Chuyện đẻ "không thả phanh” của người Bố Y

Kiều Thiện Thứ ba, ngày 23/06/2015 09:03 AM (GMT+7)
Đến thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, tôi có vào thăm nhiều gia đình người Bố Y ở đây. Và điều khiến tôi rất ngạc nhiên là hầu hết những cặp vợ chồng trẻ ở đây chỉ sinh từ 1-2 con là ngừng chứ không “đẻ thả phanh” như một số dân tộc thiểu số khác. 
Bình luận 0

Anh Làn Mậu Thành - Bí thư Chi bộ liên thôn bản vùng biên giới xã Sả Hồ cho biết: Cả nước hiện nay chỉ có khoảng 2.000 người là người dân tộc Bố Y thì ở huyện Mường Khương này đã có tới 1.200 người. “Tuy chúng tôi được phép sinh con thứ ba nhưng hầu như bây giờ chẳng ai sinh nhiều con nữa. Ngay như nhà tôi, chồng là người Bố Y, vợ là người Pa Dý, có sinh tới 4-5 đứa con cũng chả ai trách, nhưng chúng tôi cũng chỉ sinh 2 đứa, dù là con một bề cũng dừng lại để nuôi cho chúng ăn học thành người. Chính nhờ sinh để có kế hoạch nên người Bố Y chúng tôi luôn có cuộc sống thay đổi ngày một tốt hơn” - anh Thành thật thà chia sẻ.

img
Dù là cặp vợ chồng của 2 dân tộc ít người đặc biệt khó khăn nhưng vợ chồng anh Thành-chị Lan vẫn chỉ sinh 2 con. (Ảnh: K.T)

Chị Vàng Thị Lan - vợ anh Thành, cho biết thêm: Trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở vùng cao Mường Khương thì người Bố Y là tộc người có nhiều tiến bộ. Vì thế họ không tăng nhanh dân số như các dân tộc ít người khác, các thế hệ sau đều đảm bảo sức khỏe tốt, học hành đầy đủ hơn. Hiện ở vùng này, hầu hết người Bố Y đều có nhà xây, mái lợp tôn hoặc pro - ximăng chứ ít có nhà ai tạm bợ.

Gặp già bản Làn Chử Lèng (78 tuổi), nguyên là Chủ tịch xã Sả Hồ, ông bảo: Người Bố Y biết rõ những khó khăn của một dân tộc thiểu số và hiểu những hệ lụy tai hại của hôn nhân cận huyết thống nên từ xưa đã có cách để tránh cho con cháu mình. Mỗi dòng họ Bố Y đều có một dải lụa đỏ, trên đó ghi tên đệm cho từng đời khác nhau. Cứ nhìn vào cái tên đệm ấy là biết mình thuộc dòng họ nào, đã cách nhau bao nhiêu đời. Nếu cùng một họ thì không kết hôn. Ví dụ như đời tôi thì tên đệm là chữ Chử thì đời con tôi tên đệm là chữ Mậu, đến đời cháu nội tôi thì tên đệm là chữ Trịnh… Cứ như thế qua mấy chục đời mới quay vòng lại cái tên.

“Nhìn vào cái tên mà nhận ra nhau là cùng họ để tránh hôn nhân cận huyết thống. Nhờ vậy mà tộc người Bố Y luôn có sự phát triển về trí tuệ và thể chất rất tốt, không có người nào bệnh tật quặt quẹo bẩm sinh đâu” – ông Làn Chử Lèng khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem