“Hết cơ hội rồi hả bố?”
Năm lên 11 tuổi, Lâm Ti Phông tham gia tuyển sinh của Học viện HAGL Arsenal JMG tại Quảng Ngãi. Trải qua các vòng thi, cậu bé này được lựa vào Top 6. Ngồi trên khán đài, bố của Phông, ông Lâm Quang Dũng sung sướng nói đùa với người bạn bên cạnh: “Tôi vui quá, chiều nay phải về nhậu ăn mừng thôi”.
Lâm Ti Phông (trái) miệt mài tập luyện trên tuyển U23 Việt Nam.
Tuy nhiên, cuộc tuyển sinh vẫn còn tiếp diễn và chỉ chọn một cầu thủ nên Lâm Ti Phông bị loại. Ngồi sau lưng để người bố đèo về nhà, cậu bé 11 tuổi rưng rưng nước mắt hỏi cha: “Con hết cơ hội rồi hả bố?”. Nghe câu hỏi của con trai, ông Dũng biết Phông buồn lắm nhưng không thể mở lời an ủi con. Chính ông cũng rầu hết cả ruột gan vì giấc mơ chơi bóng của con trai phải dừng ngay trước cửa, dù chiến thắng nhìn thấy.
Day dứt không biết trả lời con trai như thế nào, bất chợt nhìn thấy nhà thi đấu Diên Hồng và ông Dũng chở con vào trong như là “Trời xui, đất khiến”. Nhìn thấy dòng tuyển sinh cầu thủ nhí mùa Hè, ông Dũng lột nhanh tờ giấy và bước vào trong xin cho Phông được tham gia. Sau vài phút ngắn ngủi trao đổi với người phụ trách, Lâm Ti Phông chính thức được nhận khi vừa “tạch” ở cuộc tuyển sinh của HAGL Arsenal JMG.
Lâm Ti Phông là cầu thủ xuất sắc nhất trong lứa đào tạo sinh năm 1996 của Sanna Khánh Hòa BVN. Tại U21 quốc tế, tiền vệ trẻ này đã thể hiện phong độ chói sáng. Đó là nguyên nhân khiến HLV Miura gọi Lâm Ti Phông lên thay cho Huy Toàn, tiền vệ SHB.Đà Nẵng đã dính chấn thương lưng.
|
Như sự sắp đặt của định mệnh, câu chuyện ngày ấy là bước ngoặt đầu đời để đưa Lâm Ti Phông đến với bóng đá. Theo tâm sự của ông Dũng, bây giờ ông vẫn còn rưng rưng nước mắt khi nhớ lại câu hỏi của con trai. Đó cũng là lý do ông vào Diên Hồng xin cho con được tham gia lớp năng khiếu như cách xoa dịu đi nỗi buồn thất bại của cậu con trai.
Đôi giày của bố, ý chí của con
Trong hành trình lăn theo trái bóng với giấc mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, Lâm Ti Phông có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Thế nhưng món quà đặc biệt của người bố luôn khiến cho Phông khắc sâu trong lòng.
“Tôi có rất nhiều kỷ niệm nhưng không bao giờ quên đôi giày Thượng Đình mà bố tặng cho tôi vào năm 11 tuổi. Ngày ấy, tôi mừng muốn phát khóc vì có đôi giày mới”. Tâm sự về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời của Lâm Ti Phông, ông Dũng nghẹn ngào nói: “Lúc đó, tôi nhìn thấy đôi giày của con đã cũ và rách nên quyết định mua tặng cho con một đôi mới. Gia đình tôi khó khăn nên không có nhiều tiền để mua giày đắt cho con. Tôi phải dành dụm và tằn tiện lắm mới mua được đôi giày bata Thượng Đình, với giá 50.000 đồng”.
Chính món quà của bố cùng khát khao trở thành cầu thủ chuyên nghiệp đã giúp cho Lâm Ti Phông có một ý chí sắt đá trong tập luyện. Khi đội Thành Nghĩa Quảng Ngãi giải thể thì các tuyến trẻ gần như bị bỏ không. Lúc đó, cậu bé này vẫn kiên trì đến ngạc nhiên, sáng đi học và chiều đạp xe hơn cả chục cây số từ xã Tịnh Sơn đến thành phố để tập luyện. Cứ thế, ngày nào thì Phông cũng tập đến mịt tối mới đạp xe về nhà.
Do quá mê tiền đạo Natipong của Thái Lan, “sát thủ” đối với ĐT Việt Nam, ông Lâm Quang Dũng đã quyết định đặt tên cho cậu con trai cái tên Lâm Ti Phông.
|
Cuộc sống cứ thế tiếp diễn cho đến Lâm Ti Phông lên 15 tuổi. Lúc đó, ông Dũng đi ra tận Khánh Hòa xem xét mọi thứ để quyết định cho con trai ra tập luyện, với một lời giới thiệu từ người thầy cũ của Phông. Dẫu vậy, trong một thời gian dài thì họ phải đấu tranh tư tưởng dữ dội, khi Phông là đứa con duy nhất còn vợ chồng ông Dũng phải thầm nuốt nước mắt vào trong, với những đêm lo lắng cho đứa con trai nơi đất khách quê người.
Thấu hiểu phần nào nỗi lòng của bố mẹ, Phông nỗ lực tập luyện với sự quyết tâm phải cố để thành công. Cuối cùng, cậu bé người Quãng Ngãi đã thực hiện được giấc mơ chơi bóng chuyên nghiệp, khi tiền vệ trẻ này được đôn lên đội 1 Sanna Khánh Hòa BVN vào năm ngoái. Hơn hết, Lâm Ti Phông vừa được HLV Miura gọi lên U23 Việt Nam để chuẩn bị cho VCK U23 châu Á.
“Tôi nghe con được gọi lên U23 Việt Nam thì sướng lắm. Tuy nhiên, tôi muốn con cần phải cố gắng phấn đấu hơn nữa. Chăm chỉ tập luyện, học hỏi các anh lớn và sống sao cho thầy yêu bạn mến, đó mới là điều tôi mong mỏi nhất”, ông Dũng tâm sự.
Văn Nhân (Thể thao 24h)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.