Chuyện chưa biết về "Hào" - tác phẩm có số phận ly kỳ

LÊ THIẾT CƯƠNG Thứ sáu, ngày 12/02/2016 06:57 AM (GMT+7)
Tranh cũng như người, như người vẽ ra nó. Dương Bích Liên và Hào đều chìm nổi, bổng trầm, âu cũng là cái số của người tài, người đẹp. Nghiệp của Dương Bích Liên là thế và Hào cũng có số phận của riêng mình.
Bình luận 0

img

 Cố hoạ sĩ Dương Bích Liên

Hào là tác phẩm duy nhất của cố hoạ sĩ Dương Bích Liên trong triển lãm này, Hào là tác phẩm lớn nhất cả về nghệ thuật và kích thước của ông (147 x 200cm), là tác phẩm tiêu biểu gắn với tên tuổi của ông. Nói đến Dương Bích Liên là phải nói đến Hào và ngược lại. Có một số ý kiến trái chiều về Dương Bích Liên trong bộ tứ nghiêm – liên – sáng – phái nhưng chỉ cần một bức duy nhất, Hào cũng đủ để những lời qua tiếng lại về Dương Bích Liên phải im bặt.

Có nhiều chuyện quanh cuộc đời của Dương Bích Liên, ông sống một mình và tránh xa vòng danh lợi. “Cuộc đời” của Hào cũng nhiều chuyện ly kỳ. Hào trải qua một cuộc bể dâu gần nửa thế kỷ từ lúc sinh ra (1972) và mãi gần đây mới dừng bước. Có lúc người yêu tranh của ông đã tưởng hết có cơ hội ngắm nhìn Hào khi nó “vượt biên” sang Singapore. Cuộc hành trình của Hào, theo lời kể của nhà nghiên cứu triết học Nguyễn Hào Hải, bạn vong niên của hoạ sĩ Dương Bích Liên và một số người khác, như sau.

Chặng 1, Hào đi bằng xe commăngca của hội Mỹ thuật từ nhà của Dương Bích Liên, 55 Bà Triệu đến đại học Mỹ thuật, 42 Yết Kiêu. Vì Hào bị hội đồng duyệt nhận định là uỷ mị, thiếu tính chiến đấu nên Hào đã không được treo trong triển lãm thường niên của hội Mỹ thuật tổ chức năm 1973.

img

Hào là tác phẩm duy nhất của cố hoạ sĩ Dương Bích Liên trong triển lãm này, Hào là tác phẩm lớn nhất cả về nghệ thuật và kích thước của ông (147 x 200cm), là tác phẩm tiêu biểu gắn với tên tuổi của ông. 

Chặng 2: nhà sưu tập Phạm Văn Bổng cảm tâm trạng chán nản của Dương Bích Liên đã ngỏ ý mượn tạm Hào. Chắc là bần cùng bất đắc dĩ, ông gật đầu đồng ý vụ “mượn tranh” này. Hình ảnh chặng 2 của Hào khá thú vị, ông Bổng cầm càng, vợ con ông đẩy, Hào nằm ngửa trên xe ba gác (một loại xe bò nhưng nhỏ do người kéo), từ Yết Kiêu về phố Hàng Buồm. Ông Bổng là một người sưu tầm tranh và bản thảo viết tay của các nhà văn có tiếng của Hà Nội. Nhà ông ở gác 2, chật chội, cầu thang gỗ ọp ẹp, tối và rất hẹp nên Hào phải vào nhà bằng đường bancông. Ông Bổng nhoài người ra lan can kéo Hào, vợ con ông đứng dưới đẩy, Hào bị buộc bằng dây thừng, lơ lửng mãi mới lọt được vào phòng khách.

Sau vài tháng, vì nhiều lý do tế nhị, Hào từ nhà ông Bổng đến nhà của Tô Hoài nhưng số kiếp lênh đênh làm cho nó không ở đó được lâu mà đi tiếp lên Nhã Nam, nhà của nhà văn Nguyên Hồng. Chặng này Hào khá oai vì được đi nhờ bằng xe quân sự của một đơn vị bộ đội hàng xóm của Nguyên Hồng. Nhà của Tô Hoài ở cuối ngõ Đoàn Nhữ Hài, các chú bộ đội phải dừng xe ở đầu Trần Quốc Toản và “bế” Hào ra, tác giả của Dế mèn phiêu lưu ký đi bộ theo tiễn, vẫy tay, bịn rịn, chờ xe đi khuất mới quay về, chẳng biết lúc đó ông có nghĩ về câu chuyện Hào phiêu lưu ký không? Từ Hà Nội đi Bắc Giang xe nghỉ mấy bận, các anh bộ đội đùa nhau “xe mình chở súng đạn lại chở thêm cả tên lửa nữa”, ý nói hai quả tên lửa trong góc trên của bức tranh.

Ông Hào Hải kể lại, hai tên lửa này vẽ thêm theo gợi ý của Nguyễn Tuân “cho thêm phần khí thế cách mạng” chứ không có trong phác thảo ban đầu. Ấy thế mà Hào vẫn bị loại…

Ở Nhã Nam được một thời gian Hào bắt đầu mốc và nứt mặt sơn do nhà Nguyên Hồng lợp tranh và tường chình đất ẩm thấp. Chính vì yêu Hào nên Nguyên Hồng đành chia tay Hào. Nó về lại 55 Bà Triệu để Dương Bích Liên “chăm sóc, điều trị”.

Khi hay tin Hào đã khỏi bệnh, đã khoẻ mạnh, ông Ngô Luân, giám đốc công ty xuất nhập khẩu sách báo (Xunhasaba) đến hỏi mua. Ngã giá xong, Hào lại từ biệt Dương Bích Liên lần 2 lên đường làm một cuộc viễn du mới. Số Hào lận đận, một phần vì kích thước ngoại cỡ của mình. Thoạt đầu khi về nhà ông Ngô Luân, Hào phải đóng hai vai, vừa là tranh vừa là bức vách tạm để ngăn phòng.

Ông Ngô Luân không phải là nhà sưu tầm nghệ thuật, trong thời gian ở nhà ông, Hào “chứng kiến” nhiều cuộc trao đổi, dạm hỏi, gạ gẫm. Nghe nói võ sư T nổi tiếng ở Sài Gòn cũng bay ra vài bận mặc cả nhưng không thành. Suýt nữa thì Hào đã phiêu du sang tận đất nước của Fidel Castro. Chuyện kể rằng ngài tuỳ viên văn hoá sứ quán Cuba ở Hà Nội lúc ấy, nhân một lần được chiêm ngưỡng Hào đã có ý định mua Hào cho bảo tàng Mỹ thuật La Habana nhưng vì không có đủ tiền. Cuối cùng thì Hào về tay nhà sưu tầm nghệ thuật Hà Thúc Cần, một Việt kiều ở Singapore. Ông Cần yêu quý Hào, ông bày Hào trang trọng trong phòng khách nhiều năm nhưng thật không may, cuối đời ông mắc trọng bệnh và buộc phải chia tay Hào.

Cuộc phiêu lưu cuối cùng của Hào, hy vọng vậy, tạm dừng khi ông Cần để lại Hào cho một người chơi tranh ở Hà Nội. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thế là Hào đã xa Hà Nội mười mấy năm trời.

Lúc thì Hào đi ba gác, lúc thì quá giang bằng xe tải quân sự, lúc thì tàu biển (chuyến đi từ Hà Nội đến Singapore) và chuyến hồi hương thì bằng máy bay (Singapore – Hà Nội).

Hào chìm nổi lênh đênh nhưng bù lại đó là một số phận huy hoàng, ngay khi vừa ra đời Hào đã được các nghệ sĩ tên tuổi của Hà thành lúc đó là đạo diễn điện ảnh Phạm Văn Khoa, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà thơ Hoàng Trung Thông, nhạc sĩ Văn Cao… đến xem. Hào đã từng được “ở cùng” những bậc thầy văn chương như Tô Hoài, Nguyên Hồng.

Tranh cũng như người, như người vẽ ra nó. Dương Bích Liên và Hào đều chìm nổi, bổng trầm, âu cũng là cái số của người tài, người đẹp. Nghiệp của Dương Bích Liên là thế và Hào cũng có số phận của riêng mình.

Thêm một tin vui nữa, một cái kết có hậu cho Hào và cho những người yêu hội hoạ Hà Nội, đó là giờ đây Hào đã được ở cùng nhà với một tác phẩm thuộc dạng hoa hậu của Mỹ thuật Việt Nam, bức Thiếu nữ bên hoa huệ của danh hoạ Tô Ngọc Vân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem