Bà cụ hơn 80 tuổi miệt mài với tà áo dài truyền thống giữa lòng phố cổ

Kim Duyên Thứ năm, ngày 26/01/2023 07:49 AM (GMT+7)
Trên phố Lương Văn Can, Hoàn Kiếm (Hà Nội), một bà cụ vẫn cần mẫn bên chiếc máy khâu cũ, tạo nên những tà áo dài truyền thống.
Bình luận 0

Bà Lê Thị Quyến tâm sự về nghề truyền thống. Thực hiện: Kim Duyên.


Chuyện cảm động về bà cụ hơn 80 tuổi miệt mài với tà dài truyền thống giữa lòng phố cổ - Ảnh 2.

Dù đã ngoài 80 tuổi, nhưng bà Quyến vấn gắn bó với chiếc máy khâu để tạo "hồn" áo dài truyền thống. Ảnh: Kim Duyên.

Tìm đến cửa hàng của bà tại số nhà 23, phố Lương Văn Can, thật bất ngờ với dáng dấp một bà cụ tóc bạc vẫn tỉ mỉ từng đường kim, mũi chỉ, nâng niu vẻ đẹp của tà áo dài truyền thống. 

"Máu nghề" truyền thống

Trải qua những thăng trầm của cuộc sống, cùng với thay đổi của phố thị và của nghề may áo dài, cái "máu nghề" trong người bà vẫn được gìn giữ vẹn nguyên, thậm chí mỗi lúc một tha thiết hơn. 

Khi nói về nghề may, kể về cách mà bà đã gắn đời mình với nghề này, mắt bà Quyến vẫn sáng lên và giọng nói tràn đầy nhiệt huyết.

Chuyện cảm động về bà cụ hơn 80 tuổi miệt mài với tà dài truyền thống giữa lòng phố cổ - Ảnh 3.

Bà Quyến luôn cập nhật những mẫu vải, mẫu áo dài hiện đại để phục vụ nhu cầu khách hàng. Ảnh: Kim Duyên.

Bà Quyến kể, bà là hậu duệ đời thứ 4 của một gia đình có nghề may áo dài truyền thống. Sinh thời, cha mẹ bà là những thợ phó có tiếng của làng may Trạch Xá, Ứng Hòa, Hà Tây (cũ). Bà Quyến lớn lên cùng tiếng máy khâu nên sớm tiếp thu được tinh hoa của nghề may mà nói như bà là "nó ngấm sâu vào máu từ lúc nào không hay".

Đầu những năm 50, bà bắt đầu được cha cho phụ việc. Những năm đó, tiệm may không có vải hay quần áo may sẵn như bây giờ. Mỗi khi muốn may quần áo, người ta hay mua vải từ các cửa hàng vải rồi gọi thợ đến tận nhà may đo. 

Chính vì vậy, từ năm 12 tuổi, bà đã theo cha đi khắp những phố phường để may đo cho nhiều gia đình.

Nhớ về những ngày đầu mới theo nghề, bà Quyến nói: "Cha tôi vốn là thợ may giỏi và là người rất nghiêm khắc, khi học ông đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe mà nếu không đạt được sẽ bị phạt rất nặng. Có lần chỉ ngồi sai tư thế khi đạp máy tôi cũng bị phạt. Nhưng nhờ thế mà tôi học được tính cẩn thận và tỉ mỉ trong quá trình làm nghề".

Nhờ nghề may áo dài, bà kết hôn với người bạn đời là ông Lê Thành Vinh, cũng là một thợ may áo dài có tiếng của làng Trạch Xá. Trải qua bao khó khăn, vợ chồng bà Quyến đã gây dựng nên một thương hiệu nhà may "đình đám" khắp phố Lương Văn Can và khắp cả Hà Nội.

Chuyện cảm động về bà cụ hơn 80 tuổi miệt mài với tà dài truyền thống giữa lòng phố cổ - Ảnh 4.

Nhiều năm qua bà vẫn luôn gắn bó với chiếc máy khâu cũ. Ảnh: Kim Duyên.

Khi được hỏi vì sao vẫn còn làm việc ở cái tuổi cao này, bà Quyến tâm sự, việc may áo dài từ thuở ấy đến giờ không đơn giản chỉ là để mưu sinh mà còn là tình yêu và niềm đam mê đặc biệt với áo dài. 

