất ở phố Hàng Bạc duy trì nghề truyền thống

Khi được hỏi rằng phố Hàng Bạc bây giờ có còn nhiều người chạm, đúc bạc bằng tay hay không, ông Thành khẳng định: "Cả con phố này chỉ còn mỗi tôi theo cái nghề này, phố này bây giờ không còn thợ nào theo nghề truyền thống này cả. 

Mọi người quanh đây chủ yếu buôn bán những sản phẩm vàng bạc được đúc sẵn từ các nhà máy công nghiệp nên sản phẩm nào mẫu mã cũng khá giống nhau, không đa dạng".

Chuyện bây giờ mới tiết lộ về người lưu giữ nghề chạm vàng bạc truyền thống giữa lòng Hà Nội - Ảnh 3.

Sản phẩm "chiếc xe xích lô bằng bạc" của ông được một người khách đặt được ông hoàn thiện trong thời gian khá lâu. Chiếc xe này tuy nhỏ nhưng vẫn lăn được bánh như một đồ chơi bằng bạc.

Khách đến đặt ông Thành làm độ tuổi từ người trẻ đến già đều có. Mọi người đến đưa ảnh mẫu của sản phẩm cần ông làm thì ông làm giống theo ý họ. 

Trong lúc hoàn thiện sản phẩm, tâm lý của người thợ cũng một phần phụ thuộc xem sản phẩm có đẹp hay không. Bởi vậy những sản phẩm làm bằng tay luôn có những điểm đặc trưng mà những sản phẩm đúc sẵn không có được.

Để làm được một sản phẩm vàng bạc bằng tay, ông Thành phải trải qua các công đoạn cơ bản như: Chia bạc ra để làm ổ, làm hoa, họa tiết, sau đó cuối cùng mới làm phần thân và ghép các chi tiết. 

Cái khó và cái giỏi của người thợ là phải biết ước lượng nguyên liệu chế tác sao cho hợp lý, tính toán làm sao để nguyên liệu của sản phẩm làm ra phải chuẩn và đủ.

Chuyện bây giờ mới tiết lộ về người lưu giữ nghề chạm vàng bạc truyền thống giữa lòng Hà Nội - Ảnh 4.

Những sản phẩm vàng bạc được do chính tay ông Nguyễn Chí Thành làm nên vô cùng đẹp mắt và độc đáo.

"Tùy vào độ chi tiết của sản phẩm mà thời gian hoàn thành một sản phẩm cũng khác nhau, có cái 1 ngày đã xong những có cái phải đến vài tuần mới xong. Vì vậy giá của sản phẩm cũng khác nhau, dao động từ 100.000 đồng đến vài triệu đồng", ông Nguyễn Chí Thành bộc bạch.

Ông Thành cho biết thêm, để theo cái nghề "mỏi lưng, mỏi mắt" này yêu cầu người thợ phải có sự chăm chỉ, yêu nghề, thật thà và khéo tay.

Anh Nguyễn Văn Khoa (SN1984) là khách quen của quán ông Thành chia sẻ: "Để lựa chọn một chiếc vòng hay nhẫn ở những quán vàng bạc bán sẵn là một điều không khó khăn gì cả, nhưng tôi lại thích những sản phẩm được làm thủ công hơn bởi những món đồ này được ông Thành tùy chỉnh theo ý của tôi, khá độc đáo và thú vị".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem