Chuyển đổi số để thực hiện “mục tiêu kép” tại Thái Nguyên
Chuyển đổi số để thực hiện “mục tiêu kép” tại Thái Nguyên
Thu Hương
Thứ hai, ngày 27/12/2021 11:18 AM (GMT+7)
Sau một năm thực hiện Nghị quyết về Chuyển đổi số, những “dấu ấn” từ môi trường số đã thể hiện trong nhiều lĩnh vực phát triển quan trọng của tỉnh Thái Nguyên.
Phát triển Thành phố thông minh bằng chính quyền số
Năm vừa qua, người dân Thái Nguyên đã được tiếp cận, sử dụng ứng dụng dành riêng cho mình. Đó là ứng dụng C-ThaiNguyen.
Bà Nguyễn Thị Nga, tổ 2, phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên cho hay: "Chúng tôi được tổ trưởng dân phố đến tận nhà hướng dẫn cài đặt ứng dụng C- Thái Nguyên. Người dân có thể phản ánh ngay, trực tiếp các ý kiến, kiến nghị đến các cơ quan chức năng, thay vì đơn thư, thủ tục rườm rà như trước".
Ứng dụng công dân số C-ThaiNguyen với 8 tính năng chính, bao gồm: hệ thống phản ánh hiện trường; hệ thống thông tin cảnh báo; thông tin từ chính quyền UBND tỉnh; hệ thống tích hợp thông tin y tế, giáo dục; hệ thống ứng cứu khẩn cấp; hệ thống cổng hỗ trợ các dịch vụ công ích; camera trực tuyến và hệ thống thông tin điều hành chính quyền, đang dần trở thành ứng dụng phổ biến của mỗi công dân Thái Nguyên.
Ông Lê Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên thông tin: "Qua C-Thái Nguyên, chúng tôi tiếp nhận và giải quyết trên 90% ý kiến phản ánh của người dân, với tỷ lệ hài lòng trên 80%. Hiện nay, bộ phận một cửa, các cuộc tiếp xúc của lãnh đạo Thành phố với người dân đều được dân giám sát, phản ánh và lãnh đạo thành phố được tiếp nhận, xử lý kịp thời những tồn tại, hạn chế".
Được biết, Thái Nguyên là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành một Nghị quyết riêng về nội dung Chuyển đổi số. Cụ thể, ngay đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 01).
Từ đó, chuyển đổi số thực sự trở thành nội dung "thời sự" ở địa phương này. Công dân và doanh nghiệp được coi là trung tâm để chuyển đổi số và phát triển các dịch vụ thông minh.
Việc đồng bộ hoá, liên thông thông tin, đã giúp Thái Nguyên hoàn thành cung cấp 100% thủ tục hành chính cấp độ 4 trên cổng dịch vụ công tỉnh Thái Nguyên, vượt chỉ tiêu có trên 80% dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4.
Thái Nguyên cũng đã xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số được triển khai đồng bộ như: xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm điều hành thông minh (IOC); ThaiNguyen ID - Nền tảng công dân số đầu tiên dành riêng cho tỉnh Thái Nguyên; hệ thống quản lý văn bản đi đến và điều hành tỉnh Thái Nguyên đã gửi, nhận gần 1,9 triệu văn bản (ước tính tiết kiệm được khoảng 7,5 tỷ đồng so với gửi, nhận qua đường bưu điện)…
Mô hình "Phòng họp không giấy" đã được áp dụng phổ biến từ tỉnh đến các địa phương. Đến nay, Thái Nguyên là địa phương duy nhất đã tổ chức khóa bồi dưỡng quy mô toàn tỉnh về chuyển đổi số.
Ông Đỗ Hoàng Thái, Giám đốc Trung tâm CNTT & TT, Sở TTTT tỉnh Thái Nguyên cho biết thêm: "Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, bằng "Lá chắn công nghệ" Thái Nguyên đã bảo vệ "Tỉnh vùng xanh an toàn".
Đồng thời, năm 2020, tỉnh Thái Nguyên đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số. trong đó Chính quyền số đứng thứ 3/63, Kinh tế số đứng thứ 19/63, Xã hội số đứng thứ 37/63".
Hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trên môi trường số
Nông nghiệp là một trong năm lĩnh vực trọng tâm được Thái Nguyên tập trung nguồn lực thực hiện chuyển đổi số.
Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Hội viên HTX chúng tôi thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn về chuyển đổi số, nhất là về thông tin điện tử, về cách bán hàng thương mại điện tử".
Được biết sàn giao dịch điện tử trên C-ThaiNguyeen đang dần trở nên phổ biến với các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh.
Ông Phạm Văn Sỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Thái Nguyên cho hay: "Chuyển đổi số đã hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với sản lượng lớn ngay cả khi diễn biến dịch bệnh phức tạp. Thông tin liên quan đến sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm OCOP tiêu biểu của Thái Nguyên được liên tục đăng tải, tích hợp chỉ dẫn địa lý, quảng bá chất lượng.
Mỗi đơn vị được giao nhiệm vụ riêng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sản xuất, tham gia thị trường trên môi trường số".
Có thể thấy, sau một năm thực hiện Nghị quyết về chuyển đổi số, những "dấu ấn" về quá trình chuyển đổi đã được thể hiện từ cán bộ, công chức cho đến các doanh nghiệp, người dân tại Thái Nguyên.
Bà Nguyễn Thanh Hải - Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên khẳng định: "Phát huy những kết quả đạt được, với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, Thái Nguyên sẽ tiếp tục tập trung các nguồn lực để đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực, nhằm thực hiện thắng lợi đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của vùng trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030. Đồng thời, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất miền Bắc".
Năm 2021, Thái Nguyên có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,56% (cao gấp 2 lần so với trung bình cả nước); tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân đầu người đạt 95,1 triệu đồng/người, tăng 6,4 triệu đồng/người so với năm 2020; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 844 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7%; giá trị xuất khẩu đạt gần 29 tỷ USD, tăng 17,9%; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 16.750 tỷ đồng, vượt 7,37% so với dự toán; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt trên 14,65 tỷ đồng, tăng 4,18%.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.