Áo dài từ lâu đã trở thành một biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam nói chung và nét đẹp của thiếu nữ Hà thành nên với bà, việc cắt may để tạo ra những chiếc áo dài là niềm hạnh phúc.

Bí quyết riêng của "bà thợ già"

Tiệm may Vinh Trạch (Lương Văn Can, Hoàn Kiếm, Hà Nội) của vợ chồng bà Lê Thị Quyến là một trong những tiệm may áo dài đầu tiên được mở ra đầu những năm 1990 của thế kỷ trước.

Hơn 30 năm nay, mặc cho rất nhiều cửa hàng may áo dài hiện đại đã mọc lên trên khắp các con phố trung tâm của Hà Nội, tiệm may nhỏ, giản dị của bà Quyến vẫn đều đặn mở cửa từ 8h sáng đến tối muộn để đón khách.

Chuyện cảm động về bà cụ hơn 80 tuổi miệt mài với tà dài truyền thống giữa lòng phố cổ - Ảnh 5.

Cửa hàng nhỏ của bà Quyến tại số 23, phố Lương Văn Can, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Kim Duyên.

Khách hàng của bà Quyến rất phong phú, từ những khách hàng là người Việt Nam cho đến các khách hàng người nước ngoài đến du lịch, hay sinh sống và làm việc tại Việt Nam, hay thậm chí là những khách hàng được cho là "khó tính nhất" Hà Nội. 

Đặc biệt, bà Quyến còn nhận không ít đơn đặt hàng may áo dài gửi đi các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp.... Đây là điều mà không nhiều tiệm may áo dài có được.

"Có Việt kiều lần nào về Việt Nam cũng đến cửa hàng của bà để đo may một bộ áo dài. Thậm chí có người còn điện về nhờ bà may để tặng người thân tại Việt Nam", bà Quyến tự hào kể.

Bí quyết mà nhiều khách hàng quay trở lại tiệm may của bà Quyến chia sẻ đó là: "Từng đường kim mũi chỉ được may đúng với số đo của từng người. Đặc biệt, nhiều chi tiết phải khâu bằng tay". Theo bà Lê Thị Quyến, việc khâu áo dài bằng tay khiến cho chiếc áo dài "có hồn". Đó cũng là kỹ thuật và bí quyết nghề đặc biệt của làng nghề Trạch Xá, quê hương gốc của bà.

Căn nhà chưa đầy 100m2, vừa là nơi sinh hoạt cũng là nơi bà Quyến làm và bày bán những sản phẩm của mình, nhưng khách hàng vẫn "mãn nhãn" với các mẫu áo dài may đúng chuẩn truyền thống cho đến các mẫu hiện đại. Để tiệm may có thể tồn tại và đi qua hai thế kỷ, bà Quyến không ngừng học hỏi mỗi ngày để nắm bắt được xu hướng của xã hội và tâm lý khách hàng.

Chuyện cảm động về bà cụ hơn 80 tuổi miệt mài với tà dài truyền thống giữa lòng phố cổ - Ảnh 6.

Bà Quyến tỉ mỉ khâu tà áo dài. Ảnh: Kim Duyên.

Là người làm nghề nhiều năm, chứng kiến sự thay đổi kiểu cách mẫu mã của áo dài Việt Nam, bà Quyến vì thế cũng có thể may được từ những chiếc áo liền vai, cao cổ, dài vạt thời xưa đến những chiếc áo dài cách tân thời nay. Kiểu cách là vậy, nhưng khách hàng vẫn quay lại tiệm của bà phần lớn có nhu cầu về chiếc áo dài đúng chuẩn truyền thống.

Được bạn bè giới thiệu chị Nguyễn Thị Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) đã nhiều lần đặt áo dài tại cửa hàng của bà Quyến. "Lần nào đến may, bà cũng cẩn thận lấy lại số đo. Mình mặc áo truyền thống do bà may ai cũng khen đơn giản mà rất đẹp", chị Hà chia sẻ.

Mặc dù hiện nay, nghề may nói chung và nghề may áo dài nói riêng đã có rất nhiều máy móc để thay thế các công đoạn, nhưng bà Quyến vẫn cố gắng giữ các kỹ thuật truyền thống mang thương hiệu, tạo nên riêng của áo dài làng Trạch Xá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem