Chuyển đổi số giúp “vá lại vết thương” cho doanh nghiệp

Thứ năm, ngày 05/08/2021 06:35 AM (GMT+7)
Chuyển đổi số đang là cuộc chạy đua được nhiều doanh nghiệp quan tâm để giữ và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra đã khiến quá trình này trở thành yếu tố "sống còn" với đa phần doanh nghiệp (DN).
Bình luận 0

Đòn bẩy trong mùa dịch

Việc đánh giá mức độ sẵn sàng với chuyển đổi số của các DN Việt giữa đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 là rất cần cần thiết, nhằm tìm ra những “đòn bẩy” giúp DN có sức bật phục hồi tốt hơn sau đại dịch.

Chuyển đổi số giúp “vá lại vết thương” cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, không ít DN vẫn duy trì được hoạt động kinh doanh nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số.

Có thể nhận thấy bắt đầu từ khi dịch Covid -19 xảy ra đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể về chuyển đổi số trong cộng đồng DN ở Việt Nam cũng như ứng dụng công nghệ số để bán hàng, giao hàng online, làm việc trực tuyến.

Nhìn nhận vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Ngân - Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Bình Minh - cho biết, dịch Covid-19 có nhiều yếu tố tiêu cực tới DN Việt Nam và chỉ có một yếu tố tích cực là đẩy nhanh quá trình số hóa, chuyển đổi số. “Năm 2021, chúng tôi xây dựng khẩu hiệu "Linh hoạt ứng phó để vượt lên thách thức". Kinh nghiệm của đơn vị là xây dựng kế hoạch và chuyển đổi số từ trước, chứ không phải đợi Covid-19 mới chuẩn bị. Đây chỉ là dịp để đẩy nhanh quá trình số hóa, chuyển đổi số", ông Nguyễn Hoàng Ngân bày tỏ.

Có thể thấy, dịch Covid-19 đang tác động lớn đến hoạt động DN khiến chủ DN đang tìm cách thích ứng. Theo ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), trong bối cảnh này, nhiều DN hoạt động theo phương thức truyền thống đã gặp khó khăn, nhiều DN Việt dễ bị tổn thương vì chậm chuyển đổi, nên họ rất cần phải dùng đến “đòn bẩy số” để "vá lại các vết thương”. Theo đó, việc ứng dụng công nghệ trong tìm kiếm khách hàng và xuất khẩu hàng hóa trực tuyến là hướng đi tất yếu. “Ứng dụng công nghệ để xúc tiến thương mại trực tuyến, đưa công nghệ nhiều hơn vào vận hành bộ máy quản trị, kinh doanh sẽ giúp DN kết nối với nhau tốt hơn, có điều kiện phục hồi sản xuất, mở rộng thị trường”, ông Tô Hoài Nam lưu ý.

Đánh giá về khả năng DN ứng dụng thương mại điện tử thời gian qua, mới đây Cục Thương mại và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã công bố Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 cho thấy một "bức tranh" ngày càng sáng hơn về tình hình ứng dụng thương mại điện tử trong cộng đồng DN Việt Nam.

Cụ thể, về khảo sát DN bán hàng trên mạng xã hội, 41% DN cho biết có sử dụng công cụ này, đồng thời 22% DN tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT). Trong đó, 23% DN cho biết tham gia sàn giao dịch TMĐT sau khi dịch Covid-19 khởi phát.

Kết quả khảo sát cho thấy, 81% DN nhận được đơn hàng qua email, webiste TMĐT là 37%, sàn TMĐT 29%, mạng xã hội 63%; 57% DN cho biết hiệu quả kinh doanh trực tuyến của DN trong bối cảnh dịch Covid-19 là rất tốt.

Trong khi đó, khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho hay, trong giai đoạn tính đến tháng 6/2020, có 48% DN tại Việt Nam chuyển sang nền tảng số. Từ tháng 6 đến tháng 10/2020, tỷ lệ DN chuyển sang nền tảng số tăng thêm 11%. Đáng chú ý, nền tảng số được sử dụng nhiều nhất trong DN Việt Nam là ứng dụng vào quản trị DN, tiếp đến là tiếp thị, phương pháp thanh toán, bán hàng, lập kế hoạch sản xuất…

Chuyển đổi số là tất yếu

Trong bối cảnh đại dịch, chuyển đổi số được xem như "cứu cánh" của nền kinh tế, Covid-19 thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Do vậy, DN phải có cái nhìn dài hạn, có chiến lược về chuyển đổi số. Trong điều kiện khó khăn nhất thì phải duy trì được sản xuất ổn định và phát triển DN.

Đại diện một số DN cho rằng, cần mạnh dạn chuyển đổi số, thay đổi tư duy, để thích ứng trạng thái mới chứ không riêng đại dịch Covid-19 đang xảy ra.

Theo bà Phạm Thị Sơn - Chủ tịch Công ty Hồng Ngọc Hà, trong năm 2021 công ty đặt quyết tâm phải chuyển đổi số bằng mọi giá. "Chúng tôi vừa ký hợp đồng triển khai ERP với một trong những công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, ứng dụng công nghệ Big Data để phân tích doanh thu, phân tích khách hàng nhằm tăng trải nghiệm khách hàng, nghiên cứu thị trường, đưa ra chiến lược marketing phù hợp", bà Phạm Thị Sơn cho biết.

Về vấn đề này, đại điện lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, chuyển đổi số là tất yếu đối với sự phát triển của DN Việt Nam, đặc biệt là các DN ngành bán lẻ. Với sự thay đổi của công nghệ, các công ty bán lẻ có thể tối ưu nguồn lực của mình, dần phát triển theo hướng bền vững nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính mình trong bối cảnh toàn cầu đều chịu ảnh hưởng chung bởi đại dịch Covid-19.

Có thể khẳng định, để vượt qua thách thức hiện tại, nhiều DN đã quan tâm đến việc đẩy mạnh chuyển đổi số hóa và tạo nên làn sóng lan tỏa trên thị trường. Trên thực tế, hầu hết những DN được đánh giá là đi tiên phong trong quá trình chuyển đổi số đã nhanh chóng vượt qua thách thức, đón bắt các cơ hội của thị trường và phục hồi nhanh hơn các DN khác trước khủng hoảng.

Hiện nay, Chính phủ đang triển khai Chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, 100% DN được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 100.000 DN được nhận các hỗ trợ từ chương trình. DN được hỗ trợ là các thành công điển hình trong chuyển đổi số, hướng tới các DN sản xuất, chế biến và thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn thúc đẩy chuyển đổi số. Do đó, việc tranh thủ tận dụng thời cơ này sẽ là hướng đi quan trọng giúp DN đứng vững và tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

Lan Anh (Theo báo Công thương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem