"Tiền bạc và giàu có chết cũng không mang
theo được và cái mà chúng tôi trân trọng nhất là mỗi ngày được nhìn
thấy nhau, trao nhau cái nhìn ấm áp", vợ cố NSND Trịnh Thịnh trải lòng.
Trong căn phòng đơn sơ, gọn ghẽ và xinh
xắn của tầng 4, khu chung cư cũ nằm trên phố An Ninh (Hà Nội), chúng tôi
gặp bà, một cụ già tóc bạc và da trắng hồng. Dẫu ở tuổi “bát tuần”- 83
tuổi, vợ của cố NSND Trịnh Thịnh vẫn giữ được nét đẹp hồn hậu theo
“chuẩn mực” của người phụ nữ xưa của Việt Nam.
Dường như đã rất hài lòng với cuộc sống
và không bàng hoàng với việc Diêm Vương sẽ cho người tới đón bất kể lúc
nào, bà thư thái nói về những kỷ niệm xưa và nói về người chồng yêu dấu
của mình một cách thong thả.
Đôi lúc, bà ngừng lại tìm một từ thích
hợp như thể tuổi tác đã lấy đi một phần sự minh mẫn nhưng tôi vẫn phải
thốt lên ngạc nhiên bởi có những chuyện đã diễn ra cách đây 63 năm mà bà
vẫn nhớ như in và khi kể lại, gương mặt bà hồng hào tựa gái đôi mươi.
“Mẹ tôi vốn là một nhan sắc của Hà Nội
xưa, được gọi là mỹ nhân trường Đồng Khánh nên tôi cũng được thừa hưởng
phần nào những nét đẹp của mẹ dù tôi không được gọi là…mỹ nhân” - vợ cố
NSND Trịnh Thịnh bắt đầu câu chuyện và cười tủm tỉm.
Ảnh của bà Ngọc Khanh khi đã ở tuổi 70
Bà Ngọc Khanh, vợ cố NSND Trịnh Thịnh trước ban thờ chồng, năm nay bà đã 83 tuổi.
Rồi bà trở về với những ký ức đã ở bên
kia của nửa thế kỷ trước: “Ngày đó, tôi là cô gái 20 tuổi, một cô “lính
trẻ” mới trở về sau cuộc kháng chiến chống Pháp - chàng: tức anh Trịnh
Thịnh, một thanh niên “trong thành nội”, hơn tôi 5 tuổi đã được “mai
mối” để tới đặt vấn đề.
Bữa đầu tiên chúng tôi gặp nhau buồn
cười lắm. Mỗi đứa ngồi một đầu bàn, có người ra rót nước trà, cả hai
chẳng uống ngụm nào, cứ ngồi hỏi han dăm câu ba điều vơ vất chẳng đâu
vào đâu.
Dù là mai mối và trước đó được rất nhiều chàng trai theo đuổi, làm thơ tặng nhưng khi gặp anh Thịnh tôi vẫn rất hồi hộp.
Có lẽ anh Thịnh cũng vậy, anh ấy cứ nhìn
một lúc rồi lại vội nhìn ra chỗ khác như thể sợ nhìn lâu là một sự bất
nhã vậy. Chân tay anh ấy cứ như bị thừa”, bà kể với gương mặt sáng lên
và rất hồ hởi.
Khi tôi hỏi: “Bà còn nhớ ấn tượng đầu
tiên của bà về ông không bà? Bà cũng bị “tiếng sét ái tình” xẹt qua tai
khi gặp ông lần đầu tiên chứ?”. Bà cười hồn hậu: “Thì cả nhà tả lại và
ai cũng ưng thành ra khi gặp mình cũng thấy ưng ngay.
Vốn là con một trong gia đình khá giả,
bà thân sinh ra ông nhà tôi chỉ sinh được mình anh ấy rồi qua đời khi
anh ấy mới 11 tuổi.
Sau này, ba anh ấy lấy thêm vợ hai sinh
được bốn người con nữa. Vì bố anh ấy làm ở Ngân hàng Đông Dương nên anh
ấy cũng nối gót cha vào đó làm. Bởi vậy mà chúng tôi gặp nhau là thấy
ưng mắt luôn.
Nhưng mà tới hôm cưới, tôi khóc kinh
khủng lắm. Bởi vì gọi là ưng nhau chứ đã ai nói với ai được lời nào tới
đầu tới đũa đâu mà biết là người ta có thực tâm với mình hay không? Tình
cảm thực sự trong lòng người ta dành cho mình thế nào?
Cho nên là cái sự khóc lóc ở đây là một
phần mình chưa được sáng tỏ những gì mình cần biết. Giá như thời nay,
yêu nhau là đã biết rất rõ về nhau rồi thì có mấy cô dâu phải khóc. Còn
ngày xưa cô dâu nào cũng khóc là một phần vì lẽ như tôi thôi. Chính thế,
lúc yêu nhau, cả hai phải nói được với nhau cảm xúc thực sự và tình cảm
chân thành trong lòng mình, biết cả điều hay và điều tệ nữa thì mới an
tâm và không xuất hiện những mối lo âu vu vơ”.
Cũng là con gái một gia đình khá giả nên đám cưới của ông bà được diễn ra sau đó ít lâu với một dàn 6 chiếc xe rất đẹp.
Một đám cưới linh đình nhưng vô cùng ấm
áp. Sau đó, họ sống chung cùng gia đình chồng một năm và chuyển ra ngoài
thuê nhà ở. Lúc đó, ông vẫn làm ở Ngân hàng Đông Dương còn bà là người
bán thuốc thuê tại một hiệu thuốc Tây của người Pháp.
Nhưng sau đó, thời thế thế thời, quân
Pháp bị thua tại VN và ông mất việc, bà cũng chẳng có việc làm, họ rơi
vào cuộc khủng hoảng chung mà tất cả mọi người dân Việt Nam nói chung và
người dân Hà Nội nói riêng khi đó phải chịu đựng và vượt qua. Thật khó
tưởng tượng là trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn đó, họ vẫn tiếp tục sinh
con, cứ hai năm một và nhoằng một cái sau 10 năm, họ sinh được tất thảy
5 người con. Lúc đó, bà mới có 29 tuổi.
Thịnh “thộn” và chuyện “gạ tình” của người ở… hãng phim
Là một phụ nữ xinh đẹp, cuốn hút và sắc
sảo, bà Ngọc Khanh, vợ cố NSND Trịnh Thịnh được rất nhiều người đàn ông
thành đạt ngưỡng mộ, theo đuổi, nhất là thời điểm bà vẫn còn là cán bộ
phòng Kế hoạch Sở Thương Nghiệp Hà Nội: “Ngày đó, tôi chừng 35 tuổi, khi
đó đã có 5 mặt con nhưng trời phú cho vẻ mặn mà nên có rất nhiều người
đàn ông đã đánh cả xe ô- tô tới để ngỏ lời mời mọc đi chơi. Nhưng bởi
yêu thương anh Trịnh Thịnh nhất mực nên tôi không màng tới mà nhẹ nhàng,
nhưng kiên quyết khước từ”, bà Ngọc Khanh cho biết.
Đã tròn 63 năm mặn nồng, tình chồng
nghĩa vợ tao khang nhưng ông bà không nói nặng với nhau nửa lời, phần vì
cố NSND Trịnh Thịnh là người đôn hậu, nhất mực yêu thương vợ con; phần
vì bà Ngọc Khanh cũng thương yêu chồng và hiểu được cái nghĩa làm vợ,
làm mẹ: “Trong gia đình: không khí có êm thấm, hòa thuận, có chu toàn
trước sau hay không là phụ thuộc vào người phụ nữ có biết thu vén và hy
sinh hay không; có biết nhường nhịn đôn hậu để mà đối nhân xử thế hay
không; có biết chăm chút cho chồng con và đặc biệt là chăm chút cho sắc
vóc và tâm hồn của mình hay không để giữ lửa yêu thương với chồng; có
chịu khó đọc, tìm hiểu mà am tường công việc của chồng, để chia sẻ những
tâm sự to nhỏ của chồng hay không.
Còn gia đình có giữ được không, có trên
bảo dưới nghe, giữ được nề nếp hay không là ở người chồng có biết làm
cho vợ tin con kính hay không.
Có lẽ cả tôi và anh Thịnh đều là những
người tốt số. Bởi cả cuộc đời chúng tôi không có lấy một kỷ niệm nào
lãng mạn, cũng không còn thời gian đâu để mà giận hờn bởi suốt ngày phải
lo làm ăn để nuôi dạy 5 mặt con ăn học, khôn lớn, trưởng thành.
Nhưng để có được sự yên tâm mà không ai
phải chồm chồm lên ghen tuông, nghi hoặc là bởi vì tôi luôn biết chăm
chút cho gia đình, biết thể hiện sự yêu thương và chia sẻ mọi điều với
anh ấy. Trên tất cả, là anh ấy biết, có ra ngoài cũng không tìm được
người phụ nữ nào hiền hậu, đáng tin và cũng đằm thắm, xinh xắn như vợ
của mình.
Còn anh Trịnh Thịnh là người hiền hòa,
chân chất và không bao giờ trăng hoa. Anh ấy ít nói và hay cười, thi
thoảng nói những câu dí dỏm và luôn cho tôi cảm giác anh ấy rất yêu
thương và cần tới mình.
Có khi anh ấy đi liền 6 tháng trời để
đóng phim, đó là bộ phim “Vợ chồng A Phủ”, mà tết cũng chẳng về, ở lại
giao lưu với bà con dân bản trên mạn trên, trong đó có cả những cô gái
xinh tươi. Nhưng tôi không phải lo âu gì.
Có một nữ diễn viên xinh đẹp, hay đóng
chung cùng anh Thịnh, tết nào cũng xuống nhà chúng tôi chơi đã nói rằng:
‘Chị đừng có lo lắng gì cả, anh ấy là người củ mỉ cù mì và luôn làm mọi
người nể trọng bởi đức độ, sự chỉn chu trong công việc, sự chuyên
nghiệp trong nghề và luôn đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân”.
Bản thân tôi cũng hiểu những trăn trở
của anh ấy, ví như anh ấy nói: Nếu bình thường, với phim điện ảnh, phải
quay 8 lần mới lấy một nhưng Việt Nam mình tiết kiệm, chỉ quay bốn lần
và lấy 1 lần. Anh phải làm sao nghiên cứu kịch bản, học hỏi và tập diễn
xuất ở nhà trước để khi tới quay phải toát ra thần thái của nhân vật và
diễn như thật chứ không phải là đóng kịch. Mình phải tiết kiệm tiền cho
Nhà nước thì mình mới có phần bổng lộc cho con cháu được”.
Hai vợ chồng cố NSND Trịnh Thịnh "làm duyên" trước gương.
Đi đâu, làm gì hai ông bà cũng luôn có nhau
Ảnh cưới của ông bà cách đây 63 năm. Ảnh: Gia đình cung cấp
Có
những thời điểm gian khổ, sống trong chế độ tem phiếu phải ăn độn và dè
sẻn, hai vợ chồng đều thèm ăn phở kinh khủng nhưng chỉ nhìn nhau cười và
về nhà rang cơm hay chế biến các món có sẵn để còn nuôi 5 mặt con.
“Anh Thịnh có thể ăn ngon mặc đẹp hoặc
ăn uống thoải mái như anh ấy thích trong lúc đi đóng phim, mình là vợ
mình cũng sẽ chẳng dám nói gì. Nhưng anh ấy đã không làm như thế mà cứ
nhường nhịn vì vợ con cho nên mình lại càng yêu và trọng hơn.
Chính bởi thế, dù có rất nhiều người đàn
ông hơn chồng mình về mọi mặt nhưng mình không thể yêu bởi họ không có
cái đức, cái tâm và cả sự chỉn chu, chuyên nghiệp với sự nghiệp như anh
ấy.
Tôi nhớ, có lần, một người ở hãng phim
đã tới chỗ tôi làm ve vãn và nói rằng: Sao thằng Thịnh nó… “thộn” thế mà
lấy được người như em? Cả hãng phim gọi nó là Thịnh “thộn” mà em không
biết à? Đàn ông mà chả hay cái gì cả, chán.
Tôi đã bảo: Cái mà anh hay thì chồng tôi
không hay, nhưng cái mà chồng tôi hay thì cả anh và rất nhiều người đàn
ông tự cho mình là tài giỏi và hoa lá, hào phóng cũng không có được
đâu. Mời anh về cho”.
Dường như, sẽ không bao giờ là hết
chuyện với người phụ nữ đã ở tuổi 83 này khi nói về người chồng yêu dấu
của mình. Nhưng để kết cho bài viết ăm ắp những kỷ niệm về người nghệ sĩ
của nhân dân, một người chồng, người cha mẫu mực, một nghệ sĩ đáng kính
được cho là người đàn ông hạnh phúc nhất của giới Nghệ sĩ VN này, chúng
tôi xin lấy câu của bà Ngọc Khanh, người vợ, người bạn cầm sắt của ông
suốt 63 năm: “Cuộc đời thì nhiều thăng trầm và ai sinh ra cũng có nỗi
khổ và niềm hạnh phúc của riêng mình.
Quan trọng nhất là mình biết mình cần
gì, muốn gì và có hết lòng với những điều mình đã chọn lựa hay không.
Chúng tôi đã đến với nhau bằng sự lựa chọn của số phận nhưng từ khi
chúng tôi quyết định chọn với sự sắp đặt đó chúng tôi đã một lòng một dạ
gắn bó và cùng nhau nắm tay đi hết cuộc đời.
Qua những năm gian khổ, đói có, vất vả
và lo âu, trằn trọc có chúng tôi vẫn nhìn nhau bằng ánh mắt thương yêu.
Chỉ khi về già, lúc đã 70 tuổi, cùng nhau đứng trước gương, chúng tôi
mới nhận ra một chân lý mà mình theo đuổi bấy lâu: Chỉ có tình yêu và
tình thương chân thành mới có sức sống vĩnh cửu. Tiền bạc hay những giá
trị vật chất hào nhoáng chóng đến rồi cũng nhanh chóng đội nón ra đi.
Cuối cùng thì như lúc này, nếu giàu sang anh ấy cũng có mang theo được
đâu.
Và cũng chỉ có yêu thương mới cho tôi
giữ được sự xuân sắc cho tới lúc 70. Và ngay cả khi đã ở cái tuổi “lục
tuần” anh Trịnh Thịnh vẫn nói với tôi một câu nhẹ nhàng và âu yếm lúc mà
chỉ có hai vợ chồng già như hai vợ chồng son trong căn chung cư ấm áp
đầy đủ tiện nghi nhưng không xa hoa, giàu có rằng: Hôm nay em mệt à!”.
Bà nhìn tôi cười như mơ màng và e thẹn
nhưng rất đỗi tự hào. Tôi cảm nhận được sâu sắc nỗi buồn thăm thẳm của
bà trong những ngày còn lại, khi mà hàng chiều không có ai nắm tay đi
dạo quanh khu nhà, không có giọng nói ấm áp và thủ thỉ bên tai hằng đêm,
không phải bận rộn lo cháo lão, cơm chiều ba bữa….
Vui lòng nhập nội dung bình luận.