Chuyển động Nhà nông 04/01: Siêu thị vào cuộc hỗ trợ nông dân Bình Thuận, Long An tiêu thụ thanh long

THDV Thứ ba, ngày 04/01/2022 15:08 PM (GMT+7)
Từ ngày 4/1, hệ thống siêu thị Big C, Tops Market và Go! thuộc Tập đoàn Central Retail đồng loạt triển khai chương trình hỗ trợ nông dân, đẩy mạnh tiêu thụ thanh long. Đây là một trong những thông tin sẽ có trong Chuyển động nhà nông ngày hôm nay.
Bình luận 0

Chuyển động Nhà nông 04/01

Chuyển động Nhà nông 04/01

Siêu thị vào cuộc hỗ trợ nông dân Bình Thuận, Long An tiêu thụ thanh long

Từ ngày 4/1, hệ thống siêu thị Big C, Tops Market và Go! thuộc Tập đoàn Central Retail đồng loạt triển khai chương trình hỗ trợ nông dân, đẩy mạnh tiêu thụ thanh long. Chương trình nhằm tạo điều kiện để người tiêu dùng cả nước chung tay, đồng hành cùng nông dân trồng thanh long khi dịp Tết Nguyên đán đã cận kề, giảm bớt thiệt hại khi xuất khẩu thanh long gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch. Dự kiến, trong tuần đầu tiên áp dụng chương trình, các siêu thị của này sẽ tiêu thụ khoảng 20 tấn thanh long, và dự kiến sẽ nâng dần sản lượng tiêu thụ căn cứ sức mua đang tăng mạnh dịp cuối năm.

Bắc Kạn hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh

Cam quýt là sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Bắc Kạn. Với diện tích hơn 3 nghìn 500 ha, sản lượng năm nay ước đạt 24 nghìn tấn. Để hỗ trợ người dân tiêu thụ, tỉnh Bắc Kạn tổ chức kết nối, hỗ trợ đàm phán và ký kết tiêu thụ sản phẩm vào các chuỗi bán lẻ, siêu thị và các nhà máy chế biến hoa quả. Do đó, cam, quýt năm nay tiêu thụ tốt, giá bán cao hơn năm 2020. 

Trong bối cảnh dịch Covid – 19 diến biến phức tạp, với nhiều giải pháp linh hoạt thích ứng trong từng thời điểm, nên đến nay, hầu hết các loại nông sản chủ lực của tỉnh Bắc Kạn đều được tiêu thụ thuận lợi với giá thành ổn định. Củ dong riềng tại địa phương này cũng được thu mua với giá cao hơn mọi năm trên dưới 2 nghìn đồng/1kg, mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng cho mỗi hộ dân. Không bán thô như mọi năm, năm nay tỉnh Bắc Kạn tập trung chế biến củ dong tại chỗ để sản xuất miến, đồng thời triển khai ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các cơ sở chế biến, nên việc tiêu thụ cũng thuận lợi hơn rất nhiều so với mọi năm.  

Xuất khẩu cà phê hồi phục

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sau khi ghi nhận mức giảm liên tiếp kể từ tháng 2/2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam phục hồi trở lại trong tháng 11/2021.

Cụ thể, thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 11/2021 đạt 107,5 nghìn tấn, trị giá 241,46 triệu USD, tăng 8,3% về lượng và tăng 11,1% về trị giá so với tháng 10/2021, so với tháng 11/2020 tăng 28,3% về lượng và tăng 49,9% về trị giá.

Tính chung 11 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt xấp xỉ 1,4 triệu tấn, trị giá 2,7 tỷ USD, giảm 2,3% về lượng, nhưng tăng 8,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Argentina tiếp tục hạn chế xuất khẩu thịt bò

Chính phủ Argentina công bố một loạt quy định và điều kiện xuất khẩu thịt bò trong năm 2022 và 2023, bao gồm cả việc đình chỉ việc bán ra nước ngoài một số sản phẩm nằm trong danh mục “ưa thích” của người tiêu dùng nước này.

 Theo đó, Chính phủ Argentina cấm xuất khẩu 7 sản phẩm thịt bò dành riêng cho thị trường nội địa từ nay cho đến hết năm 2023, trong đó có cả sản phẩm sườn bò nguyên xương và thịt thăn bụng dùng cho món thịt nướng truyền thống của người dân quốc gia Nam Mỹ này.

Lệnh cấm trên không bao gồm các thỏa thuận giữa Argentina và một số đối tác đặc biệt, trong đó có hợp đồng cung cấp thịt bò thượng hạng dành cho chuỗi khách sạn của Tập đoàn Hilton tại Israel, Mỹ, Chile và Colombia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem