Một nhà văn viết tiểu thuyết với một ngôi sao nhạc rock – phép so sánh có thể rất khập khiễng nếu áp dụng chung cho các tác giả. Nhưng Neil Gaiman thì khác. Không chỉ gợi liên tưởng từ màu xám đen của quần áo, bộ tóc bù xù bên ngoài, tính triết lí và quan điểm sống trong các tác phẩm của Neil Gaiman cũng đậm chất rock. Thậm chí, anh đã trở thành hình mẫu được đưa vào những bài nhạc rock của các bạn anh.
Các fan của anh cũng không chỉ hâm mộ anh ở mức độ một tác giả viết truyện, họ thần tượng anh như một ngôi sao: xếp hàng hàng giờ để được nhận một chữ kí, nuốt từng lời anh nói ra, thậm chí nhiều người đã ngất xỉu khi được nhìn thấy anh bằng xương bằng thịt.
Sự hấp dẫn của anh một phần toát ra từ vẻ ngoài trầm mặc, giọng nói nhẹ nhàng sâu lắng, nhưng phần lớn là từ lối nói chuyện thông minh và cách hành văn xuất sắc – hai điều đã trở thành thương hiệu của Neil Gaiman.
Nhà văn của sự “trốn chạy” sang thế giới khác
Neil Gaiman
Nhắc đến Gaiman, Stephen King đã gọi ông là một “kho báu của chuyện kể”, nói thêm rằng “Chúng ta thật may mắn có anh ta, ở bất kì mức độ nào”. Gọi Neil Gaiman là một kho báu có lẽ không quá.
Ông có một trí tưởng tượng tuyệt vời, có thể kể những câu chuyện về những chuyến phiêu lưu kì thú nhất, những con người có số phận kì lạ nhất. Và một điều quan trọng hơn, ông có thể nghĩ ra vô vàn thế giới khác, những thế giới bí mật, được giấu kín khỏi con mắt những người thường luôn hối hả chạy theo công việc. Chỉ khi nhân vật chính – những con người bình dị nhất nhưng ẩn chứa trí thông minh và lòng quả cảm - rơi vào cuộc phiêu lưu, họ mới tìm ra được những thế giới kì lạ đó.
Còn sữa là còn Hi vọng – tập truyện mới được xuất bản của Neil Gaiman tại Việt Nam
Khó có thể nói đâu là tập truyện thành công nhất, hay nhất, hay nổi tiếng nhất của Neil Gaiman. Từ Coraline, Stardust,The Sandman hay Câu chuyện nghĩa địa, Còn sữa là còn hi vong, đến cả kịch bản phim như Doctor Who, Beowulf…
Như Coraline, một trong những truyện nổi tiếng nhất, viết về một cô bé luôn khao khát sự quan tâm của bố mẹ, đã khám phá ra một lối thông với một thế giới khác, có mọi thứ trong thế giới thật nhưng tươi đẹp hơn, sặc sỡ hơn, kì diệu hơn.
Cô có bố và mẹ “khác”, tuy họ chăm chút cho cô hơn, họ lại có khuy áo thay cho mắt. Cho đến khi bà mẹ “khác” muốn cô ở lại mãi mãi và khâu khuy vào mắt, Coraline nhận ra mình đang đối mặt với một con quỷ nguy hiểm, và phải dấn thân vào thử thách cuối cùng để cứu cả gia đình mình.
Coraline đã được dựng thành phim hoạt hình và được đề cử Oscar 2009, với kịch bản do chính Gaiman chuyển thể.
Coraline năm 2009
Một tác phẩm bestseller khác của Neil Gaiman mang tên Neverwhere (1998) – tạm dịch Nơi không bao giờ, được viết cho truyện tranh. Câu chuyện lấy bối cảnh đêm tối kể vể một người đàn ông bình dị của London, đã giúp đỡ một cô bé bị thương ông gặp bên đường.
Và đột nhiên, ông nhận ra mình đang tiến vào một London khác, đầy gangster và những nhân vật trong huyền thoại, ẩn sâu bên dưới London thực tại.
Càng dấn sâu vào cuộc phiêu lưu, ông càng mất đi kí ức về thế giới thực. Thêm một nhân vật bình dị nữa, một nhân vật cô độc, lạc lõng trong cuộc đời, trở thành người anh hùng thầm lặng và thay đổi cuộc đời mình, chỉ nhờ vào lòng dũng cảm, trí thông minh của bản thân, cộng thêm chút may mắn.
Nơi không bao giờ cũng đươc đưa lên màn ảnh, là một series ăn khách của đài BBC, và đang được chuyển thể thành phim.
Có thể thấy, Neil Gaiman có một công thức cho những tác phẩm thành công nhất của mình.
Một cuộc chạy trốn khỏi thực tại trở thành một chuyến phiêu lưu. Một thế giới khác, phản ánh lại thực tại, nhưng đồng thời cũng chứa đầy điều diệu kì.
Có lẽ đó chính là điều làm những câu chuyện của ông nổi tiếng với cả người lớn và trẻ em. Vì mỗi một người trong chúng ta, vào bất cứ thời điểm nào của cuộc đời, đều cảm thấy muốn trốn chạy đến một thế giới khác.
Những nhân vật của ông đều như thế, muốn rời bỏ hay thay đổi cuộc sống mà họ đang có. Cộng thêm sự lột tả nhân vật của Neil Gaiman luôn không có gì cao xa, không có những phẩm chất phi thường, mà ngược lại nhiều khi còn chịu những thiếu thốn, các độc giả của Neil Gaiman lập tức có một sợi dây đồng cảm với nhân vật.
Để rồi đến lúc nhân vật bước chân qua cánh cửa ngăn cách các thế giới, người đọc cũng đã bị cuốn vào thế giới khác lúc nào không hay.
“Vấn đề là, tôi không thấy trốn chạy có gì là xấu”, ông chia sẻ. “Một ai đó gặp phải những chuyện rất khó khăn trong cuộc sống, không giải quyết được, họ có cơ hội mở một cánh cửa không khóa đưa họ đến một nơi khác, nơi họ có thể vượt qua trở ngại bằng thực lực của mình.
Và không chỉ vượt qua, họ học hỏi được nhiều điều, họ tự trang bị được kiến thức, áo giáp và vũ khí, để quay trở lại nhà tù của họ ở thực tại, và tự thoát ra, sống cuộc sống tốt đẹp hơn. Như vậy đâu có xấu.”
The Sandman – nhân vật được vẽ dựa trên hình ảnh của Neil Gaiman
Những tác phẩm của Neil Gaiman không chỉ phản ánh lại chính những quan điểm sống của ông. Trong nhiều tác phẩm, ông thừa nhận khi sáng tác, ông đã đưa chính mình vào làm hình mẫu cho nhân vật.
The Sandman – bộ truyện kể về vị thần của thế giới giấc mơ, có ngoại hình y hệt Gaiman: vóc dáng cao, bộ quần áo đen trùm kín người tương phản với làn da trắng bệch, mái tóc bù xù và đôi mắt đen lấp lánh.
Ngược lại với vẻ ngoài đó, nhân vật Ông Hoàng Của Giấc Mơ là một nhân vật đáng kính, ngày càng được độc giả mọi lứa tuổi kính trọng và mến mộ. Bộ truyện ẩn chứa nhiều triết lí sâu sắc, về suy nghĩ và cách hành động của con người, về niềm tin và động cơ bên trong, cũng như tình yêu – thứ tình cảm đẹp đẽ nhất, cao thượng nhất tồn tại trong mọi sinh vật sống – dù đó là thiên thần hay ác quỷ, là người trần mắt thịt hay những thể tồn tại sống trường tồn nào khác.
Đến muôn vàn những giải thưởng trên tất cả các thể loại
Sinh năm 1960 ở Portchester, Anh quốc, từ sớm, ông đã nhận ra tình yêu của mình với truyện kì ảo. Tuổi thơ ông đắm trong các tác phẩm Narnia, Alice ở xứ sở thần kì… và ông sớm quyết định gắn bó với nghiệp viết lách. Tuy vậy, công việc đầu tiên của ông lại là nhà báo tự do, vì không thể bán được sách.
Gaiman kể: “Tôi đã không chịu tin rằng mình không có tài năng gì. Tôi đã nghĩ đấy là do mình không biết đúng người, cũng như cái cách để làm việc. Tôi quyết định tôi phải biết cách mọi thứ hoạt động ra sao và ngành xuất bản nó như thế nào. Và thế là tôi bắt đầu nghĩ ra ý tưởng viết bài, gọi điện cho các biên tập viên xem họ có muốn đăng những chủ đề đó. Và rồi tôi ra ngoài và tôi viết.”
Các tác phẩm của ông bắt đầu xuất hiện trên tờ Time Out, The Sunday Times… Sau một thời gian viết báo, Neil Gaiman đặt bút hợp tác với DC Comic viết bộ truyện tranh đầu tiên.
Series The Sandman (Thần Cát) ra đời và ngay lập tức đạt được thành công cả trên mặt phê bình và doanh số bán hàng. Trong một năm, The Sandman đạt hầu hết toàn bộ các giải thưởng văn học lớn của dòng văn kì ảo, trong đó có cả Giải thưởng Văn học Kì ảo Thế giới năm 1991.
Sandman đã trở thành tác phẩm có doanh thu hàng đầu vượt hơn cả bộ truyện Superman và Batman của DC Comics. Sau khi được đăng hàng kì trên tạp chí truyện tranh, The Sandman được tập hợp thành bộ với trên 750 ngàn ấn bản đã được bán hết.
Neil Gaiman trong chiến dịch quảng bá cho Còn sữa là còn Hi vọng
Thành công của Neil Gaiman không chỉ dừng lại ở đó. Lần lượt những giải thưởng quan trong nhất của văn học kì ảo, bao gồm Hugo, Nebula, Bram Stoker đều lần lượt ghi danh ông, trong đó phải kể đến Huân chương Newbery và Huân chương Carniege, đều được trao tặng cho tác phẩm Câu chuyện Nghĩa địa. Kịch bản tập phim Doctor Who do ông viết, Người vợ của Doctor, đạt giải thưởng Hugo dành cho Tác phẩm Chính kịch Ngắn Xuất sắc nhất năm 2012.
Neil Gaiman còn là một tác giả nổi tiếng vì cách cư xử rất thân thiện, luôn hồi đáp các fan của mình – một điều càng khiến các độc giả của ông coi ông như một thần tượng. Gaiman luôn luôn cập nhật Twitter, blog về các chuyện đi, và luôn thể hiện công khai tình yêu với vợ mình – ca sĩ nhạc rock Amanda Palmer.
“Vì, bất kể tôi ở đâu, mọi chuyện vẫn như thế; cho dù tôi ở Nga, Philippines hay Brazil, Mỹ, các fan luôn ở đó. Họ là những người đã đọc và rất cảm động vì những thứ tôi viết, nó đã chạm đến họ, thay đổi điều gì đó trong cuộc sống của họ, hoặc nó đã giúp họ mở cánh cửa nhìn thế giới theo một cách khác. Và đối với họ điều đó rất quan trọng.”
Neil Gaiman
“Nhưng thật sự, mọi thứ hay hơn rất, rất nhiều khi tôi còn chưa nổi tiếng, hoàn toàn không ai biết đến, và rồi mọi người sẽ chỉ nói, ‘Ồ trời ơi, anh chàng này viết hay đấy” – ông chia sẻ.
Dường như ẩn sâu bên dưới, Neil Gaiman lại đang hồi tưởng lại những ngày ông còn phải cố gắng nhiều hơn để được làm điều mình yêu thích. Vì giờ đây, trên đỉnh cao của sự nghiệp, ông đã sáng tạo ra những huyền thoại, và tự đưa mình trở thành một tượng đài trong làng văn học kì ảo thế giới.
Tổng hợp từ bài phỏng vấn Neil Gaiman của Laurie Penny trên News Stateman và Claire E.White trên The Internet Writing Journal
Vui lòng nhập nội dung bình luận.