Bước vào tuổi 92, nhưng khi nhắc về thời tuổi trẻ với bao hoài bão, cống hiến, nhịp đập trái tim luôn hướng về Tổ quốc, NGND.GS Hoàng Xuân Sính vẫn tràn đầy nhiệt huyết. Bà tâm sự: "Tôi đã chọn con đường của nhiều trí thức yêu nước cùng thời, nhớ tới lời dạy của Bác Hồ đối với anh chị em Việt kiều: "Mỗi người cố học giỏi lấy một nghề, sau này trở về phục vụ Nhân dân". Những lúc Tổ quốc gian khó nhất, là những khi Nhân dân cần chúng ta nhất. Tôi biết, trở về chính là yêu nước".
Không đắn đo, không suy nghĩ, bỏ lại "nước Pháp phồn hoa với nhiều hoài bão", ba tháng sau khi nhận bằng Thạc sĩ, bà về nước, với một vali quần áo và một hòm sắt sách vở. Cô ThS Toán học trẻ tuổi về nước với mong muốn là được đi làm giáo viên. Cầm bộ hồ sơ đến Bộ Giáo dục "xin việc", cô gái trẻ ưu ái được chọn một trong 3 nơi là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội hoặc Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
"Luôn tâm niệm trong đầu ước mơ làm cô giáo, ở Pháp tôi thấy Đại học Sư phạm được kính trọng vì thuộc hệ thống trường lớn (Grandes Écoles), tôi nghĩ ở Việt Nam cũng thế, nên đã chọn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Vụ trưởng Vụ Tổ chức (Bộ Giáo dục) khi đó nói với tôi: "Trường cách nhà 10km, chị có đi nổi không? Tôi cho chị 10 ngày suy nghĩ chín chắn. Đúng 10 ngày sau, tôi quay lại, đưa ra quyết định của mình là làm giảng viên sư phạm.
Nghĩ lại những năm tháng đời sống sư phạm khó khăn. Hàng ngày, tôi dậy từ sáng sớm, đạp xe đi/về 20km, có ngày gấp đôi, họp đến 10 giờ đêm mới xong. Lớp học chỉ là nhà tranh vách đất, bắt đầu từ 6h30 trong ánh đèn le lói. Sinh viên đến lớp mùa đông với đôi chân trần, không áo ấm. Tôi thấy lúc đó mình còn trẻ, nhiệt huyết và máu lửa. Giáo viên chúng tôi không kêu ca, vì cùng chung suy nghĩ xây dựng để ngày mai Tổ quốc tốt đẹp hơn, Nhân dân hạnh phúc hơn". - NGND Hoàng Xuân Sính chia sẻ.
Đó là lý tưởng của thời đại
Chiến tranh chống Mỹ, phải sơ tán, tôi vừa dạy học vừa làm luận án Tiến sĩ, dưới sự hướng dẫn của thiên tài toán học thế kỷ XX, nhà toán học nổi tiếng người Pháp Alexander Grothendieck. Trong suốt 8 năm làm luận án, tôi chỉ nhận được 2 - 3 bức thư từ người thầy. Tháng 5/1975, tôi sang Paris, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Đại học Paris 7, trước đông đảo Giáo sư, Tiến sĩ, các nhà khoa học Pháp và giới trí thức Việt kiều. Đó là ngày vinh quang và hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi.
Ngày về Việt Nam tiếp tục sự nghiệp sư phạm, với chức trách mới là Trưởng bộ môn Toán - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhà giáo Hoàng Xuân Sính đã đem hết kiến thức nhận được ở nước Pháp tham gia đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ cho Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. "Ngày lại ngày, tôi lên danh sách, đánh giá trình độ của từng giảng viên, dìu dắt từng người làm luận văn. Tôi cũng tham gia viết chương trình cho bộ môn, phân công giảng dạy. Giờ nghĩ lại, tôi thấy công việc trưởng bộ môn thời đó thật nặng nề. Nhưng không suy nghĩ gì khác, bởi đó là lẽ sống của mình" - NGND Hoàng Xuân Sính nhớ lại.
Không chỉ hết lòng với nghiệp sư phạm, NGND.GS Hoàng Xuân Sính còn là một trong những nhà giáo tiên phong mở đường cho giáo dục đại học tư thục tại Việt Nam. Chăm cây đến ngày hái quả, Trường Đại học Thăng Long - "đứa con tinh thần" của GS Hoàng Xuân Sính ngày nào giờ đã lớn mạnh trở thành đại học uy tín, chất lượng hàng đầu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
"Ngày đó tôi xin mở trường tư thục với hai lý do: Giúp giảng viên bớt khổ, có thể sống bằng nghề của mình và thay đổi giáo trình giảng dạy, mang kiến thức từng học nước ngoài về truyền đạt tới các thế hệ sinh viên.
Tôi chưa bao giờ hết lo lắng cho giáo dục Việt Nam. Bởi còn lo lắng, là tôi còn trăn trở, còn cố gắng, còn khát khao. Giáo dục ngày một phát triển, sinh viên Việt Nam đang được hưởng nền giáo dục tốt hơn nhiều để phát triển tài năng của mình.
Lời tôi muốn gửi đến các bạn trẻ là cần phải luôn kiên trì và rèn luyện, biết tự học là chìa khóa của thành công. Khi mình đi học thì phải rèn luyện khả năng tự học, trưởng thành càng phải rèn luyện khả năng đó. Ngày nay chuyển đổi số là xu thế của thời đại, không chuyển đổi số thì không hội nhập với quốc tế được. Các nhà trường đều cố gắng thực hiện chuyển đổi số và mỗi giáo viên càng phải nỗ lực thực hiện tốt điều này." - GS Hoàng Xuân Sính bày tỏ.
"Có một câu chuyện sâu sắc nhất trong cuộc đời đi dạy của tôi, nói lên tình nghĩa thầy trò, tôi không bao giờ quên. Trong thời gian chiến tranh, tôi và các thầy cô, sinh viên Khoa Toán được phân công lên lao động ở một nông trường nuôi bò sữa trên Hòa Bình. Ăn uống kham khổ, ở gần đó có quán bán sản phẩm sữa bánh của nông trường, sữa đã quý rồi, bánh sữa cô đặc lại càng quý. Cứ mỗi sáng tôi lại thấy cái bánh sữa ở đầu giường, đồng nghiệp thì không có (chỉ có 2 bữa trưa và chiều). Tôi băn khoăn hỏi thì không ai biết, tôi đoán chỉ có là sinh viên, nhưng hỏi không ra.
Có dịp sang công tác nước ngoài, một người gặp và nói cái bánh sữa đó là của một bạn sinh viên thấy cô giáo khổ quá nên mua để cô có thêm sức khỏe. Từ đó đến nay, tôi hỏi khắp nơi và mong biết được sinh viên nào là người để bánh sữa ở đầu giường cô giáo, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời. Chiến tranh, chia ly, phải chăng bạn sinh viên đó đã hy sinh ở chiến trường nào rồi. Cái bánh sữa ngày đó không chỉ quý và giá trị, bạn đó đã phải dành dụm để mua cho cô giáo. Với tôi nó là tình nghĩa thầy, trò, kỷ niệm không bao giờ quên." - NGND.GS Hoàng Xuân Sính
Vui lòng nhập nội dung bình luận.