Chuyển đổi số là xu hướng của nông nghiệp xanh, bền vững

Vũ Mạnh Hùng Thứ ba, ngày 10/10/2023 15:45 PM (GMT+7)
Từ thực tiễn sản xuất của Tập đoàn Hùng Nhơn, có thể thấy chuyển đổi số nên thử nghiệm từ các trang trại lớn trước, bởi họ có đủ tiềm lực về tài chính, quy mô chăn nuôi; tiếp đến là trang trại vừa và nhỏ và sau đó là bà con nông dân.
Bình luận 0

Với sự hỗ trợ từ Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), Tập đoàn Hùng Nhơn đã được Tổ chức Chứng nhận quốc tế Control Union trao giấy chứng nhận Global GAP cho trang trại gà thịt. Đây cũng là trang trại gà đầu tiên ở Việt Nam đạt chứng chỉ danh giá này.

Nhân ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt xin giới thiệu bài viết của ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Hùng Nhơn (TP.HCM).

Chuyển đổi số là xu hướng của nông nghiệp xanh, bền vững - Ảnh 1.

Chân dung ông Vũ Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA).

Đầu tư hơn 180 tỷ đồng chuyển đổi số, doanh nghiệp quản lý trang trại hiệu quả

Tập đoàn Hùng Nhơn là một trong những doanh nghiệp nông nghiệp đầu tiên tại Việt Nam đã hiện thực hóa thành công mô hình chuyển đổi số này với mô hình công nghệ nuôi gà lạnh đạt tiêu chuẩn quốc tế. Để nhận được chứng nhận Global GAP cho trang trại gà thịt, Hùng Nhơn đã phải đáp ứng 349 tiêu chuẩn GlobalGAP, bao gồm 178 tiêu chuẩn bắt buộc phải tuân thủ 100%, 124 tiêu chí có thể tuân thủ đến mức 95% cũng được chấp nhận và có 47 kiến nghị, khuyến cáo nên thực hiện. 

Theo đó, các trang trại thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm xuyên suốt bắt đầu từ khâu chuẩn bị như chuồng nuôi, thức ăn cho đến khâu xuất bán.

Không phải bây giờ chúng tôi mới thực hiện chuyển đổi số mà có thể khẳng định, việc áp dụng công nghệ cao, hiện đại là một trong những giải pháp quyết định sự thành công các dự án chăn nuôi của Tập đoàn. Trại trang trại 7ha ở huyện Đồng Phú (Bình Phước), chúng tôi có 8 dãy chuồng nuôi gà, mỗi dãy nuôi hơn 41.000 con. Tất cả các công đoạn chăm sóc gà từ cho ăn, uống nước, lấy trứng, lấy phân… đều bằng dây chuyền tự động, do đó chỉ cần vài lao động trông coi.

Chuyển đổi số là xu hướng của nông nghiệp xanh, bền vững - Ảnh 2.

Một góc trang trại chăn nuôi áp dụng công nghệ chuồng lạnh của Tập đoàn Hùng Nhơn tại tỉnh Bình Phước.

Cám cho gà từ lò hơi ở bên ngoài được chuyển tự động đến các chuồng, chảy vào máng ăn. Khi gà đẻ thì trứng sẽ tự động lăn vào máng phía dưới, sau đó băng chuyền đẩy ra ngoài. Công nhân chỉ việc lấy trứng, phân loại và sau đó xử lý sạch, sát trùng để xếp vào khay. 

Phân gà được chuyển ra phía sau của trại nuôi, sau đó sẽ có xe đến chở về nhà máy chế biến phân bón hữu cơ Đồng Phú ở cách đó vài cây số. Hiện, sản lượng trứng tại các trại gà đẻ đạt gần 315.000 quả/ngày, tương đương 130 triệu quả trứng mỗi năm.

Ở cách trại gà đẻ trứng khoảng 8km là trại chăn nuôi gà thịt Thùy Thảo có diện tích 20ha, gồm 20 trại nuôi gà lạnh, áp dụng theo công nghệ tiên tiến của Tập đoàn Big Dutchman (CHLB Đức). Tất cả các công đoạn trong suốt quá trình nuôi đều được tự động hóa, với tổng đàn gà hơn 3 triệu con/năm.

Để thực hiện 2 dự án chăn nuôi gà này, Tập đoàn Hùng Nhơn đã hợp tác với Tập đoàn De Heus (Hà Lan) chuyên cung cấp thức ăn chăn nuôi và Công ty CP Bel Gà (Vương quốc Bỉ) chuyên cung cấp gà giống tại thị trường Việt Nam và một số doanh nghiệp lớn chuyên cung ứng gà thịt thương phẩm, trứng gà cho các siêu thị trong nước, tạo thành chuỗi liên kết hợp tác hiệu quả và bền vững. 

Đặc biệt, toàn bộ các trang trại nuôi gà đều áp dụng công nghệ chuồng lạnh của Tập đoàn Big Dutchman (CHLB Đức), sử dụng hệ thống Silo nhập khẩu (nơi để lưu trữ và bảo quản thức ăn chăn nuôi không đóng bao với số lượng lớn). 

Tổng mức đầu tư cho 2 trang trại gà đẻ trứng và gà thịt là hơn 180 tỷ đồng. Nhờ chăn nuôi theo chuỗi, liên tục cập nhật các vấn đề về kỹ thuật, công nghệ hiện đại, nên dù đi xa thì chúng tôi vẫn có thể điều hành trang trại, xuất bán hàng nghìn con gà như thường.

Chuyển đổi số là xu hướng của nông nghiệp xanh, bền vững - Ảnh 4.

Trang trại gà đẻ trứng được Tập đoàn Hùng Nhơn đầu tư hiện đại, áp dụng công nghệ tự động. Khi gà đẻ thì trứng sẽ tự động lăn vào máng phía dưới, sau đó băng chuyền đẩy ra ngoài.

Khi dịch tả heo châu Phi, cúm gia cầm xảy ra, doanh nghiệp xác định dịch bệnh do con người mang tới nên Tập đoàn Hùng Nhơn đã hạn chế con người tiếp xúc với vật nuôi tại trang trại. Nhờ mã hoá trang trại theo công nghệ số, Hùng Nhơn đã giảm được nhiều chi phí, tăng hiệu quả kiểm soát, công nhân ít phải tiếp xúc với nhau mà vẫn vận hành trơn tru. 

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, việc kết nối các trang trại, công ty thành viên qua nền tảng số càng cho thấy sự hiệu quả và cần thiết. Công nghệ số hoá giúp tập đoàn điều hành trang trại thuận lợi, tiết kiệm nhân công, thời gian, chi phí mà vẫn quản lý tốt dịch bệnh, tăng hiệu quả chăn nuôi. Chăn nuôi theo chuỗi nên Tập đoàn Hùng Nhơn ít bị thiệt hại bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng, tiêu thụ do đại dịch Covid-19.

Chuyển đổi số cần bắt đầu từ trang trại lớn

Hiện nay, chăn nuôi ở nước ta vẫn chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ, với hơn 2 triệu hộ nuôi lợn, 8 triệu hộ nuôi gia cầm, 2 triệu hộ nuôi bò... Trong khi đó, Luật Chăn nuôi quy định, cơ sở chăn nuôi phải khai báo với chính quyền địa phương về hoạt động chăn nuôi của mình. Đối với các cơ sở lớn phải khai báo, cấp chứng nhận cơ sở để chăn nuôi. Để làm việc này, phải số hóa thì mới xử lý được. Chưa kể tới việc quản lý cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, giống.

Chuyển đổi số là xu hướng của nông nghiệp xanh, bền vững - Ảnh 5.

Sản phẩm trứng gà được phân loại, làm sạch và đưa vào khay.

Đối với nông dân, HTX việc chuyển đổi số rất tiềm năng, tuy nhiên chuyển đổi số như thế nào thì cần có sự hướng dẫn, tiếp cận hiệu quả. Từ thực tiễn của Hùng Nhơn, có thể thấy chuyển đổi số nên thử nghiệm từ các trang trại lớn trước, bởi họ có đủ tiềm lực về tài chính, quy mô chăn nuôi; tiếp đến là trang trại vừa và nhỏ và sau đó là bà con nông dân. Câu hỏi đặt ra lúc nảy là nội dung chuyển đổi số cần ưu tiên là gì? 

Theo chúng tôi, đó là ưu tiên chuyển đổi quy trình chăm sóc trước, sau đó là thương mại, tiếp đó là chuyển đổi giữa các lĩnh vực với nhau, như là thú y, thức ăn chăn nuôi, giết mổ chế biến, tiêu thụ. Chuyển đổi số không mới nhưng cũng không dễ với bà con nông dân. Do đó, chúng ta cần có hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển đủ mạnh để đưa ngành chăn nuôi phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả, an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Mạnh dạn liên kết với tập đoàn nông nghiệp châu Âu

Từ việc mạnh dạn áp dụng chuyển đổi số, Hùng Nhơn đã có cơ hội liên kết, bắt tay với nhiều doanh nghiệp lớn, được các khách hàng lớn tin tưởng và đặt hàng, điển hình là Tập đoàn De Heus - một tập đoàn nổi tiếng về nông nghiệp của Hà Lan với lịch sử phát triển hơn 100 năm.

Theo đó, Hùng Nhơn cùng với De Heus xây dựng chuỗi tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với 1.000 ha trang trại tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Liên doanh DHN đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt công suất khoảng 10.000 heo giống cụ, kỵ tại khu vực Tây Nguyên; 200.000 heo nái thương phẩm tại khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; 58 triệu con gà giống và 25 triệu con gà thịt tại Tây Ninh.

Chuyển đổi số là xu hướng của nông nghiệp xanh, bền vững - Ảnh 6.

Từ thực tiễn chăn nuôi tại trang trại, ông Vũ Mạnh Hùng cho rằng chuyển đổi số nên thử nghiệm từ các trang trại lớn trước, bởi họ có đủ tiềm lực về tài chính, quy mô chăn nuôi.

Trong quá trình hợp tác với De Heus, chúng tôi nhận ra rằng xu thế của phát triển nông nghiệp số rất phù hợp hoàn cảnh của Việt Nam. Thế nhưng, giữa khát vọng và mong muốn "đánh thức" tiềm năng và thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao là không đơn giản. Cần có sự gặp gỡ, đối thoại và xúc tiến các hoạt động đầu tư với chính quyền địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp để có được tiếng nói chung, nhìn về một hướng. 

Cũng chính vì lý do này, Hùng Nhơn đã trở thành đơn vị kết nối giữa các cấp lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh với EuroCham để tổ chức diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023. Với sự có mặt của hơn 400 đại biểu đã phần nào cho thấy sự quan tâm của các doanh nghiệp trong nước và đặc biệt là các doanh nghiệp của EuroCham với lĩnh vực nông nghiệp Tây Ninh.

Một khi chúng ta có sự quan tâm và thấu hiểu, cộng với những thế mạnh sẵn có và khát vọng, tầm nhìn chung, thì việc hợp tác chắc chắn mang lại kết quả cao. Không chỉ mang lại hiệu quả cho bản thân doanh nghiệp mà xa hơn là đóng góp vào sự phát triển của nền nông nghiệp Tây Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem