Chuyện chưa kể về bài thơ làm nức lòng 2 chiến tuyến Nam - Bắc

Thứ ba, ngày 30/04/2013 06:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong lịch sử thơ văn cận đại, nhà thơ Lê Văn Ngăn và bài thơ “Sóng vẫn đập vào eo biển” là trường hợp duy nhất được cả hai bên chiến tuyến Nam - Bắc Việt Nam trân trọng.
Bình luận 0

Năm 1972, lúc nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng bài thơ của mình, anh lính tiếp vụ người Huế (lính hậu cần) của ngụy quyền là Lê Văn Ngăn sung sướng đến bàng hoàng khi biết mình bị những người bên kia chiến tuyến… “đạo thơ”. Đến tận bây giờ, ông cũng không hiểu bài thơ của mình ra đến miền Bắc và lên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam bằng cách nào?

img
Thi sĩ Lê Văn Ngăn.

Thi sĩ quân ta “săn lùng” nhà thơ quân địch

Ngay khi mới ra đời, bài thơ ấy được những người yêu nước cả hai miền thấy trong đó như có cả nỗi lòng của mình: Tiếng sóng nơi em bắt nhịp với còi tàu Long Biên…./Cho nên tiếng bom nổ ở miền Bắc/Dù không nói, tôi cũng biết lòng em chấn động.

Bài thơ ấy nổi danh ngoài miền Bắc, các thi sĩ nhà ta trong đoàn quân giải phóng tiến vào Nam không ai không biết, nhưng mặt mũi Lê Văn Ngăn ra sao thì mù tịt. Khi giải phóng, bất ngờ “ngài” trung sĩ quân tiếp vụ của Việt Nam cộng hòa bị gọi lên, người gọi lên cũng là một nhà thơ “có sừng, có mỏ” tất nhiên là “quân ta”, đó là thi sĩ Thanh Thảo, người hiện nay đang nổi tiếng về viết… bình luận bóng đá.

Gặp mặt lần ấy, Thanh Thảo chỉ hỏi “Anh là Lê Văn Ngăn hả? Vậy anh có biết một Lê Văn Ngăn làm thơ không?”, thi sĩ lừng danh của “quân địch” chỉ dám thưa “dạ! Tui là Lê Văn Ngăn và cũng có làm thơ” – “Vậy bài thơ “Sóng vẫn đập vào eo biển” và “Mảnh đất của những người bất phục” là của ai?” – “Dạ! Là tui làm ạ”… Vậy là khỏe! Chàng thi sĩ “quân địch” này được hẳn một chiếc xe Jeep hộ tống đưa về tận nhà. Ơn giời! Nhờ có giải phóng mà lần đầu tiên, Lê Văn Ngăn mới biết là làm thi sĩ nó oai thế nào?

Nói về chuyện oai phong này bởi Lê Văn Ngăn đã có lần vô cùng đau khổ khi mạ (mẹ) biết được mình có làm thơ. Số là có lần đài phát thanh Sài Gòn có phát đi một bài thơ của thi sĩ và lại còn có phần giới thiệu về tác giả mới thật lâm ly. Câu chuyện ấy được thi sĩ kể nguyên văn như sau: “Bữa đó, nghe trên loa phát thanh xong, giữa bữa cơm, mạ có hỏi tui “răng con làm điều chi ác ôn mà mạ thấy họ đọc tên con trên loa rứa?”.

Hồi đó ở Huế, trên loa hay đọc tên những người mắc tội nên mạ tui hỏi tui vậy. Tui có thú thực là mình làm thơ, họ đọc thơ tui trên loa và đọc cả tên người viết bài thơ nớ. Mạ trầm ngâm ngó tui suốt bữa, hết bữa mạ mới ngậm ngùi “tau ngó mi cũng tử tế, tau nuôi mi để mi sống đàng hoàng. Răng mi lại đi làm thơ?”. Nghe mạ nói rứa, tui đọa (cay đắng, cảm thấy bị đọa đày) quá đi”…

Được Trịnh Công Sơn giác ngộ

“Gần như không dám so sánh mình Trịnh Công Sơn mà thi sĩ họ Lê chỉ ngậm ngùi “anh Sơn là người hay, gia cảnh sang giàu, không vướng víu nên anh trốn đi lính Cộng hòa nhẹ như lông hồng. Còn moa vướng mẹ già, em dại, gia cảnh bần hàn nên không theo được anh Sơn. Đau dễ sợ!”.

Có một điều hiếm người biết, từ trước khi bài thơ lừng danh kia ra đời rất lâu thì trong lòng Lê Văn Ngăn đã rất nể trọng những anh lính Việt Cộng dù ông chưa một lần giáp mặt. Việc này bắt nguồn từ một câu chuyện kể của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hoạt động nghệ thuật cùng lứa với các đồng hương Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập… nhưng Lê Văn Ngăn “lặng lẽ như một kẻ thơ thẩn tìm thơ”, trong lòng ông lúc nào cũng dành một góc trang trọng cho người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh mà ông luôn coi là bậc đàn anh đáng kính.

Năm 1968, Huế giải phóng được hơn 20 ngày, trong những ngày “Việt Cộng tràn vào đất Thần Kinh”, giới văn nhân, nghệ sĩ, trí thức nhiều người bỏ vô Sài Gòn nhưng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn ở lại, sau này nhạc sĩ kể lại: “Các toa (bạn – tiếng Pháp) cứ sợ Việt Cộng làm chi? Moa (tôi) thấy họ tốt mà. Lúc xảy ra biến cố, Nguyễn Cao Kỳ cho moa một chiếc trực thăng và một phi công thường trực ở sân bay Phú Bài, có “động” là moa có thể vô Sài Gòn liền. Nhưng moa không đi vì moa thấy quý những anh lính Việt Cộng”.

Có chuyện ấy bởi Huế sau khi giải phóng tạm thời, những anh lính miền Bắc ngày ngày lo dọn đường sá, đào hầm tránh bom dọc các con đường. Trước cửa nhà Trịnh Công Sơn cũng có một tiểu đội lính miền Bắc với những anh lính trẻ măng, nhiều lần nhạc sĩ mời họ vô nhà uống cà phê thì họ đều từ chối, mời nước họ cũng không nghe…

Sau nhiều lần như vậy, coi kỳ quá Trịnh Công Sơn mới nói: “Tui là nghệ sĩ thôi mà chớ có phải người của chế độ cũ đâu. Anh em sao quá nghi kị vậy” thì một anh lính trẻ măng cười bảo “dạ! Bọn em có nghi kị gì đâu mà chúng em là bộ đội Cụ Hồ nên không dám đụng đến cây kim sợi chỉ của nhân dân”. Coi dễ thương không? Có đáng nể không? 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem