Chuyện đời bà cụ gần 100 tuổi sống ở hành lang bệnh viện

Thứ tư, ngày 15/12/2010 19:05 PM (GMT+7)
5 năm nay, người đi đường không khỏi chạnh lòng khi bắt gặp hình ảnh một cụ già 100 tuổi lân la hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để tìm một chỗ nghỉ ngơi...
Bình luận 0

 

Thân phận bà cụ 98 tuổi

Đã 20 ngày rồi, bên vỉa hè (cổng số 4) bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, có cụ bà ngồi cả ngày lẫn đêm trên manh chiếu nhỏ. Sau mỗi bước chân đi qua là những ánh mắt tò mò gieo xuống, nhưng người đàn bà này chẳng quan tâm. Mới đầu, ai cũng tưởng người đàn bà tìm ra đây ngồi để chạy trốn sự ngột ngạt của phòng bệnh. Tôi cũng từng nghĩ vậy...

img
Những khi trời mưa bà tá túc ở hành lang bệnh viện.

Sau nhiều ngày chăm người nhà nằm viện, tôi mới biết cụ bà này đang sống nhờ nơi vỉa hè bệnh viện mong nhận được sự giúp đỡ của những người qua lại để chữa bệnh. Hoàn cảnh của bà cũng đầy éo le. Tuy đã gần 100 tuổi nhưng trông bà vẫn minh mẫn lắm! Khi tôi hỏi, bà nói rành mạch họ tên, địa chỉ: "Nguyễn Thị Hoà, 98 tuổi, quê ở Vĩnh Phú".

Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, cụ bà bảo rằng: "Vĩnh Phú hay Vĩnh Phúc thì cũng vậy, tôi ở thôn Khả Do, xã Cao Minh, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc".

Bà Hoà kể rằng: "Từ khi mới sinh ra, bố mẹ tôi đã cho tôi vào chiếc thúng gánh ra chợ vứt. Một người thợ cắt tóc trong chợ đã nhặt tôi về cho gia đình cụ Bất- Oanh làm con nuôi. Từ đó tôi sống ở thôn Khả Do với bố mẹ nuôi. Bố mẹ nuôi sinh được 4 người con. Giờ họ mất hết rồi, chỉ còn lại con cháu họ thôi".

Tôi hỏi: "Sao bà không ở quê, nhờ cậy vào sự giúp đỡ của họ hàng?".

Bà Hoà sụt sùi: "Còn ai để mà trông cậy. Những người cũ đã đi rồi, còn lại bọn trẻ biết tôi là ai. Tôi già rồi, không thể làm ruộng nữa. Chỉ có nếp nhà tranh trống hoác. Lấy chồng nhưng không có con, bây giờ bệnh tật chẳng có ai để nương tựa, tủi lắm cô ạ".

Nói đến đây, bà Hoà lảng sang chuyện khác. Bà bảo: "Tôi bị bệnh tiểu đường, hai chân teo lại, đi lại rất khó khăn. 5 năm rồi, tôi vẫn lân la tại các bệnh viện".

Vừa nói bà vừa khẽ vén ống quần lên, để lộ đôi chân bé tẹo, bà Hoà bảo: "Teo cơ tiểu đường đấy". Tôi gặng hỏi: "Bà bị bệnh sao không nhập viện điều trị?". Bà Hoà ấp úng: "Có tiền thì nói làm gì. Vì cảnh nghèo không có tiền nhập viện nên tôi mới phải tìm đến vỉa hè bệnh viện để có cảm giác như được đến viện chữa bệnh".

Bà Hoà kể tiếp: "Lâu nay tôi vẫn sống như thế này. Tôi đi lang thang các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội như: Bệnh viện Việt Đức, viện Bà mẹ và trẻ em, viện Nhiệt đới và viện Bạch Mai... Mỗi bệnh viện, tôi ở lại dăm mười ngày, bệnh viện nào ở lâu chừng 1- 2 tháng.

"Cảnh màn trời chiếu đất", tủi lắm. Ngày nào trật tự cũng đuổi, đuổi chỗ này tôi lại chạy sang chỗ khác. Nhiều khi họ "chán không muốn đuổi" nữa vì biết rằng tôi chẳng thể đi đâu được. Đêm cũng như ngày tôi đều tá túc ở vỉa hè bệnh viện, những khi mưa, tôi mới dám xin đội trật tự cho ngủ nhờ nơi hành lang bệnh viện".

Trong vòng tay ấm ám của cộng đồng

Nhiều ngày ở viện, tôi dõi theo những bước chân của bà. Hàng ngày, người nhà bệnh nhân đi qua, thương cảm họ biếu bà đồng quà, tấm bánh. Bà Hoà tâm sự: "Nhiều khi đói không có gì ăn bà lại nằm ngủ để quên đi cái đói".

img
Bà Hoà ngày nào cũng ngồi co giữa vỉa hè.

Bà khoe: "4 ngày rồi có một chú béo (một người nhà bệnh nhân), chiều nào cũng mua cho tôi hộp cơm. Chú béo còn biếu tôi tiền để mua dầu gió xoa lúc tôi đau yếu. Nay sống, mai chết, tôi vẫn tin vào sự tử tế. Vẫn sẽ có những người thương cảm cho hoàn cảnh của tôi, miễn là tôi không làm gì xấu, không trộm cắp".

Nói rồi bà quay sang hỏi: “Ngồi đây ăn xin có phải là xấu không cô? Bây giờ trong người tôi chỉ có hơn một chục thôi".

Đã hơn 1 lần tôi được chứng kiến bà cụ ngồi co ro một mình trong đêm giữa khoảng không vỉa hè bệnh viện. Cảm giác màn đêm đang "nuốt chửng" người đàn bà tiều tụy, già nua. Muỗi vo ve như tên lửa. Vậy mà, cụ bà vẫn ngồi không động tĩnh. Ngồi nói chuyện với bà, tôi không ngừng cầm chiếc quạt giấy phe phẩy.

Bà Hoà nói nhỏ: "Muỗi nhiều lắm. Đốt đau, buốt lắm. May mà người nhà bệnh nhân ra viện đã cho một chiếc chăn bông ủ ấm qua ngày. Sống lay lắt nơi vỉa hè bệnh viện, 4-5 ngày tôi mới dám vào khu vệ sinh của nhà bếp thay nhờ bộ quần áo. Giặt xong lại tìm cành cây để phơi. Gọi là có 2 bộ quần áo thay đổi".

Với dáng người tiều tụy, người đàn bà này suốt ngày bên hành lang bệnh viện mong có tiền để được nhập viện. Hơn 10 năm trôi qua kể từ ngày mắc bệnh tiểu đường, chân bà teo tóp đi nhưng vẫn phải gượng dậy, lê bước chân bên hành lang bệnh viện để mong nhận được sự giúp đỡ. Đang tiếp chuyện với tôi, cơn đau chân lại hành hạ bà làm cho bà thất thần...

Những người cùng cảnh ngộ

Trong câu chuyện, bà Hoà chỉ tay về phía gốc cây- nơi có 5, 6 người lố nhố ngồi, bà bảo tôi rằng: "Họ cũng cực lắm!". Lân la tôi làm quen. Toàn là những cảnh người nghèo đến bệnh viện liều nhắm mắt đưa chân. Không tiền thuê trọ, hành lang là nơi tá túc, bám víu qua ngày...

21h, anh Hải (quê ở Thạch Kim, Hà Tĩnh) đang thu dọn chỗ nằm dưới gốc cây. Người đàn ông chừng 40 tuổi ấy lẳng lặng đặt chiếu xuống rồi dựa gốc cây thở dài: "Con trai tôi bị suy thận mãn. Mỗi bệnh nhân chỉ được một người ở buồng bệnh chăm sóc. Hai vợ chồng tôi phải thay phiên nhau chăm sóc. Nội quy không cho người nhà bệnh nhân nằm ở hành lang, tôi đành phải tá túc ở đây".

Để có chỗ ngủ, ngày nào người đàn ông này cũng phải ngồi giữ chỗ từ xế trưa. Khi có người nhà xuống "canh chỗ", anh Hải mới dám lên thăm con.

Khi tôi hỏi về tình cảnh của cháu bé, anh Hải ngậm ngùi: "Bác sĩ bảo bệnh cháu nặng lắm. Đợt vừa rồi nó ốm nặng, nằm liệt giường, tôi cứ ngỡ không qua khỏi". Anh Hải vừa gạt nước mắt vừa kể: "Cách đây 3 năm, cháu tự dưng thấy mệt mỏi, kém ăn, sút cân gia đình đưa cháu đi khám bệnh nhiều nơi và cuối cùng phát hiện ra cháu bị bệnh thận. Nhưng vì gia đình khó khăn, không có tiền mua thuốc nên bệnh của Hoàng ngày càng nặng thêm".

Anh Hải bảo rằng: “Mỗi tuần vợ chồng tôi phải nộp 1 triệu đồng tiền viện phí cho con. Bao nhiêu tiền dồn để chữa trị cho con, tôi đành sống cảnh "màn trời chiếu đất". Về nhà bây giờ thì nó chết mất" - anh Hải rầu rĩ.

Không chỉ riêng anh Hải mà còn nhiều gia đình bệnh nhân nghèo đang từng ngày gắng gượng chống chọi với bệnh tật, với cảnh "màn trời, chiếu đất"... Những người như bà Hòa, anh Hải đang rất cần sự giang tay giúp đỡ của cộng đồng.

Theo ĐSPL
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem