Con rắn khổng lồ này là Titanoboa, theo ước tính của các nhà cổ sinh vật học, nó có thể phát triển đạt độ dài từ 12,8m đến 14,9m và nặng tới 1.134 kg. Ngoài ra, phần dày nhất của cơ thể con rắn được cho là có đường kính là 0,9 m. Trong khi loài rắn lớn nhất hiện nay được biết đến với độ dài khoảng 6,1m và nặng 227 kg. Titanoboa rõ ràng là một con rắn khổng lồ so với những con rắn lớn nhất mà chúng ta có ngày nay.
Theo các nhà nghiên cứu, Titanoboa là một chi rắn từng sinh sống vào khoảng từ 50 tới 60 triệu năm trước. Trong thời kỳ này, khí hậu trái đất bắt đầu ấm dần lên sau đại thảm họa đã gây ra nạn tuyệt chủng cho loài khủng long. Với kích thước to lớn, ánh mắt sắc lạnh, bản năng tàn độc cùng kỹ nghệ săn mồi cực kỳ điêu luyện, có thể nói lúc bấy giờ, khó có loài vật nào đủ sức đối đầu với loài vật khổng lồ này. Rắn Titanoboa chính là loài động vật có xương sống trên cạn lớn nhất sau khi loài khủng long tuyệt chủng.
Việc tìm kiếm quái vật của kỷ Cổ Cận (kỷ Palaeogen) nhen nhóm từ năm 1994, khi nhà địa chất học người Colombia Henry Garcia tìm thấy một mẫu vật hóa thạch kỳ lạ mà ông gọi là "Chi nhánh hóa đá" và đặt nó trong phòng trưng bày của công ty than. Đến năm 2003, Fabiany Herrera, sinh viên Địa chất Đại học Công nghiệp Santander (Colombia), trong chuyến đi thực địa đã đến vùng mỏ than Cerrejón. Anh đã cảm thấy nơi đây ẩn chứa những bí mật khổng lồ khi tình cờ nhặt lên một miếng đá.
Sau đó trong thời gian 4 tháng, được sự hỗ trợ của nhiều nhà nghiên cứu, Fabiany Herrera đã thu thập được hơn 2.000 mẫu thực vật tại đây. Nhà nghiên cứu cổ sinh vật Scott Wing, quản lý hóa thạch tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Smithsonian (Mỹ), khi nhìn những mẫu hóa thạch đã nghi ngờ tại khu vực này ẩn chứa hóa thạch của những sinh vật khổng lồ. Tiếp đến ông đã gửi hình ảnh này cho một chuyên gia Jonathan Bloch, một nhà cổ sinh vật học tại Đại học Florida.
Và Bloch đã xác định được hóa thạch chính là một phần xương hàm của một con vật trên cạn. Đây là tin tức thú vị, vì hóa thạch của các động vật có xương sống trên cạn từ thời kỳ Paleocene đã không được tìm thấy ở khu vực này của Nam Mỹ trước đó. Năm 2004, họ tìm được các mẫu vật xương hóa thạch của loài rùa và cá sấu khổng lồ từng sống tại đây.
Quá trình kiếm tìm tiếp tục đến năm 2007. Khi sinh viên Alex Hastings của Trường đại học bang Florida (Mỹ), kiểm tra lại mẫu hóa thạch dán nhãn "cá sấu" và phát hiện đó là hóa thạch của một con rắn. Sau đó cả đội bắt đầu nghiên cứu lại hóa thạch và quay trở lại khu vực đã phát hiện mẩu xương này để tìm kiếm.
Năm 2012, có thêm một khám phá quan trọng khác về Titanoboa. Lần này, một hộp sọ rắn đã được tìm thấy. Đây là phát hiện cực kỳ hiếm, vì hộp sọ rắn rất mỏng manh và thường bị vỡ ra sau khi động vật chết. Sau hàng chục mẩu xương tìm thấy được, các nhà cổ sinh vật học kết nối dữ liệu và dựa vào các đốt sống và đưa ra kích thước của con rắn thời tiền sử, xác định đó là hóa thạch của loài rắn khổng lồ nhất từng tồn tại trong lịch sử: Titanoboa cerrejonensis. Tên khoa học này có nghĩa là con rắn lớn của vùng Cerrejón.
Các nhà khoa học xác định: Titanoboa cerrejonensis là loài rắn lớn nhất từng tồn tại, là con quái vật giống loài trăn Nam Mỹ khổng lồ trườn bò trong những cánh rừng nhiệt đới ẩm ướt của Nam Mỹ 58 triệu năm trước; đồng thời là kẻ đứng đầu trong chuỗi thức ăn tại rừng đầm lầy Cerrejón. Nó ăn cá, ăn cả rùa và có khả năng nuốt chửng cá sấu một cách dễ dàng. Nguồn thức ăn thuận lợi cộng thêm những điều kiện nhiệt độ ấm nóng, môi trường đầm lầy xanh mướt có thể là những yếu tố "nuôi dưỡng" cho loài rắn này phát triển có kích thước ngoại cỡ đến như vậy.
Theo ông Hans-Dieter Sues, nhà cổ sinh vật học kiêm Giám đốc nghiên cứu và sưu tập thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia thuộc Viện Smithsonian tại Washington, D.C, cho biết: “Con người sẽ không có một cơ hội sống sót nào khi đối mặt với con trăn khổng lồ này” - và tiếp: “Với một kích thước như thế, nó giống như một thiết bị dùng để nén bẹp những chiếc xe cũ tại bãi thải”.
Trong tương lai, rất có thể các nhà khoa học lại có những khám phá mới về những sinh vật khổng lồ thời cổ đại. Rất có thể lại có một loài rắn khổng lồ khác, phá vỡ kỷ lục mà Titanoboa cerrejonensis từng xác lập. Song hiện tại, Titanoboa là "quái vật" rắn khổng lồ nhất từng cai trị thời tiền sử Colombia và tồn tại trong lịch sử trái đất.
Ngọc Bảo (CSTC)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.