Chuyện bên bờ hồ Hale

Nguyễn Văn Ất Thứ sáu, ngày 13/01/2023 09:12 AM (GMT+7)
Ở Hà Nội ai cũng nghe và biết hồ Thiền Quang. Thiền Quang có nghĩa là "đạo sáng", ánh sáng của "thiền". Thời Pháp thuộc hồ có tên là hồ Hale (Halais), tên con phố cạnh nó (là phố Nguyễn Du ngày nay).
Bình luận 0

Lần đầu tiên hồ Thiền Quang được in trên bản đồ Hà Nội vào năm 1831 dưới thời vua Minh Mạng. Khi đó hồ có tên là Liên Thủy. Theo những gì thể hiện trên bản đồ thời ấy thì hồ rộng hơn bây giờ nhiều: phía tây giáp phố Yết Kiêu ngày nay, phía đông ăn lấn vào vị trí phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, phía bắc tới phố Trần Quốc Toản và phía nam thì thông với hồ Bảy Mẫu.

Thời Pháp thuộc, hồ bị lấp dần để xây phố, tới năm 1930 thì hồ mới có hình dạng ổn định như ta thấy bây giờ.

Chuyện bên bờ hồ Hale - Ảnh 1.

Một góc hồ Thiền Quang. Ảnh Nguyễn Văn Ất.

Phía phố Trần Bình Trọng, tên thời Pháp là Đơ- looc- me (rue Delorme) có cụm ba ngôi chùa Thiền Quang, Quang Hoa và Pháp Hoa nằm cạnh nhau, ở số nhà 31-33.

Phố Nguyễn Du, thời Pháp thuộc gồm ba phố: đoạn đầu từ Phố Huế đến Quang Trung là phố Ri-ki-ê (rue Riquier), đoạn giữa dọc theo hồ là phố Ha-le, đoạn cuối từ Trần Bình Trọng đến Lê Duẩn là phố Đuy-phuốc (rue Defourcq). 

Phố Thiền Quang trước kia cũng là một phần của hồ, do Pháp lấp và lấn hồ năm 1920 -1925, đặt tên là phố Cơ-rê-vốt (rue Crévost).

Phố Trần Nhân Tông chạy dọc phía bờ nam của hồ, vắt qua công viên Thống Nhất và rạp xiếc Trung ương, vốn là phố Công sứ Mi-ri-ben (rue Résident Miribel) đổi tên sau 1945.

Phố Quang Trung bên bờ đông có tên thời Pháp là đại lộ Giô-rê-ghi-be-ri (boulevard Jauréguiberry). Phố Hồ Xuân Hương đâm từ đoạn cuối Quang Trung ra phố Bà Triệu, vốn cũng là phần của hồ được lấn ra năm 1920, với tên phố Gia-bui (rue Jabouille)

Phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, đoạn đầu gần phố Hồ Xuân Hương trước kia vốn là phần của hồ và bãi rác, sau 1930 được lấp và lấn, có tên cũ là phố Rơ-nê Đô-ren (rue René Daurelle)

Thôn Liên Thủy có một đoạn phố cụt mang tên Liên Trì (ao sen), là kết hợp phố Ba-rô-na (rue Barona) và ngõ Trạng Trình cũ.

Vào những thập niên 30 và 40, xung quanh hồ này nhiều vila, biệt thự được xây dựng theo "phong cách kiến trúc Đông Dương", tức là phong cách kết hợp giữa các mẫu nhà châu Âu có tính đến điều kiện thời tiết nhiệt đới xứ Đông Dương. Nhiều ngôi biệt thự xây dựng từ khi đó hiện vẫn còn, nhưng ít cái được tu sửa nên xuống cấp nhiều.

Những năm cuối thập niên 90, bờ hồ này (do lúc đó hệ thống đèn chiếu sáng còn yếu) là nơi tụ tập nhiều tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy.

Năm 2003, chính quyền Hà Nội đã thực hiện kế hoạch tát nước, nạo vét lòng hồ, kè lại bờ và đổ lại nước mới vào, giữ cho chất lượng môi trường tại đây được trong sạch. Ba phía vòng quanh hồ được xây các vườn hoa nhỏ, có khu đi vệ sinh, có ghế đá cho dân ngồi nghỉ ngắm cảnh.

Bên bờ hồ Thiền Quang sáng sáng, chiều chiều nhiều người ra đây đi bộ, tập thể dục, đánh cầu lông, chơi cờ tướng… Các tệ nạn xã hội quanh hồ cũng dần không còn.

Nhớ lại hồi thập niên 90, khi quanh hồ còn nhiều tệ nạn xã hội, chính bên bờ hồ này, vào một buổi sáng mùa đông, tôi chứng kiến một chuyện dở khóc dở cười.

Chuyện thế này: Đầu những năm 90, gia đình tôi chuyển về ngôi nhà mới mua ở phố Ngô Văn Sở. Nhà Ngô Văn Sở là nhà mặt phố, tuy nhỏ nhưng cũng có 3 tầng.

Mấy ngày đầu mới về, sáng sáng ngủ dậy nhìn sang bên kia đường cứ thấy có một ông tầm 60, có vẻ cán bộ về hưu, nhìn bề ngoài cũng bình thường, không có gì đặc biệt lắm, vai đeo túi vợt cầu lông, mặc bộ đồ thể thao có chữ Nga sau lưng "CПOPT". Chắc ông ta ở Liên Xô về.  

Chuyện bên bờ hồ Hale - Ảnh 3.

Bên gốc cây này đã xẩy ra vụ đánh ghen tôi vẫn nhớ mãi đến tận bây giờ. Ảnh Nguyễn Văn Ất.

Ông thập thò tiến lui sau bức tường đầu nhà ngã ba Ngô Văn Sở - Quang Trung (đối diện với toà nhà của Nhà Xuất bản Sự Thật), cứ như rình ai hoặc  xem có  ai rình mình  hay không"hành tung" có vẻ không được "đàng hoàng" lắm, tôi nghĩ thế! Rồi cả chục ngày vẫn vậy! Thôi, tôi chẳng quan tâm! Kệ người ta, miễn là người ta không rình nhà mình là được!

Thế rồi hôm ấy có trận gió mùa đông bắc rất mạnh tràn về, sáng dậy trời rét căm căm, được cái không mưa! Mọi khi ấm áp thì 6 giờ sáng tôi đã ra hồ Hale (Thiền Quang), chạy đôi vòng xung quanh hồ rồi về. Hôm ấy trời rét, dậy muộn lại không phải đi làm nên đến gần 7 giờ mới lững thững đi bộ ra hồ…

Mới ra gần đến ngã tư Nguyễn Du - Quang Trung thì đã nghe tiếng đàn bà chu chéo cãi nhau. Đến gần thì thấy 2 bà "sồn sồn" độ tuổi hồi xuân, trông còn khá "điệu đà" trong bộ đồ thể thao, người bộ màu hồng, người bộ màu xanh lơ, đang cầm vợt cầu lông xỉa xói vào mặt nhau.

Thậm chí, xỉa xói nhau bằng cả tiếng Nga: Mày là đồ… đồ… pra-sti-tut-ka!

A ha! Lâu lắm mới nghe thấy người nói tiếng Nga! Thế ra bà này chắc cũng ở Liên Xô về nên mới biết chửi bằng tiếng Nga chứ nhỉ! (Пpocтитyткa- con điếm).

Đại thể như vậy, chỉ thiếu "nước" xông vào "tả lớ" nhau mà thôi!

Trong khi đó có một ông đàn ông đứng gần đấy miệng chỉ lầm bầm "Khổ quá, đã bảo rồi mà cứ ầm ĩ lên! Rõ là đàn bà!" và bỗng nhiên ông ta cũng lại thốt ra câu tiếng Nga:  "Boт Дypa!"  (Đồ đàn bà ngu).

Tôi đến gần hơn và nhìn rõ. Ôi! Chu cha! Đó là cái ông hàng sáng vẫn thập thò bên kia đường trước cửa nhà tôi! Thảo nào! Toàn là "dân" ở Liên Xô về chứ "đùa" à! Đã rõ chuyện! Chân chạy nhưng đầu óc tôi vẫn lởn vởn chuyện ông nọ và hai bà kia…

Đúng khôi hài! Chẳng biết nên khóc hay cười! Nhớ mãi đến tận bây giờ!!!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem