Chuyện chưa kể về Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân

Nguyễn Minh Huệ Thứ tư, ngày 08/05/2019 07:05 AM (GMT+7)
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam (chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới”) hồi tháng 4.2018 để lại nhiều cảm xúc, ấn tượng cho những người tổ chức và tham dự.
Bình luận 0

Sứ mệnh của “báo nhà nông”

Tham dự sự kiện Tự hào Nông dân Việt Nam hồi tháng 10.2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) tổ chức một cuộc đối thoại với nông dân. Ngay tại đó, Ban thường vụ T.Ư Hội đã giao Báo NTNN triển khai việc này.

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời các câu hỏi của nông dân tại hội nghị đối thoại. Ảnh: Đ.D

Nhận thấy đây vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là cơ hội tăng thêm thương hiệu và uy tín cho báo, sau khi nhận nhiệm vụ, Ban Biên tập đã họp ngay với lãnh đạo Ban Hội & Tam nông, Ban Kinh tế - Chính trị để bàn việc tổ chức và quyết định thành lập ban tổ chức Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân.

Là lần đầu tiên tổ chức cuộc đối thoại giữa người đứng đầu Chính phủ với nông dân nên việc lựa chọn hình thức tổ chức không hề đơn giản, vì không có sự kiện trước đó để tham khảo. Do vậy, nhiều cuộc họp giữa các thành viên Ban tổ chức đã diễn ra.

Ban tổ chức nhận thấy, bản thân sự kiện này đã thu hút sự quan tâm của nông dân, dư luận khắp cả nước, vì vậy kịch bản chương trình xây dựng càng đơn giản càng tốt. Mục đích quan trọng là làm thế nào để người nông dân nói lên được những khó khăn, mong muốn trong đời sống và sản xuất, kinh doanh. Trên cơ sở lắng nghe những ý kiến nông dân, Thủ tướng Chính phủ sẽ trao đổi, giải đáp, tháo gỡ những khó khăn giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, tham gia xây dựng nông thôn mới, phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình trong công cuộc CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn.

img

Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ các đại biểu nông dân tại hội nghị. Ảnh: Đ.D

Sau khi xác định rõ nhiệm vụ, phương thức triển khai, Ban Biên tập Báo NTNN đã chỉ đạo các ban chuyên môn, văn phòng ghi nhận ý kiến của nông dân khắp các địa phương, vùng miền để chuẩn bị nội dung cho cuộc đối thoại. Sau một thời gian, đã có hàng nghìn thư, email, ý kiến trực tiếp từ nông dân, trong đó ngoài những vấn đề chung, cũng có rất nhiều trường hợp cụ thể, những vướng mắc cụ thể được nông dân phản ánh.  

Để nông nghiệp Việt Nam định vị trên thế giới

Nhưng với thời lượng chỉ 1 buổi sáng, Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng với nông dân không thể giải quyết hết được những vướng mắc của nông dân, đặc biệt là những vấn đề mang tính cá nhân, nhỏ lẻ. Do vậy, Ban tổ chức cuộc đối thoại đã đọc kỹ từng ý kiến của nông dân và chọn ra những vấn đề tiêu biểu, vướng mắc điển hình nhất để đưa ra tại cuộc đối thoại. Cuối cùng, Ban tổ chức chốt được bốn vấn đề lớn về nội dung buổi đối thoại.

Việc lựa chọn địa điểm cũng là một bài toán không đơn giản. Quan điểm được thống nhất là hội nghị đối thoại phải được tổ chức ở tỉnh có nền nông nghiệp phát triển, nhiều đổi mới và có những chính sách đột phá cho nông nghiệp. Với tiêu chí ấy, lúc đầu Ban tổ chức chọn và làm việc với tỉnh Nam Định, nhưng sau khi tìm hiểu thì thấy nông nghiệp ở tỉnh Hải Dương có nhiều bước tiến. Trong nhiều năm qua, nông nghiệp Hải Dương có nhiều đổi mới, nhiều gương điển hình và nơi làm mạnh, sẽ có nhiều vướng mắc, kiến nghị... Tổ chức ở Hải Dương sẽ giải quyết được những vấn đề thực tế, từ đó làm “điểm” để nhân rộng với các tỉnh, thành khác trong cả nước.

Sau quyết định chọn Hải Dương là địa điểm tổ chức, lại liên tiếp những cuộc đi lại, làm việc, trao đổi qua điện thoại, email... về khâu an ninh trật tự đến tổ chức, chọn địa điểm để Thủ tướng đi khảo sát thực tế.

 Ngày diễn ra hội nghị đối thoại (9.4.2018), hội trường chật cứng với gần 1.000 đại biểu, khách mời... Không khí xuyên suốt 6 giờ đối thoại là sự cởi mở, phấn khởi, tin tưởng.

Câu chuyện về thị trường cho nông sản là vấn đề “nóng” nhất trong cuộc đối thoại. Những nông dân mong muốn Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm giải quyết câu chuyện thị trường, đầu ra cho nông sản, để những người nông dân không phải rớt nước mắt ngay cả khi được mùa. Thủ tướng đã nhận trách nhiệm về mình, trách nhiệm của bộ, ngành liên quan cần phải rốt ráo triển khai, giải quyết cho được những vướng mắc về đầu ra cho nông sản.

Cũng rất “nóng” là chuyện về vốn cho sản xuất, được các nông dân Tô Hiến Thành, Nguyễn Đăng Cường… nêu ra. Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải sớm giải quyết câu chuyện vốn cho nông nghiệp nói chung và những người nông dân này nói riêng.

Tại cuộc đối thoại, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh những đóng góp của giai cấp nông dân trong 30 năm đổi mới nông nghiệp, phát triển nông thôn; khẳng định niềm tin của Đảng, Nhà nước với giai cấp nông dân. Thủ tướng đã nêu nhiều giải pháp để khơi dậy động lực, phát huy sự sáng tạo của nông dân trong những năm tới, để nông nghiệp hội nhập sâu rộng hơn và khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam trên thế giới.


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem