Chuyển đổi 112.000ha đất lúa: Sớm công bố mức hỗ trợ nhà nông

Thứ hai, ngày 02/06/2014 06:15 AM (GMT+7)
Việc chuyển đổi 112.000ha đất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Bình luận 0
Trao đổi với NTNN, TS Phan Huy Thông (ảnh) - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: “Để kịp thời vụ, các địa phương cần chủ động và sớm công bố các mức hỗ trợ cụ thể để người nông dân tin tưởng thực hiện chuyển đổi”.

TS Phan Huy Thông
TS Phan Huy Thông

TS Phan Huy Thông nhận định: Việc chuyển đổi đất lúa ở ĐBSCL thực sự là một cuộc cách mạng về kỹ thuật, tổ chức sản xuất và nhận thức ở vùng trồng lúa truyền thống hơn 300 năm qua. Hiện các doanh nghiệp đã tích cực tham gia vào công tác chuyển đổi, tuy nhiên những doanh nghiệp lớn có khả năng tiêu thụ sản phẩm, chế biến thức ăn chăn nuôi chưa tham gia nên việc chuyển đổi còn hạn chế.

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 580 về hỗ trợ chuyển đổi 112.000ha đất lúa sang trồng cây màu với định mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha. Vậy những ai và vùng nào sẽ được hưởng mức hỗ trợ này, thưa ông?

- Trong Quyết định 580, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các địa phương căn cứ vào đối tượng cây trồng để có mức hỗ trợ cụ thể. Chính quyền địa phương cần sớm xác định và công bố mức hỗ trợ đó, đặc biệt cần thông báo quy hoạch vùng và những ai nằm trong khu vực đó được hỗ trợ, mức là bao nhiêu... Từ đó, bà con nông dân có thể đăng ký với xã, sau đó xã lập danh sách đó để cho nông dân yên tâm chuyển đổi.

Ruộng ngô của một nông dân tại huyện Giang Thành, Kiên Giang được chuyển đổi từ ruộng trồng lúa.
Ruộng ngô của một nông dân tại huyện Giang Thành, Kiên Giang được chuyển đổi từ ruộng trồng lúa.

Nhiều địa phương, cũng như các nông dân và doanh nghiệp lo ngại chính sách hỗ trợ mà nhà nước đưa ra thường chậm, dẫn tới bà con không chuyển đổi kịp, làm chậm mùa vụ. Việc này sẽ được giải quyết ra sao để chuyển đổi kịp thời 112.000ha?

- Đúng là, bao giờ chính sách cũng có độ trễ, vấn đề là chúng ta phải khắc phục độ trễ đó bằng các thủ tục hành chính, chứ không thể nói chính sách đưa ra có thể ước lượng được tất cả các tình huống. Tôi nghĩ với Quyết định 580, các địa phương cứ công bố công khai hoặc có biên bản thỏa thuận, cam kết có chính sách đó để cho nông dân biết chắc chắn, qua đó họ ứng tiền hoặc đi vay để thực hiện chuyển đổi trước, tiền hỗ trợ có thể nhận say. Theo tôi, với mức hỗ trợ như hiện nay, nhiều hộ nông dân sẵn sàng làm chuyển đổi ngay, đôi khi nông dân có thể họ thu hoạch rồi mới nhận tiền hỗ trợ, chứ không phải đợi nhận được tiền hỗ trợ rồi mới làm chuyển đổi.

Ở ĐBSCL, từ lâu vấn đề tiêu thụ nông sản đã trở thành một bài toán khó. Vậy một khi chuyển đổi bớt diện tích đất lúa đi, chúng ta sẽ trồng những cây gì, thưa ông?

- Do điều kiện tự nhiên, lợi thế của ĐBSCL là cây lúa và chúng ta đã rất thành với việc tăng sản lượng lúa. Trước nhu cầu chuyển đổi cây trồng, ngô được coi là cây trồng chủ lực để thực hiện chuyển đổi ở khu vực này, song rõ ràng đây là một cây trồng mới, mới cả về lịch sử phát triển cũng như tập quán canh tác của bà con. Cho nên, thách thức đối với việc trồng cây ngô cũng lớn.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã giao Trung tâm Khuyến nông quốc gia xây dựng mô hình trình diễn và hướng đến tập huấn đào tạo cho các hộ nông dân trong vùng chuyển đổi một cách đồng bộ từ khâu làm đất, giống, cơ giới hoá và kỹ thuật trồng trọt thu hoạch chế biến bảo quản, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho nông dân phối hợp với địa phương để hỗ trợ công tác đào tạo.

Tôi rất đồng tình với quan điểm của lãnh đạo Bộ NNPTNT, đó là cây nào có thị trường thì mới tập trung chuyển đổi, chẳng hạn như cây ngô, đậu tương có thể chuyển đổi một cách nhanh. Còn những cây có giá trị cao, nhưng thị trường tiêu thụ hạn hẹp thì phải có một cam kết thu mua cụ thể của doanh nghiệp nào đó và tính toán có thể có hiệu quả bền vững thì mới chuyển đổi như cây dưa hấu ở miền Trung là một bài học đắt giá, khi chuyển đổi nhưng lại quá dư thừa sản phẩm. Khi chuyển đổi, nông dân phải có kinh nghiệm và phải nắm chắc thị trường đầu ra.

Như ông nói, do bà con nông dân ở ĐBSCL đã quen với cây lúa, nên chưa quen với cây màu mới. Thời gian tới, ngành khuyến nông sẽ có những kế hoạch như thế nào đễ hỗ trợ bà con nông dân?

- Tôi cho rằng, công tác thông tin tuyên truyền về kỹ thuật sản xuất, thị trường tiêu thụ cần được đẩy mạnh hơn nữa trên các kênh thông tin đại chúng; chính sách khuyến nông cần phối hợp với chính sách của các ngành khác trong Bộ NNPTNT để đẩy mạnh công tác chuyển đổi, cần tăng cường dự án sấy nông sản để đáp ứng cho công tác chuyển đổi.

Trong thời gian qua, hệ thống khuyến nông đã góp phần tích cực vào công tác chuyển đổi thông qua việc hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình, tập huấn đào tạo nâng cao trình độ cho nông dân khi thực hiện chuyển sang trồng cây trồng mới. Hiện còn tới 200.000 hộ có nhu cầu được tập huấn đào tạo, vì vậy công tác đào tạo cũng cần có sự phối hợp của các viện trong việc xây dựng quy trình kỹ thuật chuẩn giúp người sản xuất cây trồng khác có hiệu quả cao.

- Xin cảm ơn ông!

Ngọc Lê (thực hiện) (Ngọc Lê (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem