Chuyện bếp núc, ăn uống gần với người phụ nữ. Bếp sạch sẽ sáng sủa dễ hình dung ra cơm nóng canh ngọt, dễ hình dung ra một gia đình hạnh phúc. Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp.
Những năm từ 1979 - 1992 nhà tôi ở trong một khu tập thể của Bộ Văn hóa. Khu này dành cho các hộ độc thân, chủ yếu là các nghệ sĩ, nhạc công dàn nhạc giao hưởng, diễn viên múa, họa sĩ của Bảo tàng Mỹ thuật... Tòa chung cư này 4 tầng, mỗi tầng 10 phòng, mỗi phòng 3 người ở, 3 ông độc thân ở chung một phòng. Phía cuối hành lang là khu nhà tắm và nhà vệ sinh chung. Không có bếp. Những kỹ sư xây dựng nghĩ ra tòa nhà kiểu này có thể họ cho rằng nghệ sĩ thì nên sống độc thân mà độc thân thì không cần bếp hoặc đơn giản hơn, họ nghĩ có gia đình thì mới cần có bếp. Ấy thế nhưng ai mà chả phải ăn uống.
Và cái hành lang dài buộc trở thành một cái bếp to, gồm 30 cái bếp nhỏ của 30 ông nghệ sĩ độc thân. Tôi mãi không quên được hình ảnh đó. Lạ nhưng buồn tủi quá. Giờ thổi cơm, cái bếp to bỗng trở nên chật chội, đông mà vẫn hiu quạnh. 30 nỗi quạnh hiu trong một cái hành lang tối và chật.
Ngày nào cũng như ngày nào, cứ độ 5-6 giờ chiều là 10 cánh cửa buồng từ từ mở ra, 30 người đàn ông, mỗi người bê ra hành lang một cái bếp dầu, 30 que diêm cùng đánh lên, 30 rá gạo cùng vo, 30 nồi cơm sôi, 30 bìa đậu rán, 30 đĩa rau luộc, 30 con dao, 30 quả ớt, 30 con tôm, 30 bát cơm, 30 đôi đũa… 30 cái quạt nan phe phẩy, 30 mùa thu, 30 cơn mưa, 30 cái giường, 30 giấc ngủ, 30 trằn trọc, 30 bình minh, 30 cái gương, 30 buổi chiều 30 Tết. Cái hành lang hẹp, dài hun hút, ủ ê trong ánh đèn vàng tù mù yếu ớt. 13 năm với mấy nghìn buổi chiều tôi nhìn cảnh những gia đình một người như vậy.
Trong bếp của nhà tôi hiện nay có một chi tiết decor mà mọi người hay thắc mắc nhưng tôi ngại giải thích. Ðó là cái đèn ở bàn ăn có chao bằng sắt tráng men, lắp bóng 25W. Thỉnh thoảng tôi vẫn bật cái đèn tỏa ra thứ ánh sáng đom đóm đực đó vào bữa cơm chiều để nhớ về 13 năm đã xa ấy.
Những người trẻ bây giờ đi mua nhà, hoặc không kiêng khem gì hoặc nếu có thì cũng chỉ để ý tới hướng phát tài phát lộc chứ không ai chịu để ý tới hướng bếp, hướng hạnh phúc cả. Hay là tiền bạc sẽ tạo ra hạnh phúc nhỉ?
Hạnh phúc nghe chừng có vẻ ngày càng khó khăn. Lý thuyết phong thủy để kiếm tìm hạnh phúc của cổ nhân có vẻ ngày càng không đúng. Tôi đã đi thăm nhiều gia đình, bếp rộng rãi, sáng sủa, sạch sẽ, thiết bị hiện đại nhưng vẫn thấy họ hình như không hạnh phúc.
Ngày nào cũng như ngày nào, cứ độ 5-6 giờ chiều là 10 cánh cửa buồng từ từ mở ra, 30 người đàn ông, mỗi người bê ra hành lang một cái bếp dầu, 30 que diêm cùng đánh lên, 30 rá gạo cùng vo, 30 nồi cơm sôi, 30 bìa đậu rán, 30 đĩa rau luộc, 30 con dao, 30 quả ớt, 30 con tôm, 30 bát cơm, 30 đôi đũa… 30 cái quạt nan phe phẩy, 30 mùa thu, 30 cơn mưa, 30 cái giường, 30 giấc ngủ, 30 trằn trọc, 30 bình minh, 30 cái gương, 30 buổi chiều 30 Tết
|
Vòng sống, vòng quan hệ của tôi có các hạng người, dân nghệ sĩ, trí thức, dân kinh doanh đủ cả. Thỉnh thoảng tôi muốn đến nhà bạn bè ăn bữa cơm, uống chén rượu buổi chiều, tào lao vài ba câu chuyện, miễn là gia đình đó phải tương đối lành lặn nhưng tìm mãi chả được. Sống khó quá, hạnh phúc bấp bênh và mong manh quá.
Mới đây tôi được nghe một câu chuyện về cái mùi gia đình của một người còn trẻ: “Tuần trước em đi làm về, đang dắt xe vào ngõ thì thấy thoảng qua mùi nấu nướng, mùi bếp núc, mùi cơm chiều từ nhà hàng xóm. Lúc đó, tự dưng em thấy thèm gia đình quá”.
Năm 1992, lần đầu tiên tôi mua được một căn nhà. Mẹ tôi chọn ngày nhập trạch, chọn được giờ Hoàng Ðạo theo đúng công thức cổ: Dần thân gia tý, mão dậu dần… mời thầy cúng đến. Mẹ tôi bảo có kiêng có lành. Lễ nhập trạch dài dòng nhưng tôi chỉ nhớ nhất nghi thức, mẹ tôi vào bếp đun một ấm nước sôi cho trào hẳn ra để lấy may. Trước khi ra về ông thầy cúng dặn: Bếp là vợ, là quan hệ vợ chồng, giữ bếp luôn sạch sẽ, luôn đỏ lửa (nấu nướng thường xuyên) thì gia đình hạnh phúc.
Chả biết đúng sai thế nào nhưng tôi cũng hay khuyên các bạn tôi cố gắng lau chùi dọn dẹp bếp núc sạch sẽ. Tưởng chả liên quan gì nhưng sao ta hay dùng cái câu “cơm không lành canh chẳng ngọt” để nói về những gia đình không hòa thuận. Thế mới thấy chuyện bếp cũng là chuyện nhà, chuyện người chứ đâu chỉ chuyện ăn chuyện uống. Phòng khách phòng ngủ làm gì có thần, chỉ bếp mới có thần bếp thôi. Ông Công, ông Táo chỉ ở bếp thôi.
Tháng 12.2015
Vui lòng nhập nội dung bình luận.