Chuyện chưa biết về gia đình 3 đời bám biển

Thứ sáu, ngày 07/09/2012 13:49 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Một gia đình 3 đời bám biển bằng nghề hậu cần. Họ đã tiếp nối nhau làm chỗ dựa vững chãi cho ngư dân trên biển.
Bình luận 0

Truyền lửa cho con

Năm nay đã gần 90 tuổi nhưng cụ Lê Điệp (phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) trông vẫn rắn rỏi, phương phi quắc thước. Cả cuộc đời cụ gắn liền với nghề kinh doanh trên biển. Ngày ngày, cụ Điệp chèo cái thúng nhỏ ra biển bán vài gói thuốc, ít rau xanh... cho tàu cá gần bờ. Bất kể nắng mưa, cứ còn tàu đi biển là cụ còn ra biển. Cụ là gạch nối giữa đất liền và biển cả.

img
Một chuyến thu mua hải sản trên vùng biển Hoàng Sa của tàu anh Lê Văn Sang.

Vượt qua bao sóng gió, đến năm 60 tuổi, cụ Điệp truyền lại nghề hậu cần này con trai Lê Mến. Không mong muốn gì nhiều, cụ chỉ dặn dò con trai: “Biển là cả cuộc đời của ba, con ráng giữ nghề. Con làm sao cho bà con đánh cá trên biển luôn thấy cần con, được điều đó là ba mừng rồi”.

Tài sản người cha để lại cho ông Mến là một chiếc tàu 20CV. Nhớ lời dặn của ba, ông đã gây dựng được lòng tin với tất cả tàu thuyền trên biển mà ông đã làm ăn. Ông đã tích lũy vốn liếng và đóng mới chiếc tàu công suất gấp mười mấy lần của ba mình ngày trước - 350CV. Ông không chỉ bán lương thực, thực phẩm mà còn cung cấp dầu, đá cho ngư dân, và mua luôn hải sản cho bà con.

“Bà con ngư dân mình đánh cho được hải sản trên biển đã khó mà đưa hải sản vào đất liền còn khó khăn hơn. Bà con mơ ước có người cung cấp được nguyên nhiên liệu cho mình và mua luôn sản phẩm của mình trên biển. Và tôi đã đáp ứng được mơ ước của bà con khi đóng con tàu lớn 350CV. Lúc đầu cũng rất khó khăn, nhiều khi thua lỗ. Nhưng dù hoàn cảnh nào, ba tôi vẫn động viên. Tôi đã vượt qua khó khăn, ăn nên làm ra cũng nhờ lời động viên đó” - ông Mến chia sẻ.

Ý chí tuổi trẻ

Khi công việc kinh doanh bắt đầu ổn định, ông Mến cho hai người con trai ra biển theo cha học nghề. Đi theo cha được 1 năm thì anh Lê Văn Sang nảy sinh ý định phải đóng tàu to hơn nữa, đi đến vùng biển xa hơn nữa để phục vụ ngư dân. Anh Sang nhiều lần chứng kiến cảnh ngư dân đổ cả tấn cá nhỏ xuống biển vì tàu ba mình (ông Lê Mến - PV) không mua hết do tải trọng không đáp ứng. “Đây là những loại cá có giá trị nhưng lại mau hư. Họ phải chấp nhận đổ đi công sức của mình chỉ đơn giản không biết bán ngay cho ai. Mỗi lần thấy như vậy, tôi tiếc hoài” - anh Sang tâm sự.

Sau một thời gian suy nghĩ, anh Sang bàn với ba và ông nội (ông Lê Điệp - PV) cho đóng mới thêm con tàu có công suất lớn hơn. Theo tính toán của Sang thì con tàu mới phải chạy từ Đà Nẵng ra Hoàng Sa mua hải sản rồi quay lại vào bờ chỉ trong vòng 4 ngày. Mong ước vậy nhưng lúc này gia đình đã có 2 con tàu, nếu đóng thêm thì ai sẽ quản lý, ai sẽ làm thuyền trưởng? “May nhờ thằng Sang nhanh nhẹn. Nó học ngay bằng thuyền trưởng hạng 4 và tìm tòi công thức đóng tàu lớn cho phù hợp” - ông Mến tâm sự.

“Bà con mơ ước có người cung cấp được nguyên nhiên liệu cho mình và mua luôn sản phẩm của mình trên biển. Và tôi đã đáp ứng được mơ ước của bà con khi đóng con tàu lớn 350CV”.

Thấy đã có con trai đảm đương được nhiệm vụ thuyền trưởng, gia đình ông Mến cho đóng con tàu 1.200CV, lớn nhất miền Trung. Gia đình tin tưởng giao cho Sang làm thuyền trưởng con tàu này. Con tàu nhỏ thì giao cho người em của Sang.

Con tàu 1.200CV hạ thủy đã được 4 tháng, và đúng như Sang suy nghĩ, đã hoạt động rất tốt, cung cấp được nhiều nguyên nhiên liệu cho các tàu cá cũng như mua được nhiều hải sản do ngư dân đánh bắt được trên biển. Các tàu bạn đánh bắt trên biển rất vui mừng đăng ký làm ăn cùng gia đình Sang.

Bây giờ đại gia đình hậu cần của Điệp đã nức tiếng miền Trung. Không dừng lại ở đây, cháu nội cụ Lê Điệp - anh Lê Văn Sang còn có tầm nhìn lớn hơn nữa. Sang lên Tây Nguyên thấy bà con ở đó muốn có con cá tươi ăn cũng rất khó.

Bởi muốn có con cá tươi lên tận Tây Nguyên phải có đầu tư lớn cho khâu bảo quản từ ngoài biển vào bờ, rồi bảo quản trên bờ trong quá trình vận chuyển từ cảng lên Tây Nguyên. Sang dự định sẽ mở một nhà máy cấp đông tại Đà Nẵng. Khi đó Sang sẽ xây dựng một quy trình khép kín để đưa được cá tươi từ biển lên Tây Nguyên...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem